Chuyện lạ lùng của Giáng sinh 1914: Ngày chiến tranh nhường chỗ cho tình người

22/12/2014 06:31 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Trong bầu không khí lạnh giá của Giáng sinh năm 1914, tại một chiến tuyến chết chóc nơi quân Anh và Đức đang đối đầu nhau, một giai điệu của ca khúc Giáng sinh là Stille Nacht, Heilige Nacht (Silent Night, Holy Night) bỗng vang lên. Hôm đó, điều kỳ diệu đã xuất hiện.

Những người lính đã giết nhau trong một thời gian dài, với số nạn nhân lên tới hàng chục ngàn suốt nhiều tháng trời, đã trèo ra khỏi các chiến hào ngập ngụa bùn lầy, để tìm chút hơi ấm tình người còn sót lại trong khung cảnh kinh hoàng của chiến tranh.

Các bàn tay từ hai phía chìa ra bắt lấy nhau. Các món quà được đôi bên trao cho nhau. Và tại khu vực có tên Flanders Fields đó, một hoạt động ngừng bắn không chính thức nhân dịp Giáng sinh đã diễn ra, cách đây đúng 100 năm.

Bất ngờ trong một cuộc chiến chết chóc

"Không một phát súng nào vang lên" - Thiếu úy Kurt Zehmisch thuộc trung đoàn Saxony 134 của Đức viết trong nhật ký của ông, thể hiện rõ sự kinh ngạc. Ở bên kia chiến tuyến, Binh nhì Henry Williamson thuộc Lữ đoàn súng trường London cũng ngạc nhiên trước thiện chí của đối phương. "Vâng, cả ngày là lễ Giáng sinh. Tuyệt vời phải không?"

Ít người tin vào mắt mình về những gì đang diễn ra, đặc biệt là tại vùng đất đầy máu và bùn nằm kẹp giữa Pháp và Bỉ này. Lệnh ngừng bắn đã cho phép 2 bên thu gom xác tử sĩ ra khỏi chiến trường và đưa họ đi chôn cất tử tế. Hoạt động chiến đấu vẫn diễn ra tại nhiều nơi khác trong Thế chiến thứ nhất. Nhưng đã có một khoảnh khắc hòa bình hiếm hoi hiện diện, tại một cuộc chiến sẽ kéo dài thêm gần 4 năm nữa.


Lính Anh và Đức đứng bên nhau sau hoạt động ngừng bắn tự phát trong Giáng sinh 1914

Trước đó không lâu, hoạt động tấn công quân sự chớp nhoáng từ Đức, qua Pháp tới bờ biển Bỉ, đã dần lâm vào thế sa lầy, sau khi làm thiệt hại hàng trăm ngàn sinh mạng. Với cả 2 bên trong cuộc chiến, cả người Đức lẫn phe Đồng minh dẫn đầu bởi Pháp và Anh, thế sa lầy đã chôn vùi bất kỳ hy vọng nào rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc vào dịp Giáng sinh 1914. Những gì diễn ra sau đó là một dạng chiến tranh quanh các chiến hào, nơi sinh mạng con người liên tục bị hao tổn.

"Có nhiều vụ tấn công ở nơi đây đã không đi vào sử sách. Nhưng tất cả chúng đều gây thiệt hại lớn về binh lính" - Piet Chielens, curator tại Bảo tàng Flanders' Fields ở Ypres, Bỉ, cho biết.

Chielens nói rằng trong những ngày đầu của Thế chiến thứ Nhất, khi đôi bên đều đào nhiều đoạn hào phòng thủ trên đất Bỉ, các vị chỉ huy trên chiến trường thường "tấn công mà chẳng suy nghĩ thấu đáo và lo ngại về số phận binh lính của họ". Với việc pháo binh tấn công gần như chưa tồn tại, binh lính được dồn lên xung phong tại các điểm phòng thủ, nơi súng máy không thể bắn hạ tất cả những người đang lao tới.

Đáng nhớ trong số đó là vụ tấn công mang tên Birdcage (Lồng chim), diễn ra vào ngày 19/12/1914, nhằm vào một khu vực chiến tuyến của quân Đức có kích cỡ bằng một sân bóng đá. Trước đó, những người lính Đồng minh đã nghĩ về Giáng sinh. Nhưng với 80 người tham gia trận Birdcage, giấc mơ đã thành ác mộng, khi các hàng rào thép gai đã giúp quân Đức phòng thủ ở đây có lợi thế lớn.

Hàng rào cản bước tiến của lính xung kích, khiến họ trở thành các bia thịt bất lực. Một số thi thể được tìm thấy sau cuộc tấn công đã bị bắn nát tới mức người ta không thể phân biệt được ai với ai. Ngày hôm nay, bia mộ của vài tử sĩ được đặt ngay cạnh nhau để ghi nhớ nỗi kinh hoàng đó. Trận Birdcage đã khiến giới chỉ huy phải đổi chiến thuật sang chỗ giằng co, sau khi nhận ra rằng, việc lùa lính xung lên không hiệu quả.

"Chúng tôi chẳng bắn"

Trong khung cạnh chết chóc như vậy, ít người lính có hy vọng về một lễ Giáng sinh an lành. Mờ sáng ngày 25/12/1914, hai người lính Anh là Frank Wray và Maurice Wray được phân công canh gác, đột nhiên nghe thấy tiếng nhạc vọng sang từ phía chiến hào Đức. Các nhạc công Đức đã chơi nhiều ca khúc Giáng sinh quen thuộc với cả 2 quốc gia.

Lúc trời sáng hẳn, một thông điệp sử dụng tiếng Anh chắp vá vang lên từ chiến hào của người Đức: "Chúng tôi tốt. Chúng tôi chẳng bắn". "Sau đó là sự xuất hiện của một hoạt động ngừng bắn không chính thức. Những người đàn ông bước ra, ban đầu rất cẩn trọng. Họ sợ có trò láu cá chết chóc nào đó. Thế rồi sự nồng ấm của con người đã xua tan cái giá lạnh của mùa Đông" - anh em nhà Wray viết.

Chielens nói rằng các cảnh tương tự đã diễn ra tại hơn 30 điểm, nằm trên một vùng chiến sự dài nhiều cây số ở Bỉ. Ngừng bắn nhân Giáng sinh cũng diễn ra ở mặt trận phía Tây, vốn chạy từ Biển Bắc tới biên giới Thụy Sĩ.

Ngoài các cuộc trò chuyện bằng những thứ ngôn ngữ chắp vá hoặc qua các cử chỉ, ánh mắt, những người đàn ông đã trao nhau nhiều món quà, từ thịt bò tới bia và kẹo. Một số người chơi bóng đá với nhau.

Quân nhân Đức Werner Keil đã viết ngoáy tên ông lên một mảnh giấy và tặng nó cùng một chiếc cúc áo trên quân phục cho quân nhân Anh Eric Rowden thuộc đơn vị Súng trường Westminster của Nữ hoàng trong Giáng sinh 1914. "Chúng tôi cười và pha trò cùng nhau, đã quên bẵng mất rằng chiến tranh đang diễn ra" - Rowden viết.

Tuy nhiên, hiện thực chiến tranh không tan nhanh tới vậy. Người ta vẫn nhớ về sự tàn bạo của chiến tranh qua ký ức về vụ Birdcage và hoạt động mai táng tử sĩ. Chielsen nói rằng, tiếng súng không hoàn toàn yên ắng. Riêng tại dải đất Ploegsteert của Bỉ, đã có 250 người chết trong ngày Giáng sinh 1914.

Những người lính cũng nói rằng các chỉ huy quân đội của đôi bên rất tức giận trước các màn kết bạn trong thời chiến kiểu này và họ đã ra tay ngăn chặn để nó không tái diễn. Quả thực, hoạt động ngừng bắn tự phát như trong Giáng sinh 1914 đã không trở lại nữa. Chỉ có một thứ vẫn lặp đi lặp lại là hoạt động giết chóc, với con số người chết ngày càng tăng cao.

Ngày hôm nay, nằm gần một khu tưởng niệm đặt tại Ploegsteert để kỷ niệm trận đấu bóng giữa các bên tham chiến trong Giáng sinh 1914 là nghĩa trang quân sự Prowse Point. Trong số 225 tử sĩ được an táng ở đây, có 3 bia mộ thuộc đơn vị bộ binh số 27 của Australia. Ngày mất của những người lính này đề rõ: 25/12 (Giáng sinh) năm 1917.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm