Vụ chùa Vàng trên áo dài: Cần tôn trọng tập tục, văn hóa của nước bạn

21/11/2015 07:15 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ấn phẩm Heritage phát hành tháng 11/2015 có trang bìa in hình người mẫu Hồng Quế mặc trang phục áo dài của NTK Thái Tuấn đã bị Vietnam Airlines quyết định thu hồi hôm qua (20/11) bởi trên tà áo dài có in hình ngôi chùa Shwedagon (còn được gọi là chùa Vàng) của Myanmar.

Việc sử dụng hình ảnh chùa Vàng như vậy đã bị cộng đồng mạng đặc biệt là các tín đồ Phật giáo Myanmar chỉ trích dữ dội là xúc phạm tới di sản tâm linh quan trọng của người Myanmar.

Xung quanh sự việc này, Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với nhà thiết kế Nguyễn Tiến Doãn. Ông là người từng đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo của những dự án nhận diện thương hiệu bằng y phục.

* Theo ông, vì sao mẫu áo dài trong BST của công ty Thái Tuấn trên tạp chí Heritage của Vietnam Airlines, có in hình ngôi chùa tại Myanmar lại gây phản ứng rất mạnh từ  nhiều bên?

- Có rất nhiều người đã, đang và sẽ yêu áo dài Việt Nam, vì họ hiểu đúng và đủ tính cách, văn hóa mặc áo dài Việt Nam. Vì trân quý áo dài, chắc chắn họ sẽ không làm thương tổn đến tấm áo này.

Tuy nhiên có một số người đã làm cho áo dài Việt Nam có phần xa lạ với văn hóa Việt Nam nhằm thỏa mãn một nhu cầu cá nhân với tấm áo này thông qua việc sáng tạo. Cái đẹp của áo dài Việt hấp dẫn trong sự kín đáo, hay ngược lại sự kín đáo mà hấp dẫn, bên cạnh một câu chuyện văn hóa trong tấm áo ấy.


Nhà thiết kế Nguyễn Tiến Doãn

Chùa Shwedagon hay còn gọi là chùa Vàng ở Yangon được coi là ngôi chùa linh thiêng nhất Myanmar, nó được xem như một bảo vật kiến trúc. Qua phương tiện truyền thông, tôi có biết về việc này. Tôi thấy rằng vấp phải phản ứng là điều dễ hiểu khi phương thức tư duy và văn hóa ứng xử là khác nhau.

Đứng ở góc nhìn văn hóa khác nhau sẽ có cảm xúc khác nhau. Nhưng phải hiểu rằng khi sử dụng hình ảnh, văn hóa, tín ngưỡng của một nơi khác, chúng ta cần tôn trọng.

* Ông có nhận xét thế nào về xu hướng đưa các di sản lên váy áo, trong đó có áo dài Việt Nam rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay?

- Những năm gần đây, kỹ thuật in trực tiếp trên vải rất phổ biến tại Việt Nam. Việc này giúp cho mọi người quan tâm đến thời trang đều có thể thuận lợi trong việc tìm kiếm họa tiết mới mẻ, độc bản để phục vụ cho công việc của mình.

Chúng ta cần phân biệt rõ: Á phục nói chung, Việt phục nói riêng và Âu phục có những đường nét rất khác nhau. Áo dài Việt Nam khác với áo có chiều dài, khác với áo kiểu như áo dài Việt Nam.


Hình ảnh chùa Vàng trên áo dài Việt (hình bìa tạp chí Heritage) bị tín đồ Phật giáo Myanmar phản ứng

Việc đưa các họa tiết, hoa văn trang trí trên y phục nói chung, áo dài Việt Nam nói riêng, nhằm tìm kiếm cách nhìn khác, giúp cho y phục trở nên đa dạng, mới mẻ trong cuộc sống với hình thức trang trí khác nhau. Nhưng việc làm này cần một tư duy tỉnh táo, am tường văn hóa, không thể nào sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh, hình ảnh họa tiết đời thực vào áo dài Việt Nam hoặc y phục một cách vô tư như thế được.

Đặc biệt là những hình ảnh liên quan tín ngưỡng như nhà thờ, chùa, vé số, giấy tiền vàng mã... là một điều không nên, và nếu gọi đây là kết quả của một sự sáng tạo thì hơi quá đà.

Tính đến giờ này, thành thật mà nói, tôi có một điều chưa hiểu là với cách làm đó  thì sẽ mang đến thông điệp gì.

Tục ngữ có câu: “ăn cho mình, mặc cho người” hoặc “y xứng với kỳ đức” đã cho thấy vai trò tấm áo, y phục, rất quan trọng với người Việt. Áo dài Việt Nam đã đẹp, tôi cho rằng, đưa lên những hình ảnh mang tính biểu tượng, tượng trưng sẽ phù hợp hơn là đưa hình ảnh thực, vừa có cảm giác nặng nề, đôi khi không phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng.

Tôi nghĩ rằng, đường nét sáng tạo của bộ y phục là quan trọng, chứ không phải cách trang trí trên y phục đó.

* Xin cảm ơn ông!

Trang phục cũng có những chỗ cấm kỵ...

Liên quan đến việc đưa hình ảnh chùa Vàng của Myanmar vào thiết kế áo dài Việt đăng trên trang bìa tạp chí Heritage đã nói trên, nhà thiết kế Anh Thư cho rằng cần phải tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện.

Chị nói: “Trước đây, các nhà thiết kế Việt Nam đưa rất nhiều hình ảnh phong cảnh lên tà áo dài, bản thân tôi cũng từng đưa nhiều bộ sưu tập về phong cảnh Hà Nội lên tà áo dài và được giới thiệu trong các chương trình Những ngày văn hóa Việt Nam ở rất nhiều nước châu Âu, châu Á, được công chúng đón nhận, khen ngợi bởi đưa lên những bức tranh, những phong cảnh đẹp, danh thắng đẹp của Việt Nam.

NTK Minh Hạnh cũng đưa cả Đại Nội Huế lên áo dài... Nhưng câu chuyện in hình chùa Vàng trên tà áo dài đã vượt ra ngoài biên giới.

Do vậy, khi thiết kế, điều quan trọng nhất của nhà thiết kế là phải tìm hiểu về phong tục tập quán của đất nước đó trước khi làm những điều liên quan đến di sản văn hóa của họ thì sẽ ổn hơn.

Với đất nước mình có thể được coi là tôn vinh, nhưng với họ thì lại là sự không tôn trọng, bởi phong tục tập quán của mỗi nước khác nhau,  không thể áp đặt văn hóa của đất nước mình vào nước khác”.

Nhà thiết kế Xuân Thu thì cho rằng: “Các nhà thiết kế đều có quyền lấy cảnh đẹp của thiên nhiên hay di sản văn hóa để đưa vào thiết kế của mình. Tất nhiên, mỗi nhà thiết kế có một cái nhìn khác nhau, nhưng đều phải mang tính thẩm mỹ, đồng thời quảng bá du lịch. Nhưng cái chính là phải đặt ở đâu và đặt như thế nào trên trang phục, bởi trên trang phục cũng có những vị trí “cấm kỵ” không được đưa vào”.

An Như (ghi)

Thanh Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm