(Bài dự thi) - Tôi quỳ xuống đưa tay giỡn nước, không phải trên bến sông quê dìu dịu ngọn gió xuân mơn man mặt sông tạo thành những con sóng nhỏ lăn tăn vỗ vào hai bên bờ kinh Xẻo Mát.
Con kinh nhỏ xíu xiu như hàng ngàn con kinh rạch chằng chịt của sông nước miền Tây nhưng đối với tôi nó thân quen ghê lắm, đặc biệt ghê lắm. Không phải chỉ vì nó có cái bến sông tôi chết hụt khi lần đầu tập lội hay có gốc còng già thân ngả dài xuống mé tôi thường ngồi mỗi buổi chiều suy nghĩ vẩn vơ. Bởi vì hai bên bờ sông đối diện nhau trước cửa nhà tôi mọc đầy lau lách mà dù có đi bất cứ nơi đâu (như đi học Đại Học Cửu Long chẳng hạn) tôi cũng không quên được cái loài cây bé nhỏ dễ trồng, dễ mọc, dễ sinh sôi có bộ rễ cần cù bám đất ken dày như chiếc khiên mây chở che bờ đất trước những cơn sóng mỗi mùa lũ dữ.
Nhưng có lẽ thứ mà tôi nhớ thương da diết nhất chính là màu tóc lau trắng rợp bờ sông mỗi độ xuân về. Trắng mái đầu của ngoại trầm tích thời gian, trắng con chữ của thầy cô rơi rơi bụi phấn, trắng mây mùa thu bồng bềnh mơ mộng tuổi dậy thì. Màu trắng tiềm sâu trong ký ức, ẩn hiện trong giấc mơ và rộn ràng nhung nhớ mỗi khi xa vắng. Như chính lúc này đây, tôi chân trần dẫm lên bờ cát, mắt nhìn bọt tung trắng xóa biển Phan Thiết miền Trung thì màu trắng tóc lau òa lên rưng rức nhớ. Chuyến đi bốn ngày chỉ mới vào đêm thứ nhất, cứ ngỡ với sự mệt mỏi suốt một ngày vất vả cộ xe thì chỉ cần bước vào nhà lều ngả lưng xuống bờ cát là giấc ngủ ngon lành không mộng mị sẽ ập đến. Các bạn chung lều đã say sưa ngủ, phần vì mệt, phần lo dưỡng sức cho chuyến hành trình xa ngái của ngày mai. Tôi không ngủ được vì màu trắng tóc lau ẩn hiện chập chờn.
Bây giờ, nỗi nhớ nguôi đi đôi chút, tôi chợp mắt cố đưa mình vào giấc mộng khi không gian xung quanh tôi tĩnh lặng như tờ. Bỗng tôi nghe một âm thanh như xa, như gần, vô cùng lạ lẫm mà quyến rũ. Như tiếng gió lùa qua bờ lau tí tách, như điệu đàn của đất trời hòa tấu giữa thinh không. Mạnh mẽ và êm ái. Khép lại, nhỏ bé như những sợi tơ len lõi vào ngóc ngách sâu kín của tâm hồn. Mở ra, phóng khoáng như tiếng sấm giữa trời quang, như tiếng vó câu của hàng đàn tuấn mã. Mênh mông đến vô cùng! Tôi rón rén hé cửa nhà lều nhìn ra. Trăng! Trăng lóng lánh ngọc ngà rải vàng trên mặt biển. Thì ra nãy giỡ tôi nghe âm thanh của biển. Phải, chỉ có tiếng biển mới diệu kỳ đến vậy. Bỗng nhiên tôi buột miệng:
Nơi đã khóc, đã yêu thương tha thiết
Ôi trời ôi! Là Phan Thiết Phan Thiết
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi
(Hàn Mặc Tử)
Mới lúc trưa này thôi, khi xe dừng lại để chúng tôi tìm đến cái cảm giác mà thi nhân đã từng nhắc đến:
Ta lang thang tìm đến chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng người thiên hạ đồn vang
(Hàn Mặc Tử)
Viếng thăm nơi đã từng chứng kiến một huyền thoại tình yêu. Thú thực, tôi, ngoài cảm giác xưa cũ mơ hồ, chút sờ sợ và một phần thất vọng khi nhìn Lầu Ông Hoàng ba bề giáp biển, nơi đi vào âm nhạc và cùng bất tử với thi nhân lại cô liêu hoang vắng thế. Bây giờ trước biển và trăng, tôi cảm giác chút dịu dàng choáng ngợp, nghe lòng đồng cảm xiết bao với người thơ:
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ!
Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng
(Hàn Mặc Tử)
Trăng đêm nay không “sóng soãi trên cành liễu” mà vàng ngọc ân tình bủa lưới nhân gian, trăng chênh chếch soi nghiêng bóng nhà lều đổ dài trên cát trắng. Đứa con gái miền Tây lòng ngổn ngang chằng chịt sông ngòi, nhìn sóng vỗ gọi triều lên không có tiếng con bìm bịp bập bềnh kêu mà nước nhảy xoi xói coi lạ huơ lạ hoắc. Chợt thấy từ trong ánh trăng chảy tràn bờ cát, những hạt cát tinh khôi nứt vỏ nảy mầm vươn dài những thân lau trổ bông trắng xóa. Những thân lau rạp mình như thảm lụa nâng tôi vào giấc mơ, giấc mơ lạ lùng có bờ cát mọc đầy bông lau trắng...
Nguyễn Hồng Quyên