02/11/2013 12:01 GMT+7
(lienminhbng.org) - Liverpool là một trong những đội thú vị nhất về mặt phân tích chiến thuật mùa giải này. Nếu họ tiếp tục thành công, nhiều đội bóng khác nhiều khả năng sẽ học theo. Kể cả Man United.
Trong khi mùa trước Wigan là sự khác biệt, khi họ ra sân với đội hình 3-4-2-1 như một cậu nhóc nổi loạn mặc chiếc áo với dòng chữ “đả đảo trường học” trên áo khoác da của mình, thì mùa này, Liverpool của HLV Brendan Rodgers đang là kẻ “không giống ai”.
Quyết định của Rodgers chuyển sang sơ đồ 3-4-1-2 cho tới giờ đã mang tới nhiều kết quả ấn tượng, giúp đội bóng áo đỏ tạo ra động lực sớm trong một chiến dịch mà họ khởi đầu bằng 3 chiến thắng liên tiếp.
Trận đè bẹp West Brom 4-1 lại là một dấu ấn nữa của đội hình chiến thuật mới. Liverpool hiện đang xếp thứ 3, ghi rất nhiều bàn, và càng tỏ ra mạnh hơn với sự trở lại của Luis Suarez, kết hợp cùng Daniel Sturridge thành cặp tiền đạo số 1 của giải đấu. Nhưng vì sao đội hình mới của Rodgers hiệu quả như thế, và một số đội khác, chẳng hạn như Man United, có thể rút ra điều gì từ đó?
Như nhiều sáng tạo vĩ đại khác của loài người, lửa, điện thoại và vụn đường trên bánh vòng, quyết định sử dụng sơ đồ 3-5-2 là một sáng tạo thiên tài trong bóng đá. Kể từ những ngày HLV Rafa Benitez và cánh tay mặt của ông Rodolfo Borrell dẫn đầu cuộc cách tân toàn diện ở Liverpool, mọi cấp độ trẻ và đội chính đều chơi hệ thống 4-3-3, đó là đội hình nghiễm nhiên ở Anfield, càng khiến sự thay đổi của Rodgers thêm táo bạo.
Liverpool cách mạng và thu lại hiệu quả như thế nào?
Việc dư thừa các trung vệ sau khi Liverpool đưa về Mamadou Sakho, Kolo Toure và Thiago Llori, kết hợp với yêu cầu sử dụng hiệu quả bộ đôi Suarez-Sturridge là bối cảnh dẫn tới thay đổi. Với Rodgers, thách thức đi kèm cơ hội.
“Đây không phải là một ý tưởng nảy ra bất chợt”, HLV của Liverpool nói sau chiến thắng 3-1 ở Sunderland mà cả Suarez và Sturridge đều ghi bàn. “Chúng tôi đã cân nhắc hệ thống 3-4-1-2 từ cuối mùa trước và đã tính toán trước, trong trường hợp Luis trở lại (sau án treo giò), và họ đã tạo thành một bộ đôi rất ăn ý”.
Cho tới giờ, đó là một hệ thống vận hành trơn tru, giúp Liverpool chơi bóng vừa đẹp mắt, vừa hiệu quả, cả trong phòng ngự và tấn công. Họ có thể phòng thủ với số đông và tấn công rất tự do và tự nhiên.
Không có bóng, Liverpool lùi lại với sơ đồ 5-3-2 và Lucas chơi phía trước một tuyến phòng thủ 5 người, trong khi Jordan Henderson và Steven Gerrard gây sức ép và đuổi theo bóng ở giữa sân.
Một khi có bóng, Glen Johnson và Aly Cissokho (hoặc Jose Enrique) biến thành những tiền vệ cánh, dâng rất cao bên phần sân đối phương, trong khi các trung vệ chơi 2 biên của Martin Skrtel, Toure bên phải và Sakho bên trái, chuyển ra ngoài chơi như những hậu vệ cánh. Lucas lùi lại và chơi khá giống với một libero cổ điển.
Dễ thấy tiền vệ người Brazil đóng vai trò quan trọng trong hệ thống này ra sao. Anh là sự kết nối giữa tấn công và phòng ngự, một kiểu trung vệ tổ chức lối chơi mà Barcelona hay sử dụng khi họ còn đá 3-4-3 dưới thời Pep Guardiola, vị trí của Sergio Busquets.
Nếu ở Barca, mục tiêu cuối cùng là chuyền bóng cho Lionel Messi, thì Liverpool dễ dàng hơn bởi họ có tới 2 mục tiêu, Suarez và Sturridge. Cả 2 đều sẵn sàng lùi sâu đón bóng, dùng tốc độ vượt qua các hậu vệ đối phương, và ghi bàn, như họ đã làm trước West Brom (cho tới giờ cặp trung vệ Jonas Olsson và Gareth McAuley hẳn vẫn nằm mơ thấy ác mộng).
Cả Suarez và Sturridge (với biệt danh mới là SAS) đều không phải là mẫu săn bàn trong vòng cấm điển hình. Dù đã ghi tới 4 bàn trong trận gặp West Brom, SAS chỉ nhận bóng trong vòng cấm địa có 5 lần. Như chính Rodgers đã phân tích, Sturridge “không phải là một số 9 hoàn toàn, anh ấy là một cầu thủ biết cách di chuyển, lùi lại và gây bất ngờ”, trong khi Suarez “rất tinh quái và có thể đe dọa khung thành đối phương bất cứ lúc nào”. Cả hai hưởng lợi từ sơ đồ 3-4-1-2 khi lùi sâu và phát huy tối đa các phẩm chất của họ, với phong độ ghi 10 bàn trong 4 trận ở Premier League cho Liverpool.
Khi Philippe Coutinho trở lại từ chấn thương, Liverpool sẽ còn lợi hại hơn nữa. “Vị trí tốt nhất của anh ấy là số 10”, Rodgers nói về Coutinho hồi tháng 8. Cách tốt nhất để kết hợp Suarez, Sturridge và Coutinho trong đội hình xuất phát chính là hệ thống 3-4-1-2 hiện giờ, với 3 người đá cao nhất và có thể luân chuyển vị trí cho nhau.
Nếu sơ đồ này tiếp tục giúp Liverpool chiến thắng, sẽ chỉ là vấn đề thời gian khi một HLV nào đó tới Anfield làm khách và quyết định học theo. Những ý tưởng sáng tạo thành công lan rất nhanh.Vậy phải chăng Rodgers đang là người tiên phong cho một cuộc cách mạng chiến thuật nữa ở Premier League? Về nếu đúng như thế, liệu Man United có nên đi theo trào lưu mới.
Những vấn đề của Rodgers không khác nhiều so với các bài toán mà David Moyes đang phải giải quyết. Giống như đồng nghiệp người Bắc Ireland, chiến lược gia người Scotland có một đội hình không cân bằng, với rất nhiều cầu thủ tấn công giỏi, Wayne Rooney, Robin van Persie, Shinji Kagawa, Javier Hernandez, Danny Welbeck. Giống như Rodgers, Moyes từ lâu đã tìm kiếm một hệ thống giúp ông có thể sử dụng tất cả.
Trong khi sơ đồ 3-4-1-2 hoàn toàn phù hợp với Liverpool, nó cũng có thể là giải pháp cho nhà đương kim vô địch. Hàng thủ già cỗi và hay mắc sai lầm của họ sẽ được hưởng lợi với 1 người nữa. Giống như Liverpool, Man United đang thừa trung vệ. Sở thích của Moyes đá dạt cánh và tạt bóng nhiều cũng có thể được đáp ứng với 2 cầu thủ bám biên đích thực, thay vì hệ thống 4-2-3-1 với các cầu thủ chạy cánh được yêu cầu thường xuyên dạt vào trung lộ.
Đội hình 3-5-2 cũng cho phép Shinji Kagawa đá ở một vị trí gần với trung tâm hơn và nhờ thế ít ra là có thể an ủi Juergen Klopp, khiến ông bớt phải nhỏ nước mắt hơn, đồng thời giúp Rooney và van Persie tiếp tục được đá ở những vị trí phát huy tốt nhất sở trưởng của họ.
Trong một phương án “giải pháp hạt nhân”, Moyes thậm chí có thể bố trí Rooney đá 1 trong 3 tiền vệ đằng trước Carrick, và để van Persie chơi cặp cùng Hernandez hoặc Welbeck trên hàng công. Đó có thể là một tưởng tượng điên rồ, nhưng chắc chắn là đáng xem. Sự đa dạng chiến thuật mà Liverpool đã thể hiện tới giờ, Henderson bên phải, Victor Moses đá số 10 và Raheem Sterling chạy cánh, là điều mà Man United cũng có thể áp dụng. Antonio Valencia từng chơi hậu vệ phải ở trận gặp Stoke, nên đá cánh trong sơ đồ 3-5-2 không phải là vấn đề với anh. Trong khi đó, Marouane Fellaini có nhiều tố chất của một “trung vệ tổ chức” như kiểu Lucas.
Rốt cuộc, Man United và Liverpool mùa này có thể có nhiều điểm chung hơn so với những gì các CĐV của họ vẫn nghĩ.Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất