03/02/2013 06:43 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Những ngày giữa tháng Chạp, ngôi làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ dường như nhộn nhịp hẳn bởi những âm thanh thật đặc biệt: Tiếng cá chép quẫy trước giờ lên đường, đám trai trong làng tất bật đóng những túi nilon đựng cá chép đổ cho thương lái chở đi các địa phương trong cả nước. Những con cá chép đỏ tươi sẽ đảm nhận nhiệm vụ “hộ tống” Táo Quân lên trời.
Rộn ràng ngày ông Táo chầu trời
Sáng tinh mơ, hàng trăm hộ dân sinh sống ở làng Thủy Trầm bắt đầu tát ao, đánh cá chép đỏ để chuẩn bị cho ngày Táo Quân lên chầu trời (23 tháng Chạp). Ô tô của thương lái đang nối đuôi nhau chở hàng tấn cá chép đi muôn phương để bán.
Làng Thủy Trầm mấy chục năm nay đã duy trì nghề nuôi cá chép đỏ. Theo người dân ở đây, nuôi cá cả năm mới thu hoạch một lần vào dịp tháng Chạp nên người dân tận dụng những ao nước nông, ruộng trũng để thả cá.
Cả Thôn hiện có 353 hộ nuôi cá chép đỏ, bình quân mỗi hộ có một đến hai ao nuôi thả cá, cho thu nhập trung bình từ 5 đến 10 triệu đồng/ao từ cá chép đỏ. Xã Tuy Lộc có 30 ha diện tích nuôi cá chép đỏ, trong đó làng Thủy Trầm có diện tích nuôi chép đỏ gần 20ha.
Ông Bùi Đình Chữ, Trưởng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm cho biết: Nghề nuôi cá bắt đầu manh mún từ những năm 1960, riêng nuôi cá chép đỏ thì có từ những năm 1980. Lúc đầu, dân làng chỉ nuôi cho đẹp, chứ giống cá chép đỏ vừa tanh, thịt lại nhão nên không xếp vào hàng cá thịt.
Một số hộ dân bắt đầu mang tới Việt Trì và vài khu vực khác bán thử vào ngày 23 tháng Chạp. Nhiều người mua về thấy mang lại may mắn nên những năm sau đổ xô đi tìm cá chép đỏ. Nhờ sinh lợi nên nghề nuôi cá chép đỏ bắt đầu phát triển và nhân rộng ra cả làng.
“Tháng 6/2011, Thủy Trầm được công nhận là làng nghề, tạo điều kiện hết sức thuận lợi để con cá chép đỏ của chúng tôi vươn xa hơn nữa cả về chất lượng và thị trường tiêu thụ. Con cá đã góp phần xóa đói, giảm nghèo ở vùng trung du miền núi này”, ông Chữ cho biết thêm.
Tháng 5, tháng 6 âm lịch hàng năm là thời điểm bắt đầu nuôi thả cá chép đỏ. Theo ông Hà Công Kỷ, một trong hộ có nhiều kinh nghiệm tuyển cá bố mẹ cho biết: Tuyển cá bố mẹ phải là những con cá khỏe mạnh, đẹp, không đốm. Một tháng trước khi cho cá đẻ, thức ăn chủ yếu là thóc ngâm.
Khi cá đẻ xong chuyển sang cho ăn ngô, cá bột nuôi trong ao riêng phải cho ăn đỗ tương. Đặc biệt, nguồn nước cá phải đảm bảo sạch sẽ. Trong thời gian nuôi, người nuôi chú ý chăm sóc làm sao cho cá lớn không quá nhanh để tới tháng Chạp thu hoạch cá bằng hai đầu ngón tay là vừa đẹp.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, khu 3, Thủy Trầm cho biết: Thời điểm tháng 5, tháng 6 và tháng 7 cá bắt đầu đẻ trứng. Trước khi cá đẻ, chúng tôi thả bèo vào ao, trứng cá đẻ sẽ bám vào rễ bèo. Sau đó, phải vớt bèo lên để vào nong chờ đến ngày nở, tránh trường hợp cá bố mẹ ăn “cốt nhục” của mình. Sau khi trứng nở thành cá bột, tiếp tục thả vào ao đã vệ sinh sạch sẽ và nước phải sạch.
Chăm cá bột giống phải nấu cháo loãng hòa với cám sữa cho cá ăn. Khi cá lớn hơn một chút khoảng bằng cái tăm, người ta gọi là cá hương, lúc này thức ăn và cách chăm sóc lại khác đi một chút và khi cá lớn vài phân trở thành cá giống và được bán cho các hộ.
Sẵn sàng đi muôn phương
Có mặt ở Thủy Trầm lúc rạng sáng với thấy cả xã Tuy Lộc rộn ràng như một ngày hội. Mặc cho cái lạnh cắt da, cắt thịt của những ngày cuối năm, gần 400 hộ dân vẫn đang bì bõm dưới nước để giúp những chú cá khỏe mạnh chuẩn bị lên đường đưa Táo Quân lên chầu trời.
Anh Nguyễn Danh Lực, khu 3, làng Thủy Trầm bộc bạch: Dù trời rét đến đâu cũng phải xuống ao, bao nhiêu công sức của bà con giờ đến ngày gặt hái thành quả rồi. Nói vội được mấy câu, anh Lực lại bì õm dưới ao để đưa những chú cá vàng óng lên bờ trước khi thương lái tới.
Nuôi được cá chép đỏ đã công phu, nhưng để đánh bắt và vận chuyển cá hàng chục km mà cá vẫn khỏe cũng không hề đơn giản. Ông Nguyễn Công Vui, khu 3, Thủy Trầm chia sẻ: Trước khi đánh cá, chúng tôi cho trâu xuống quần, té nước khắp áo để cá làm quen với môi trường chao đảo, đưa lắc khi vận chuyển.
Để đảm bảo cá không bị ngạt, chết thì trước khi chuyển cá đi xa hàng trăm cây số, dân làng tiến hành đánh bắt cá và ép trong ao nhỏ để tăng sức dẻo dai, thích nghi với môi trường mới.
Vừa khiêng rổ cá lên xe thương lái, anh Nguyễn Văn Quỳnh chia sẻ: Năm nay giá cá giao động khoảng 80 nghìn đồng/kg. Nhà tôi cũng có khoảng 700 - 800kg cá. Đây là những mẻ hàng cuối cùng trước giờ ngày ông Táo lên chầu trời.
Từng dòng xe chở những con cá vàng, cá lộc nối đuôi nhau bắt đầu lên đường xuôi về Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương và ngược lên Lào Cai, Yên Bái,… Thậm chí những con cá vàng Thủy Trầm còn có mặt ở cả nước bạn Lào.
Hai ven đường về Thủy Trầm, hoa mận, hoa đào đã chúm chím khoe sắc báo hiệu mùa xuân đang về. Bên những chuyến xe đầy ắp cá chép đỏ Thủy Trầm là niềm vui của người dân địa phương khi cá được giá, được mùa.
Cá chép đỏ Thủy Trầm sẽ “hộ tống” Táo Quân lên báo cáo với Ngọc Hoàng một năm làm việc dưới hạ giới. Đồng thời bày tỏ mong ước với Ngọc Hoàng cầu cho dân làng muôn nơi được yên vui, hạnh phúc.
Dân làng bắt cá từ ao lên, cho vào túi nylon đưa vào bể ép Cá tung tăng bơi lội theo dòng Vớt cá cho vào chậu cân đong trước khi giao hàng |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất