26/03/2018 07:31 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Người dân sống tại một số chung cư ở Hà Nội đang vô cùng lo lắng khi thiết bị phòng cháy tại tòa nhà chưa đảm bảo, hoặc tòa nhà chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy; nhất là sau vụ cháy tại chung cư Carina (quận 8, TP Hồ Chí Minh).
Hàng loạt hộ dân sống tại chung cư Tràng An Complex (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đồng loạt treo băng rôn: "Có cháy phải chữa cháy, không đổ lỗi cho dân" để phản đối thái độ tắc trách của chủ đầu tư trước một vụ cháy vừa xảy ra tại chung cư này.
Cụ thể, khoảng 20h26 phút tối ngày 20/3, chung cư Tràng An Complex đã xảy ra một vụ cháy tại căn hộ 904, thuộc tòa nhà CT2B. Trong suốt thời gian xảy ra cháy, ngọn lửa bùng lên dữ dội nhưng chuông báo cháy không hề phát ra âm thanh cảnh báo để sơ tán.
Điều này khiến hàng nghìn hộ dân đang sinh sống tại đây vô cùng bức xúc. Họ nghi ngờ về hiệu quả hoạt động của hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) mà chủ đầu tư đang sử dụng trong chung cư.
Anh Nguyễn Tuấn Linh, cư dân tòa nhà CT2B cho biết, ngay khi biết tin có hỏa hoạn tại căn hộ 904 CT2B do người nhà báo, anh đã lập tức đi thang máy xuống tầng 9 để xem sự việc. Khi cửa thang máy vừa mở ra thì anh thấy khói đen mù mịt khắp hành lang. Nước cứu hỏa từ vòi phun tự động đã tràn khắp hành lang nhưng hệ thống điện vẫn không tự động ngắt.
Anh Linh bức xúc: “Nếu tôi và những người chạy đến tầng 9 cứu hỏa chẳng may tiếp xúc với nước mà bị điện giật chết thì làm sao?”.
Cư dân trong chung cư đã đặt ra nhiều câu hỏi cho đơn vị quản lý tòa nhà về mức độ an toàn của các thiết bị PCCC nhưng phần trả lời không thỏa mãn được những bức xúc của họ.
Ông Bùi Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý nhà GP Invest cho rằng đám cháy xảy ra trong thời gian chưa đủ lâu để hệ thống chuông báo cháy làm việc. Hệ thống vận hành PCCC hoạt động theo một trình tự nhất định, chứ không phải cứ có cháy là đồng loạt các hệ thống cùng đồng thời hoạt động.
Vị này cho rằng đám cháy đã được dập quá nhanh nên hệ thống PCCC tại tòa nhà chưa kịp hoạt động. Thang máy vẫn chạy, điện vẫn chưa được ngắt và chuông báo cháy thì chưa đến thời điểm phải kêu (?). Trong khi đó, theo phản ánh của những người có mặt tại hiện trường vụ cháy thì đám cháy diễn ra trong khoảng 5 – 7 phút.
Vụ việc tại Tràng An Complex xảy ra cùng thời điểm vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại chung cư Carina, TP Hồ Chí Minh nên càng làm người dân thêm lo lắng. Nhiều hộ dân đã tự đi mua các thiết bị phòng cháy cho gia đình mình.
Cư dân tại tòa chung cư này cho biết sẽ tiếp tục treo băng rôn nhiều hơn để yêu cầu câu trả lời thỏa đáng của chủ đầu tư và đơn vị quản lý, đề phòng vụ cháy tiếp theo có thể xảy ra.
Được biết, chung cư này nằm trong danh sách 10 công trình đã thi công xong nhưng không đảm bảo các điều kiện về PCCC như lối thoát nạn, các giải pháp ngăn cháy, hệ thống PCCC, chống tụ khói... do Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội công bố hồi tháng 5/2017.
Còn tại tòa nhà Capital Garden (102 Trường Chinh, Hà Nội), ngay trong sáng ngày 25/3, nhiều hộ dân đã tập trung dưới tầng 1 của tòa nhà, căng băng rôn, biểu ngữ yêu cầu chủ đầu tư nghiệm thu PCCC.
Cư dân tòa nhà Capital Garden nhận bàn giao căn hộ từ năm 2017, nhưng đến nay chung cư vẫn chưa nghiệm thu PCCC nên họ rất lo lắng cho tính mạng của mình sau một loạt vụ cháy chung cư xảy ra trên cả nước vừa qua.
Chung cư Capital Garden do Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô – Tập đoàn Kinh Đô TCI làm chủ đầu tư. Đã rất nhiều lần cư dân của tòa nhà này gửi đơn kiến nghị lên chủ đầu tư nhưng không nhận được bất cứ sự phản hồi nào.
Sau vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư Carina TP Hồ Chí Minh, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã tổ chức đoàn giám sát việc sử dụng chung cư tại các quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, PCCC không chỉ là ý thức của doanh nghiệp mà còn là ý thức của người dân, nhất là kỹ năng phòng cháy, thoát hiểm còn hạn chế.
Thực tế, hầu hết người dân khi bỏ tiền tỷ mua nhà đều đặt niềm tin tuyệt đối vào chủ đầu tư, thậm chí không quan tâm hệ thống PCCC tòa nhà đã được cấp phép, thẩm định hay chưa. Trong khi việc phối hợp, kiểm tra của các ngành chức năng chưa thường xuyên, một số nơi còn tình trạng buông lỏng, nhất là thực trạng các công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng.
Thống kê cho thấy, Hà Nội hiện có khoảng 1.100 công trình nhà cao tầng đã đưa vào sử dụng. Các tòa nhà cao từ 20 đến 30 tầng, thậm chí trên 40 tầng đang mọc khắp các quận như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm… Nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, xe thang chữa cháy chỉ có thể vươn tới tầng 14, 15 của tòa nhà.
Trong khi đó, hệ thống PCCC tại chỗ như: Cảm biến khói, báo cháy tự động, bình bột chữa cháy, họng tiếp nước… thì hoạt động phập phù, nơi có nơi không. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xảy ra cháy.
Theo Hoàng Dương/Báo Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất