Chelsea: Bóng đá đẹp kiểu Mourinho

06/08/2013 12:37 GMT+7

(lienminhbng.org) - Trong vài tuần đầu năm 2013, trong lúc bóng đá Anh đang có vài trận đấu bị hoãn vì bão tuyết, Roman Abramovich tránh tuyết bằng cách đi nghỉ ở biển Caribe trên chiếc du thuyền riêng. Nhân viên trên thuyền được thông báo họ sắp đón một vị khách đặc biệt.

Họ biết cần phải làm gì, nhưng danh tính vị khách thì không một ai hay. Nhân vật này được bảo vệ kỹ càng tới mức chỉ khi nào an toàn bước lên du thuyền, ông ta mới được các vệ sĩ để cho đi tự do.

Người đó chính là Mourinho

Không phải lần đầu tiên tỷ phú Abramovich dùng du thuyền để đón tiếp HLV tương lai của Chelsea. 5 năm trước, đầu mùa Hè 2008, cựu thống đốc bang Chukotka đã mời Luiz Felipe Scolari lên tàu. Scolari được cho là đã hứa hẹn một phong cách chơi bóng hấp dẫn với Abramovich, và vài tháng sau chuyện được ngã ngũ.


Chelsea của Mou sẽ không đá quá đẹp, nhưng sẽ ghi nhiều bàn?

Lý do Scolari và Abramovich nói chuyện riêng trên du thuyền đến từ chính... Mourinho. Một trong những lý do khiến “Người đặc biệt” ra đi năm 2007 là vì lối chơi của ông không đẹp mắt. Ông chủ của Chelsea muốn chiến thắng, nhưng là phải chiến thắng một cách ảo diệu.

Không biết vấn đề đó có được bàn luận trong lần gặp nhau giữa Mourinho và Abramovich đầu năm nay hay không. Tất cả những gì Mourinho bình luận kể từ ngày nhậm chức là về sự ổn định tài chính và một “bản sắc” cho Chelsea. Có lẽ Abramovich đã bắt đầu hiểu ra và đã thay đổi, và cách tiếp cận của Mourinho cũng đã khác so với lần cuối cùng ông ngồi trong văn phòng ở Stamford Bridge.

Ai cũng biết, bóng đá TBN nặng về chuyền ngắn và chơi tấn công ép sân, nhưng Mourinho thì công khai chơi một lối chơi phòng ngự nhiều lớp. Nếu như các HLV bản địa xếp đặt phong cách xung quanh điểm mạnh của tập thể mình, Mourinho dàn xếp lối đá xoay quanh việc khắc chế sức mạnh của đối phương.

Đối với Mourinho, vấn đề chơi đẹp được hay không phụ thuộc vào bối cảnh của đối thủ & hoàn cảnh của chính mình. Phong cách tiki-taka của Barcelona rất hiệu quả khi có không gian trống, và đừng trách Mou khi phải buộc Real đá một cách tiêu cực nhất có thể để thu hẹp không gian mà Barca cần cho việc ghi bàn. Chẳng phải Mou ép học trò, tự Barca ép Real.

Với Mou, chẳng bao giờ có bất ngờ

Có một điều để nói về Chelsea của Mourinho trong quá khứ: Hàng phòng thủ bằng sắt và hàng công cực kỳ nhạy bén của The Blues gần như luôn khiến đối phương có quá ít khoảng trống và cơ hội chống trả, và các trận đấu trong giai đoạn 2004 - 2006 đều được kết thúc lạnh lùng nhưng nhanh gọn.

Chelsea khi đó là một đội bóng thắng quá gọn gàng, tới mức không có chút gì kịch tính trong mỗi trận đấu của họ để người hâm mộ có thể có một khoảnh khắc dâng trào cảm xúc và đi tới tình cảm yêu mến.

Sự thực là đá đẹp không có nghĩa sẽ ghi được nhiều bàn thắng, nhưng Mourinho chỉ đạo các học trò chơi phòng ngự mà vẫn mỗi mùa ghi trên 60 bàn thắng. Dù là ở Porto, Chelsea, Inter hay Real, mùa giải nào đội bóng của Mourinho cũng đứng nhất nhì trong danh sách những đội ghi nhiều bàn thắng nhất giải VĐQG:

Như vậy là Real của Mourinho đã ghi nhiều bàn hơn Barca ở 2/3 mùa giải, nhưng đỉnh cao của ghi bàn đối với Mourinho là khi ông dẫn dắt Inter, với Samuel Eto’o, Wesley Sneijder và Diego Milito đều ghi được từ 10 bàn trở lên trong mùa giải ăn 3 danh hiệu.

Điểm chung của các con số bàn thắng đạt được ấy là nó đều xuất phát từ lối chơi phòng ngự phản công tốc độ cao. Một khi đã có bóng, các học trò của Mourinho bỗng thấy trước mặt là cả một khoảng không rộng lớn để triển khai, và chỉ cần những cầu thủ tấn công có tốc độ tốt là khoảng không ấy sẽ được tận dụng tối đa.

Như vậy, có thể nói rằng Mourinho lấy phòng ngự làm bệ phóng cho tấn công, bởi chính lối chơi phòng thủ nhiều lớp của ông buộc đối thủ phải bỏ lại một khoảng trống bên sân nhà. Mou đã nắm được yếu tố then chốt để đội bóng của ông ghi thật nhiều bàn thắng, đó là không gian. Đá đẹp mà không ghi được nhiều bàn thắng thì để làm gì? Thậm chí xem một đội bóng đá đẹp nhưng luẩn quẩn (ví như Barca đá với Bayern) đôi khi còn dễ gây trầm cảm hơn xem một đội chơi phòng ngự.

Lần trở lại này của Mourinho báo hiệu sự trở lại của phong cách phản công. Những gì ông có trong tay là khá lý tưởng: Lampard phát động tấn công từ xa, tốc độ và kỹ thuật của Ashley Cole và Azpilicueta ở hai cánh, khả năng di chuyển như con thoi với tần suất cao của Ramires, độ quái của Mata và Hazard… là những thứ rất cần thiết để thi triển lối chơi. Ai biết được, một khi không gian đã rộng mở, Torres sẽ lại như một con hổ sổng chuồng và ghi hơn 20 bàn thắng/mùa?

Abramovich bây giờ có lẽ cũng đã “khôn” ra so với 6 năm trước, để thấy rằng lối chơi mà ông thấy là không đẹp mắt của Mourinho lại mang tới nhiều hiệu quả hơn bất kỳ lối chơi nào mà các đời HLV kế nhiệm đã áp dụng ở Chelsea. Chỉ có Ancelotti giúp Chelsea ghi nhiều bàn hơn, nhưng thành công của Carletto lại quá ngắn hạn.

Nguyễn Đỉnh
Thể thao & Văn hóa

1 Trong 3 mùa ở Tây Ban Nha, Real Madrid của Jose Mourinho đã 2 lần xếp trên Barca về số bàn thắng ghi được.

121 Mùa 2011-12, Real của Mourinho ghi đến 121 bàn - kỷ lục.

72 Thành tích ghi bàn tốt nhất tại Premier League của Chelsea trong giai đoạn đầu với Mourinho là 72 bàn (mùa 2004-05, 2005-06). Mùa trước, M.U vô địch Premier League với 86 bàn.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm