(lienminhbng.org) - Ở thời của Pele, những người yêu mến ông rất nhiều, những người không yêu mến ông cũng có nhưng kiếm tìm những người ghét ông thì có lẽ là rất hiếm.
Thời của Cruyff cũng thế và thời của Maradona càng thế. Đó là một mẫu hình chung trong cách nhìn nhận về một danh thủ nổi bật cuối những năm 1990 của thế kỷ trước.
1. Nhưng kể từ sau giai đoạn đó, dường như mọi sự đã thay đổi, đặc biệt là khi Lionel Messi và Cristiano Ronaldo xuất hiện như một cặp đối trọng cạnh tranh gay gắt ở cả phương diện tập thể lẫn cá nhân. Điều đó càng khó hiểu hơn khi bản thân Messi, một danh thủ toàn tài, một hình ảnh sạch sẽ, không scandal, không “badboy” chút nào, lại cũng bị một bộ phận không nhỏ cảm thấy ghét bất chấp việc họ vẫn thừa nhận tài năng trác tuyệt của anh.
Thực tế cho thấy, những người không ưa cái mặt Messi chẳng qua cũng chỉ xoay quanh một lý lẽ chung duy nhất. Ấy là “Messi giỏi thật đấy nhưng anh ta có cái gì đó như một cỗ máy, thiếu bộc lộ cảm xúc thật như một con người. Trông cách anh ta chơi bóng hay hành xử, thấy anh ta cứ giả tạo thế nào đó”. Cái lập luận này mới nghe thì chắc hẳn có vẻ hợp lý, nhất là khi nó được so sánh với thái độ sống và chơi bóng của Ronaldo, hoặc của nhiều danh thủ khác đương thời. Nhưng suy cho cùng, nó vẫn có điều gì đó không ổn chút nào.
2. Thực chất, người hâm mộ xưa nay vẫn thích một hình ảnh danh thủ có chút “đời”, có chút “bụi bặm”, có chút “gai góc” như kiểu Diego Maradona, một tay chơi lừng danh hay như Romario, người dám lớn tiếng luận tội cựu Chủ tịch FIFA Joao Havelange là bố già mafia. Sự bộc lộ cá tính khiến người hâm mộ bị hấp dẫn hơn, cuốn hút hơn. Còn Messi thì không bao giờ thu hút người hâm mộ bằng những bộc lộ dạng đó. Anh chỉ cần một thứ duy nhất: Ma thuật ở đôi chân.
Chính bởi vậy, Messi cứ tồn tại sừng sững như một nghịch lý. Trên sân bóng, anh bắt tất cả phải tâm phục khẩu phục nhưng ngay sau khi mãn cuộc, những người “đối nghịch” lại nhận xét về anh như một dạng “ngụy quân tử” và quên ngay lập tức những thứ anh đã làm khiến họ phải há hốc miệng kinh ngạc khi đối diện màn hình tivi. Và ngay cả bản thân họ cũng không hiểu vì sao mình lại có thái độ như thế với Messi. Để rồi họ kiếm tìm các chứng cứ nhằm củng cố cái quy kết “ngụy quân tử” của mình. Nào là Messi mới là kẻ cầm đầu trong phòng thay đồ Barca. Chính vì anh mà nhiều HLV đã phải rời Barca và cũng chính vì anh mà nhiều danh thủ cũng ngậm đắng nuốt cay cuốn va li tìm bến đỗ khác.
3. Nhưng dường như tất cả đã quá khắt khe với Messi, khắt khe đến mức biến mình thành một con cừu ngốc nghếch bị dẫn dắt bởi sự hưởng ứng của đám đông, một đám đông không quá lớn. Tại sao ta lại có thể cho mình quyền đòi hỏi Messi phải bộc lộ cá tính thực sự khi nhiệm vụ duy nhất của anh với người hâm mộ chỉ là “chơi bóng cho thật xuất sắc nhất trong khả năng của mình”? Tại sao ta lại có thể cho mình quyền đòi hỏi Messi phải như Romario, Maradona, Zidane hay CR7 trong Messi đơn giản chỉ là Messi mà thôi?
Hãy nhìn sang Real Madrid, đội bóng ưa chuộng không chỉ tài năng của một ngôi sao không thôi mà còn đòi hỏi cầu thủ ấy phải có ngoại hình bắt mắt. Chính cái thế giới ấy đã biến Ronaldo trở thành một dạng “bad boy” đẹp trai, tay chơi, bóng bẩy, một kiểu hình mẫu nâng cấp của phiên bản David Beckham.
Còn thế giới của Messi thì khác. Anh ở một CLB đã từng chấp nhận cả những cầu thủ xấu trai cỡ Reziger, một CLB không có triết lý xây dựng hình ảnh kiểu “tập đoàn tài tử bóng đá” mà chủ yếu dựa trên nền tảng “dùng trách nhiệm xã hội để làm đẹp hình ảnh thương hiệu”. Và đã gắn bó với một CLB như thế, Messi tất nhiên sẽ phải “nhàn nhạt”, sẽ phải “hoa hậu thân thiện” chứ không phải thể hiện sự bùng nổ trong đời sống sinh hoạt cá nhân.
Suy cho cùng, cuộc đời cũng chỉ là một sân khấu lớn mà mỗi người sẽ phải đóng một vai diễn mà tạo hóa, định mệnh đã phân vai cho mình. Và ở khía cạnh ấy, Messi đang là một diễn viên rất tốt, nếu không nói là xuất chúng.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa