13/08/2015 09:14 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Hai ngày qua, thông tin Ánh Viên đoạt HCĐ nội dung 200m hỗn hợp tại FINA World Cup (giải bơi Cúp thế giới chặng thi đấu tại Nga) đã thực sự gây sốt. Thể thao Việt Nam hẳn cảm thấy ấm lòng và ít nhiều bớt đi mặc cảm nhược tiểu, không thua cái ngày U19 Việt Nam 2 lần hạ Australia cách đây đôi năm là mấy.
1. Khi Ánh Viên xô đổ hàng loạt các kỷ lục SEA Games trên đất Singapore để giành đến 8 chiếc HCV, có cảm giác như chúng ta chỉ ngây ngất với chiến thắng mà không mặn mà với việc tại sao và như thế nào, chúng ta lại có “niềm tự hào mang tên Ánh Viên”?
So với giải vô địch thế giới vừa kết thúc tại Kazan (Nga) cách đây không lâu, ngay cả FINA World Cup không thể sánh bằng về mặt danh tiếng, chứ đừng nói đến SEA Games. Nhiều người trong nghề đánh giá thì Kazan là nơi tập trung toàn tinh hoa của làng bơi lội thế giới, còn các chặng của FINA World Cup (8 chặng), chỉ là sân chơi hạng 2.
Chính vì lý do đó, mà HLV Đặng Anh Tuấn cho rằng màu của chiếc huy chương ở FINA World Cup chưa chắc quan trọng bằng việc Ánh Viên đã vượt qua được thành tích của chính mình. Với môn thể thao cá nhân, lại thuộc nội dung Olympic như bơi lội, các nấc thang thành tích được cải thiện là cực kỳ quan trọng. Thế mới cần phải tính toán, chọn thời điểm và “sàn diễn” phù hợp. Ánh Viên đã bước ra từ Hội khoẻ Phù Đổng, giải ĐH TDTT toàn quốc, rồi mới đến SEA Games, châu lục và thế giới. Đích nhắm tới của “tiểu tiên cá” chắc chắn phải là Olympic Rio 2016.
2. Tháng 3/2014, khi Thể thao & Văn hoá tìm về Cần Thơ để trao giải “Ấn tượng vàng SEA Games 27” cho Nguyễn Thị Ánh Viên (chính xác là trao cho gia đình cô, bởi thời điểm đó, Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn đã sang Mỹ tập huấn), chúng tôi có dịp gặp gỡ cha mẹ, người thân của “tiểu tiên cá” và thăm quan bể bơi Trung tâm Thể thao Quốc phòng 4 (QK9), nơi có thể nói là khởi nghiệp của Ánh Viên, rồi trao đổi với những người thầy đầu tiên của cô... Tất cả đều rất mộc mạc, chân phương, không hề phô trương, bởi Viên là người thật, việc thật.
Phòng truyền thống của Trung tâm Thể thao Quốc phòng 4 treo đầy những ảnh, huy chương, Cúp…, của cô Đại uý quân nhân chuyên nghiệp trẻ tuổi họ Nguyễn. Cả cái bể bơi của Trung tâm cách đó chừng trăm mét đã bắt đầu biểu hiện xuống cấp, dù vậy không khí tập luyện thì xôm tụ lắm. Đấy cũng là từ “hiệu ứng” Nguyễn Thị Ánh Viên. Cha Ánh Viên còn giới thiệu với chúng tôi cậu em trai của Ánh Viên, cũng đang thuộc “biên chế” của Trung tâm Thể thao Quốc phòng 4 và rất tiềm năng. Nói tóm lại, Ánh Viên dù có năng khiếu thiên bẩm, trăm năm khó thấy, thì cũng là người thường.
3. Lại nhắc khi Công Phượng và đồng đội U19 Việt Nam làm nức lòng người yêu bóng đá ở những giải đấu khu vực và giao hữu quốc tế, phải thừa nhận là một bộ phận trong chúng ta đã hơi vội khi điền tên “những thần tượng” vào đấu trường của người lớn.
Bóng đá là môn thể thao tập thể, nhưng về cơ bản vẫn tuân thủ những khuôn phép của khoa học thể thao, từ quy trình đào tạo, đến việc định lượng năng lực để từ đó chọn sân chơi phù hợp, nâng cấp từ từ. Việc đôn lên và sử dụng đồng loạt lứa U19 ở V-League 2015 là sai sót rất lớn của HAGL.
Thành tích của Ánh Viên phải thông quá trình tập luyện, các chế độ dinh dưỡng đặc biệt kèm theo, cùng môi trường phấn đấu và thi đấu… chứ không tự nhiên mà đến. Một chiếc huy chương thể thao không phải là chuyện “gặt lúa trời”, mà là thành tựu, khi mồ hôi và nước mắt kết tủa. Chiến thắng, dù ở cấp độ nào, vì thế cũng rất đáng trân trọng…
Sau VCK U19 châu Á 2014, lứa cầu thủ của Công Phượng đã bị chững lại, giờ thêm thất bại ở V-League, người hâm mộ chỉ mong mỏi “đám trẻ của bầu Đức” sẽ có thêm những bài học, chứ đừng thui chột, nếu không là rất phí phạm!
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất