Khai mạc Festival di sản Quảng Nam lần thứ V

23/06/2013 07:14 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Tối qua (22/6), Festival di sản Quảng Nam lần thứ V chính thức khai mạc, đánh dấu chặng đường không ngừng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của Quảng Nam.

Không những vậy, sự kiện này còn là nơi giao lưu, kết nối những di sản văn hóa, giá trị văn hóa của các tỉnh thành trong cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khối ASEAN.


Nhà hát Hội An chật kín khán giả trong đêm khai mạc

Đêm khai mạc đa sắc và độc đáo

8h tối mới diễn ra lễ khai mạc Festival nhưng khắp các ngả đường đổ về Nhà hát Hội An đã chật kín người từ 4h chiều. Bởi người dân Quảng Nam và du khách đã phải chờ đợi ngày hội này 5 năm, kể từ “Quảng Nam- Hành trình di sản” lần thứ IV vào tháng 6 năm 2009. Cả trăm người dân và du khách thậm chí đã nhẫn nại đứng chờ ở cổng hàng giờ đồng hồ khi cổng vào sân khấu đóng kín bưng và bộ phận an ninh thông báo “chật quá, không vào được”.

Sau 4 lần tổ chức, đây là lần đầu tiên Lễ khai mạc Festival được đặt trong không gian “an toàn” cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, có hệ thống mái che cho cả khách và sân khấu, sức chứa tới 3.000 người. Đặc biệt nhà hát này còn mang dáng dấp cổ xưa, hòa hợp cùng phố cổ. Nhớ lại “Quảng Nam- Hành trình di sản” năm 2009 khi sân khấu có sức chứa hạn chế không đủ phục vụ du khách, rồi những cơn mưa bất chợt khiến nhiều diễn viên trong đêm tổng duyệt liên tục trượt chân, và nỗi lo lắng thời tiết trong đêm khai mạc,…mới thấy tỉnh Quảng Nam đã phải nỗ lực nhiều đến thế nào.

Điểm độc đáo đầu tiên chính là sân khấu đêm khai mạc khi mô phỏng hai di sản thế giới: ngôi nhà cổ phố Hội ở chính giữa và hai bên là đền tháp Mỹ Sơn. Tâm điểm của đêm khai mạc là chương trình nghệ thuật với sự hội tụ văn hóa đặc trưng của nhiều vùng miền Việt Nam và các nước ASEAN.

Phần “Đất mặn tình quê” tái hiện toàn bộ văn hóa, du lịch và đời sống người dân xứ Quảng. Một ngày lao động vất vả từ sáng đến đêm, những nỗi lo âu trong ánh lửa bập bùng, niềm hoan hỉ sau từng mẻ gốm của người dân làng gốm Thanh Hà. Dòng sông lúc hoàng hôn với từng câu hò mượt mà và chuyện tình của cô gái hái dâu họ Đoàn. Sự ma mị trong từng điệu múa của thiếu nữ Chăm. Sự mạnh mẽ, rắn rỏi khi ra khơi của ngư dân. Cảnh bình dị của gánh hàng rong, những chiếc xích lô chậm rãi, ánh đèn lồng khắc khoải,….trên phố cổ. Tất cả đã mang tới khán giả một Quảng Nam bình dị và thân thương, qua những lời ca, điệu múa.

Nếu như “Đất mặn tình quê” là lời giới thiệu về đất và người Quảng Nam thì phần “Ngày hội quê tôi” chính là ngày hội văn hóa của các vùng miền và các quốc gia ASEAN. Mỗi quốc gia đã giới thiệu đặc sắc văn hóa của mình thông qua những động tác nghệ thuật đặc trưng nhất: múa Lămvông của Lào, múa truyền thống của Thái Lan, múa dân gian của Myanmar, múa Barong của Indonesia,… và múa quạt Buchaechum của Hàn Quốc.


Màn trình diễn nghệ thuật ấn tượng của các quốc gia ASEAN

Lần đầu tiên quy tụ nhiều nền văn hóa nhất

Không còn dừng lại ở 3 nước Đông Dương như những “Hành trình di sản” trước, Festival lần này đã quy tụ sự tham gia của các nước trong khu vực ASEAN (trừ Brunay) và quan khách, ngoại giao đoàn của 73 quốc gia. Đây là lần đầu tiên, kể từ khi tổ chức, Festival di sản Quảng Nam có sự tham gia của nhiều tỉnh thành và nhiều quốc gia nhất. Hội thi Hợp xướng Quốc tế thu hút 15 đoàn hợp xướng đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không gian văn hóa Việt Nam- ASEAN quy tụ đặc sắc văn hóa của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Liên hoan nghệ thuật các dân tộc Việt Nam có sự tham gia từ 450 diễn viên đến từ 15 đoàn nghệ thuật của 15 tỉnh,…Điều đáng nói là các đoàn nghệ thuật tham gia biểu diễn tự bỏ kinh phí để đến với Festival. Phải công bằng mà nói, đó là sức mạnh của một thương hiệu di sản- văn hóa. Festival đã nâng cao cả và uy tín và chất lượng, thu hút bạn bè khu vực và quốc tế, và không ngoa khi nói đây là nơi hội tụ di sản toàn cầu.

Đến với Festival di sản Quảng Nam, du khách không chỉ được biết đến hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn, mà còn được trải nghiệm những di sản từ các địa phương trong cả nước. Từ hát quan họ Bắc Ninh đến Cồng chiêng Tây Nguyên, từ nhã nhạc cung đình Huế đến đờn ca tài tử Nam Bộ,…Ngoài ra, đặc sản, các danh lam thắng cảnh của mỗi vùng miền còn được trưng bày dọc bờ sông Hoài trong “Không gian văn hóa Việt Nam- ASEAN”.

Bên cạnh đó, Festival lần này còn giới thiệu đến du khách nhiều sản phẩm du lịch, nhiều tour du lịch mới: tắm khoáng nước nóng Phú Ninh, khai trương làng du lịch Bhoong ở Nam Giang,…Chắc chắn, sự kiện này là cơ hội để kích cầu tăng trưởng cho ngành du lịch Quảng Nam.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Các di sản văn hóa là tài sản vô cùng quý giá không chỉ với mỗi quốc gia dân tộc mà của toàn thế giới. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản. Tôi tin rằng Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng sẽ là điểm đến lý tưởng của bạn bè quốc tế"

Festival di sản Quảng Nam lần thứ V sẽ kéo dài đến hết ngày 26/6
                                            Hồng Thúy


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm