Truyền hình thực tế vẫn tăng trưởng mạnh

30/01/2014 09:59 GMT+7 | Truyền hình thực tế



(lienminhbng.org) - Nắm trong tay những format khủng kiếm tiền quảng cáo nhiều nhất trên kênh truyền hình hot nhất 2013, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty Cát Tiên Sa vẫn đang thừa thắng xông lên với những kế hoạch ngày càng táo bạo.

* Chỉ tính trên VTV3, năm vừa qua công ty ông đã có tới 7 chương trình thi thố mang tính giải trí truyền hình, trong đó có những chương trình lớn như The Voice, The Voice Kids. Thông tin cho rằng ông đang chạy đua trong việc săn tìm những format khủng và đã mua format của 27 chương trình cả thảy để sản xuất trong các năm tiếp theo có chính xác không, thưa ông?


- Thông tin ở đâu thế nhỉ, không nhiều đến thế đâu. Trước mắt chúng tôi có làm thêm Nhân tố bí ẩn - X-Factor, Chinh phục đỉnh cao - Popstar To Operastar bên cạnh những chương trình cũ. Mỗi năm thêm 1-2 format mới thôi.


* Vậy còn thông tin về một kênh truyền hình mới tinh sẽ vận hành từ tháng 3 năm tới?


- Thông tin này thì chính xác. Chúng tôi đang có hướng xây dựng một kênh truyền hình mang tính giải trí phục vụ khán giả ở miền Đông và miền Tây Nam bộ. Đây là một vùng đất rất đặc thù của đồng bằng sông Cửu Long với nhiều tiềm năng về truyền hình – giải trí chưa được khai thác. Ở đây người dân chỉ quanh năm xem phim bộ của Đài Loan, Hong Kong, bởi họ chưa được tiếp cận với các chương trình giải trí phù hợp với nhu cầu và đặc thù văn hóa của họ.


Hàng ngàn người tiếp tục đầu quân cho X-Factor, cuộc thi hát mới nhất trên truyền hình sẽ lên sóng tháng 3/2013. Ảnh: Phạm Thế Danh

* Hiện ông sở hữu tới 3 format thi hát cho công chúng (The Voice, The Voice Kids, X-Factor) và 2 cuộc thi hát dành cho nghệ sĩ (Cặp đôi hoàn hảo, Chinh phục đỉnh cao), trong khi ở Việt Nam hiện còn 3-4 cuộc thi hát khác cũng đình đám không kém. Nhận định của ông về tiềm năng người chơi như thế nào để ông có thể tự tin làm nhiều như vậy?


- Tôi biết báo chí, truyền thông đang nhận định tình hình là các cuộc thi hát đang cạn kiệt tài năng. Nhưng thực tế là khi tuyển thí sinh cho The Voice The Voice Kids, chúng tôi đã để dành lại khoảng một nửa lượng thí sinh tiềm năng cho các mùa kế tiếp. X-Factor vòng loại thì hoàn toàn là những gương mặt mới, không hề có bất kỳ thí sinh nào từ The Voice hay những cuộc thi hát khác. Việt Nam chưa bao giờ cạn kiệt tài năng âm nhạc. Nếu như trước đây chưa có những cuộc thi hát đình đám trên truyền hình thì nước ta cũng đã có rất nhiều cuộc thi hát lớn nhỏ với quy mô từ phường xã lên đến toàn quốc và cuộc nào cũng thu hút đông đảo người tham gia. Rồi các cuộc thi Tiếng hát truyền hình vẫn được tổ chức đến tận bây giờ… Chỉ vì chưa có sự vào cuộc truyền hình, truyền thông với những format mang tính giải trí cao nên các cuộc thi không trở nên rầm rộ, chứ kỳ thực thi hát luôn luôn nở rộ và chưa bao giờ thiếu người chơi cả.


Đó là chưa kể đến việc, khi họ bước ra khỏi những cuộc thi này, họ đều chạm đến cơ hội đổi đời. Quán quân The Voice mùa đầu Hương Tràm chính thức trở thành ca sĩ, sau một năm đã có đời sống kinh tế sung túc. Những thí sinh khác như Đinh Hương cũng rất đắt show. Phương Mỹ Chi của The Voice Kids thì ngay lập tức tạo ra những cơn sốt vé, rồi ký được hợp đồng giá trị.


* Báo chí nhận định The Voice mùa thứ hai dù có đội ngũ huấn luyện viên đẳng cấp hơn nhưng sức hút cũng như chất lượng thí sinh lại thua mùa đầu.


- Tôi không nghĩ thế. Một chương trình truyền hình có sức hút hay không thể hiện rất rõ ràng qua lượng quảng cáo. The Voice đã lập kỷ lục về quảng cáo trên VTV3 trong năm 2013 thì không thể nói nó kém sức hút được.


* Giá trị của quảng cáo khác giá trị nghệ thuật chứ thưa ông?


- Đúng. Đó là hiệu quả về mặt truyền thông. Còn về nghệ thuật, tôi không nói đến chuyện chất lượng mà chỉ muốn nói đến sự khác biệt, bởi vì chất lượng của một giọng hát, hay một cuộc thi hát phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và chỉ mang tính tương đối. Cái tôi và khán giả cần là sự khác biệt của các mùa giải để tránh lặp lại. Trong một nền showbiz mới mẻ, công nghệ giải trí non trẻ thì không thể đóng khung ở những giá trị mình tự đặt ra mà hãy để nó phát triển đa dạng, sau đó nó sẽ tự tìm ra tiêu chí chuẩn. Chúng tôi đang đi theo hướng đó và rất may là sự phát triển này được khán giả hưởng ứng. Đương nhiên trong một sự phát triển thì luôn có mặt được và mặt chưa được, người tỉnh táo là người biết tìm những cái mới để thay thế cái chưa được. Nếu mùa đầu tiên dàn giám khảo là những ngôi sao thị trường thì mùa này là những diva, nhà sản xuất đầy học thuật, mùa sau lại sẽ thay đổi theo tiêu chí khác, đó chính là những khác biệt chúng tôi mang lại cho công chúng.


* Nhắc đến Phương Mỹ Chi và The Voice Kids, chắc hẳn ông biết những dư luận kiểu như “vắt kiệt sức trẻ con” về cuộc thi này. Ở cương vị người “đầu trò”, quan điểm của ông như thế nào?


- Chắc bạn đã biết The Voice Kids lọt vào danh sách 10 sự kiện âm nhạc của năm 2013 do Hội Nhạc sĩ bình chọn. Với cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng một chương trình nếu không hợp lòng dân thì sẽ không ai tham gia cả. Thành công của cuộc thi này căn cứ vào nhu cầu nội tại của mọi người. Ai làm cha làm mẹ thấy con mình có năng khiếu thì cũng tìm cách cho con được học hành, phát huy. Việc cho con đến các trung tâm đào tạo đàn, hát cũng là để chăm chút cho tài năng của chúng. Cuộc thi này là một sân chơi, là nơi đào luyện để các cháu có khả năng có thể phát huy, vì thế mới được phụ huynh hưởng ứng, cho con của mình đi thi. Mà rõ ràng, cho chúng đi tham gia một cuộc thi hát như vậy chắc chắn bổ ích hơn là cứ để chúng chơi iPad hay vùi đầu vào những trò game. Mặt khác, sau cuộc thi, 6 em ở top đầu hiện được chúng tôi duy trì học bổng 3 triệu/tháng trong vòng 3 năm để hỗ trợ các em phát triển năng khiếu. Như vậy đâu phải là “vắt kiệt sức trẻ con”.


* Trong tất cả các chương trình Cát Tiên Sa  làm năm qua, ông tâm đắc nhất với chương trình nào?


- Ngôi sao thiết kế - Fashion StarVũ điệu đam mê - Got To Dance.Ngôi sao thiết kế dù có hiệu quả kinh doanh thấp nhất nhưng khi chương trình kết thúc, các nhà thiết kế, nhà đầu tư, đơn vị tài trợ đều tỏ ra rất hào hứng và chờ đón những mùa thi tiếp theo. Dù là một chương trình giải trí nhưng nó lại thực sự có ích với một ngành kinh tế đầy tiềm năng mà chưa hề được khai thác đúng cách. Tôi tin rằng sang năm cuộc thi này sẽ thu hút được nhiều nhà thiết kế tài năng hơn tham gia. Còn Vũ điệu đam mê thì tạo ra một sân chơi cho những nghệ sĩ nhảy múa, nhìn họ tập luyện tôi cảm kích lắm. Đổ mồ hôi sôi nước mắt chỉ để mong được biểu diễn trên truyền hình đến show cuối cùng cho khán giả xem mình chứ không phải vì tranh giành nhau giải thưởng. Điều rất khó kiếm tìm trong đời sống showbiz hiện nay.


* Theo ông nhận định, cuộc đua săn format khủng trên truyền hình sẽ tiếp tục ra sao?


- Hiện tại và trong nhiều năm nữa truyền hình vẫn là phương tiện truyền thông mạnh nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất dù internet đã vào cuộc từ lâu và cũng chứng tỏ sức mạnh của mình. Sắp tới đây, truyền hình sẽ kết nối, tương tác mạnh mẽ hơn với internet để phát huy hơn nữa tiềm năng của cả hai loại phương tiện này. Những chương trình chúng tôi hợp tác sản xuất cùng VTV sẽ đi theo hướng này.


Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm