Chuyện bên tách trà: Trăm tuổi vẫn chưa được nghỉ hưu

28/03/2016 07:06 GMT+7

(lienminhbng.org) - Đúng hơn, chỉ được nghỉ hưu một cách bất đắc dĩ, khi tai nạn lao động xảy ra. Và “nhân vật chính” ở đây là cầu Ghềnh.

Cầu xây xong năm 1904, mang đậm phong cách Pháp và gắn với lịch sử hình thành xứ Trấn Biên. Chưa đủ, tác giả của nó cũng là một cái tên vô cùng nổi tiếng: Gustave Eiffel. Bởi vậy, sau thời điểm bị xà lan húc sập một nhịp vào trưa 20/3, cũng rất dễ hiểu khi ký ức (và những lời ai điếu) cho cầu Ghềnh tràn ngập trên mặt báo.

Và sự xót xa ấy lại càng được cộng hưởng bởi một thông tin khác: cầu Ghềnh sập, tuyến đường sắt Bắc Nam trở nên đứt đoạn ở khúc sông Đồng Nai. Trong vài tháng tới, cho tới khi sự cố được khắc phục, những hành khách đi lại giữa Hà Nội và TP.HCM chỉ bằng đường sắt chỉ còn cách dừng ở Biên Hòa, rồi phải lên các chuyến xe bus để “tăng bo”, vượt tiếp vài chục km về thành phố mang tên Bác.

Chỉ một chút  bất cẩn về giao thông, chúng ta đã mất đi quá nhiều. Nhưng, cũng phải nói lại, nếu không có sự bất cẩn của chiếc xà lan vào trưa 20/3 ấy, tương lai của cầu Ghềnh vẫn sẽ theo một kịch bản cũ: tiếp tục oằn lưng, mỗi ngày gánh hàng chục đoàn tàu qua lại.


Cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai bị sà lan đâm sập 2 nhịp. Ảnh: Sỹ Tuyên /TTXVN

Bởi, dù một cây cầu đường bộ đã được xây cách đó vài trăm mét vào năm 2013, cầu Ghềnh cũng chỉ được giảm tải một phần chức năng  chuyên chở xe cơ giới. Còn theo quy hoạch, cho đến trước vụ va chạm, ý tưởng xây dựng một chiếc cầu đường sắt mới để thay thế cầu Ghềnh vẫn chưa được đưa ra.

Bây giờ, sau tai nạn bất đắc dĩ ấy, đã có những ý kiến đề xuất khôi phục cầu Ghềnh  ở vị trí cũ để thừa hưởng các lợi thế về luồng đường sắt đang có, cũng như giữ lại phần nào yếu tố mỹ thuật, lịch sử từ 2 nhịp cầu còn lại.Có nghĩa cầu Ghềnh sau khi được đại tu sẽ lại tiếp tục một hành trình  chuyên chở mới.

Ngẫm ra, số phận của cầu Ghềnh lại có chút gì đó tương đồng với Long Biên – một cây cầu khác mà Gustave Eiffel cũng từng quan tâm và tham gia bỏ thầu vào cuối thế kỷ XIX nhưng không thành công.

Cùng là cầu sắt trăm tuổi, cùng là một di sản kiến trúc mang đậm dấu ấn Pháp, vậy nhưng cả Long Biên và cầu Ghềnh vẫn được tận dụng tối đa về công năng giao thông – cho dù với lớp trầm tích văn hóa lịch sử kèm theo, cả 2 cây cầu đều xứng đáng được “nghỉ hưu” và bảo tồn như những biểu tượng của Biên Hòa và Hà Nội.

Vụ sập cầu Ghềnh, Đồng Nai: Điều động 20 xe đưa đón khách giữa ga Sài Gòn và Biên Hòa

Vụ sập cầu Ghềnh, Đồng Nai: Điều động 20 xe đưa đón khách giữa ga Sài Gòn và Biên Hòa

Để hỗ trợ hành khách đi tàu do ảnh hưởng của vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh (Đồng Nai), từ chiều 20/3, ngành giao thông vận tải thành phố (TP) Hồ Chí Minh đã tăng cường hơn 20 xe khách.


Và, trong khi cầu Ghềnh vừa phải dừng hoạt động một cách bất đắc dĩ, thì thời điểm “nghỉ hưu” để chuyển thành cầu đi bộ của Long Biên cũng vẫn còn nằm ở tương lai xa, khi tuyến đường sắt Ngọc Viên - Ngọc Hồi gắn với cây cầu Long Biên mới vẫn chưa được khởi công.

Cũng cần nói thêm, kể cả khi chuyển đổi công năng, cả cầu Ghềnh và cầu Long Biên cũng sẽ phải gắn với rất nhiều quy hoạch khác để trở thành một cây cầu đi bộ đúng nghĩa.

Với Long Biên, đó là việc cải tạo chợ đầu mối hoa quả và không gian xanh ở 2 đầu để trở thành những điểm đến hấp dẫn. Với cầu Ghềnh, như những ý kiến từng đề xuất dải đất Cù Lao Phố - vốn là thương cảng sầm uất nhất Đàng Trong ở thế kỷ XVIII, cũng phải được tôn tạo và bảo tốn sao cho hợp lý.

Nghĩa là không thể chỉ bỏ đi chức năng giao thông đường sắt trên 2 cây cầu ấy, rồi nghiễm nhiên hy vọng du khách sẽ tự động leo lên.

Phức tạp là vậy, kể cũng không khó hiểu, khi chúng ta cứ luôn than tiếc về sự xuống cấp hoặc ra đi của những dấu ấn kiến trúc từng có trong quá khứ.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm