Chuyện 'bộ tứ sông Hồng' (kỳ 2 & hết): Thụ 'sang' - Cường 'hoang' - Phương 'tàng' - Tiến 'lãng'

20/06/2018 06:54 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Dương Thụ “sang” – Nguyễn Cường “hoang” – Phó Đức Phương “tàng” – Trần Tiến “lãng” -một phác hoạ về diện mạo của “Bộ tứ sông Hồng” từ nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Đó là lần đầu tiên một nhạc sĩ “bộ tứ sông Hồng” tự làm câu họa về nhóm. “Cái này lần đầu tôi nói, tặng cho TT&VH đấy nhé”, Phó Đức Phương nhắc vui.

Chưa bao giờ có ý định lập “bộ tứ”

Câu khẳng định có lẽ là “cửa miệng” của cả 4 nhạc sĩ: Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường và Trần Tiến. Nhạc sĩ Trần Tiến từng bảo: “Chúng tôi không tự họa về mình, chỉ có công chúng họa về chúng tôi mà thôi”. Xong rồi ông bổ sung thêm: “Đó là hạnh phúc lớn lao của người nghệ sĩ”.

Đem hỏi người “anh cả” Dương Thụ thì ông nói: “Nếu nói bộ tứ thì bọn tôi đã là “bộ tứ” từ 50 năm trước rồi. Nhóm bạn thôi chứ không phải nhóm nhạc gì đâu”. Nhạc sĩ Phó Đức Phương còn tâm sự: “Chính dòng chảy cuộc sống, thời gian, dòng chảy âm nhạc đã đưa chúng tôi lại gần nhau. Nếu nói vui, thì có thể nói là do hoàn cảnh xô đẩy mà chúng tôi quy tụ thành 1 nhóm”.

Chú thích ảnh
(Từ trái sang) 4 nhạc sĩ: Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phó Đức Phương và Dương Thụ.

50 năm trước, khoảng những năm 1960, 4 mảnh ghép của “tứ quái” bắt đầu kết giao. Thời ấy còn “vô danh” (theo lời nhạc sĩ Dương Thụ), 4 người sống loanh quanh ở mấy khu phố Hà Nội lân cận: nhạc sĩ Dương Thụ ở Chân Cầm, Phó Đức Phương ở Bát Đàn, Nguyễn Cường ở Hàng Bạc còn Trần Tiến thì ở gần ga Hà Nội.

Còngặp gỡ thì lại ở giảng đường, ở âm nhạc. Nhạc sĩ Dương Thụ ngày còn học khoa Văn trường Đại học Sư phạm quen nhạc sĩ Phó Đức Phương khi ấy đang học khoa Toán Lý. Về sau ông thi vào Nhạc viện Hà Nội cùng năm với Trần Tiến và Nguyễn Cường (1972) nhưng sớm bị đuổi vì rắc rối hành chính. Nhạc sĩ Phó Đức Phương, dù gặp Trần Tiến và Nguyễn Cường trước đó 1 năm (1971), nhưng ông đã tốt nghiệp Nhạc viện rồi.

Bốn người họ vốn chỉ chơi với nhau như cách giao du thân tình của giới văn nghệ sĩ, tức là không có “tôn chỉ” hay “cương lĩnh hoạt động nhóm” theo kiểu đặt ra “chỉ tiêu” sáng tác.

Mỗi người một con đường, một cuộc sống riêng. Không ai can thiệp đến ai, nhưng hễ cần là sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ nhau như tri kỉ, người này đi hỏi vợ cho người kia là chuyện bình thường.

Rồi khi có dịp thì tụ bạ, hàn huyên “tán phét”. Tán từ chuyện âm nhạc, chuyện đời, đến chuyện... “gái”. “Thường là cái đề tài ấy vui nhất, nhẹ đầu mà lại... hấp dẫn”, nhạc sĩ Phó Đức Phương cười.

“Dương Thụ hay phân tích đầu cuối, như sách. Trần Tiến khéo léo. Nguyễn Cường sôi nổi, đôi lúc nghịch. Tôi thì không giỏi trong chuyện tán gẫu, tôi chỉ lắng nghe thôi và thích hòa vào dòng chảy của các bạn mình. 3 ông kia có khi trao đổi, thảo luận, hát cho nhau nghe đầy hào hứng, nhưng tôi thì ít khi như vậy”, ông nói thêm.

Ngày trẻ họ hay tụ tập, chứ giờ đến tuổi hơn thất thập, lại mỗi người một nơi thành ra có khi một năm chỉ tụ họp độ một lần. Mà người nhiệt tình nhất trong việc này là ông “em út” Trần Tiến.

Công bằng mà nói, nhờ cái duyên mà họ gặp gỡ nhau, còn để thành được “bộ tứ” phần nhiều do công “gán ghép” của những người yêu mến.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Dương Thụ

Âm nhạc thế nào, cá tính như vậy

Trong 4 người, nhạc sĩ Phó Đức Phương nổi tiếng sớm nhất và rất “đắt” đơn đặt hàng sáng tác. Ngược lại, con đường âm nhạc của nhạc sĩ Dương Thụ là vất vả hơn cả. Ông là người duy nhất không “được” theo học nhạc bài bản.

“3 ông bạn của tôi đều “đậm đà bản sắc dân tộc” , gần gũi với đời sống. Nhưng Tiến gần gũi với đời sống hơn. Cường rất mạnh mẽ, say đắm. Phương cũng vậy và còn có màu sắctâm linh bảng lảng nữa”, nhạc sĩ Dương Thụ nhận xét.

Còn nhạc sĩ Phó Đức Phương có cách cảm nhận riêng: “Trần Tiến tạm gọi là đa tình, đầy ngẫu hứng. Chất diễn của Tiến khéo léo hơn cả trong 4 người. Dương Thụ có xu hướng thiên về vẻ đẹp của thời kỳ lãng mạn cổ điển phương Tây, đương nhiên đã được Việt Nam hóa và... Dương Thụ hóa. Nguyễn Cường nóng bỏng, dữ dội và hết sức trực diện. Ngoài Tây Nguyên, Nguyễn Cường còn đi sâu vào mảng dân gian của khắp các vùng miền".

"Còn tôi, phải nói rằng chất dân gian ăn vào máu thịt hơi thở tôi, thấm đẫm trong âm nhạc của tôi. Không theo cách trực diện như Nguyễn Cường, khéo léo như Trần Tiến và càng không “classic” như Dương Thụ. Nó là sự tiềm tàng” – ông nói.

“Chúng tôi mỗi người một khuynh hướng âm nhạc, chẳng tác động hay tranh cãi vì biết là không để làm gì. Mà thực ra, mỗi người một màu lại là cái tốt nhất”, nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.

Còn cá tính ngoài đời sống? “Âm nhạc thế nào, con người như vậy”, nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định ngắn gọn.

Chuyện của 'Bộ tứ sông Hồng': Lời kể từ 'người đặt tên'

Chuyện của 'Bộ tứ sông Hồng': Lời kể từ 'người đặt tên'

Hẳn, chúng ta đã nghe nhắc tới sự hội tụ âm nhạc của "bộ tứ sông Hồng" từ vài tuần trước, khi ca sĩ Tùng Dương tổ chức live concert "Tùng Dương hát bộ tứ sông Hồng". Ở chương trình ấy, anh biểu diễn những ca khúc của 4 nhạc sĩ gạo cội: Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường và Trần Tiến.

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm