(lienminhbng.org) -
Tôi hay có ý nghĩ lẩn thẩn là đi tìm những thần tượng một thời,"những người muôn năm cũ" giờ ai còn ai mất. Và người ngồi trước hiên nhà, một ngôi nhà mang phong cách cổ điển, rất Hà Nội trên phố Phan Huy Ích kia, ngồi suốt quanh năm nhìn ra đường kia là một lão tướng - danh thủ một thời. Cụ có tên là Thìn A...Thìn A là biệt danh do bạn bè anh em cầu thủ cùng thời đặt, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thìn, năm nay cụ tròn 98 tuổi. Vâng! Lão tướng gần 100 năm tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, vẫn ngồi đánh cờ suốt ngày với những chàng trai trẻ. Có thể đây lại là một kỷ lục VN, hơn thế một kỷ lục thế giới ?!
Danh thủ giữa đời thườngHôm nay, khi tôi đến thăm, bên cạnh ông cụ còn có bà cụ - phu nhân lão tướng... Bà già tuổi 90, tay vẫn nhanh thoăn thoắt chẻ rau sống trong một cái rổ con. Cụ bà bảo: "Ông nhà tôi gốc Thanh Oai, dưới Hà Đông cũ, nhưng gia đình sống ở phố Hàng Than. Trai tài gái sắc. Chàng trai Nguyễn Văn Thìn giỏi đá bóng mà yêu và lấy được cô gái Hà Nội gốc Yên Ninh đấy "- Bà già nói rồi cười móm mém.
Đương trò chuyện với cụ bà, bỗng nhìn sang không thấy lão tướng đâu. Và kia, bên kia đường trong hàng phở đã thấy cụ ông kéo ghế gọi phở ngồi ăn sáng một mình. Nhanh thế!. Khi tôi nói ý định hỏi chuyện đá bóng cùng chuyện đời Thìn A, bà cụ bảo: Ông ấy lãng tai, khó nói chuyện lắm. Phải chờ chị Dung hay anh Dũng về mới hỏi hộ mới được!. Nói rồi bà cụ tất tả đi gọi người con trai cả tên Dũng. Nhưng ông Dũng cũng lại đi đâu không rõ... Chị Dung gặp tôi ồ lên: Có phải chú nhà báo dạo trước cạo râu cho cụ nhà tôi phải không? Sao giờ trông khác thế!
Cựu danh thủ Thìn A (phải) vẫn ngồi đánh cờ, vui vầy cùng con cháu Chị Dung là con gái lớn của cụ Thìn A, là vợ của một vị nguyên Vụ trưởng Thể thao thành tích cao..."Con nhà" có khác, chị có thể hiểu bóng đá hiểu các danh thủ vốn là em mình như chính chị là... HLV vậy. Rồi khi xoay sang chuyện đá bóng của bố, chị Dung bảo: "Chỉ có anh cả Dũng mới có thể "phiên dịch" cho cụ. Thế Anh và Cao Cường ở gần đây cả nhưng mỗi người bây giờ mang tâm sự riêng, mang nỗi buồn riêng về bóng đá Việt mà thành ra không thích nhắc đến bóng đá...".
Thực ra trước đó tôi đã lên tầng hai ngôi nhà đối diện, nơi có hai căn nhà của hai nhà danh thủ Thế Anh - Cao Cường nhưng cả hai đều khóa im ỉm. Tôi quá bất ngờ về những ngôi "nhà" của những người mà tiếng tăm vang dội một thời như thế. Hai căn buồng nhỏ cũ kỹ nằm trên gác hai ấy làm sao lại là "nhà" của hai danh thủ được. Nhưng đó là sự thật...Nhà của anh cả Dũng cũng bé và cũ kỹ nằm trên gác phía sau ngôi nhà của ông bà...
Anh cả Dũng năm nay đã 73 tuổi, người cũng nhỏ thó như ông cụ nhưng nhanh nhẹn và rành rẽ chuyện đá bóng bởi thời trẻ từng là cầu thủ hạng B các đội nổi tiếng Hà Nội vì... một cánh tay bị khoèo. Ông Dũng “khoèo” có đôi chân khéo léo và dẻo như …kẹo kéo, lại chơi rất thông minh, láu lỉnh nên đội nào cũng thích. Dân “phủi” Hà Nội cho rằng đôi chân ông Dũng khéo léo có khi còn hơn các em mình ! Chỉ tiếc ông không gặp thời, ông sinh ra trong thời chiến tranh loạn lạc…Câu chuyện lan man đứt quãng về lão danh thủ Đông Dương Thìn A được người con cả của cụ chắp nối khá mạch lạc...
Một thời lừng lẫyCụ kể lại rằng : "Thời trẻ tôi mê đá bóng đến quên ăn. Khu này trước toàn thị dân, nhà cửa cũ kỹ, đường sá nhỏ hẹp... Trẻ con đi học về là đá bóng. Không có nơi tập, chúng tôi ra bãi Long Biên đá bóng trên cát. Khi thành cầu thủ, chơi cùng Tòng Cháy, Tí bồ....tham gia đội tuyển Bắc Kỳ rồi đội tuyển Đông Dương... Đội tuyển Đông Dương, tuyển Bắc Kỳ của chúng tôi toàn danh thủ hàng đầu Việt Nam quy tụ, có cả trung ứng Trương Tấn Bửu, cha ruột danh thủ Trương Tấn Nghĩa của Thể Công sau này.
Danh thủ Thìn A cùng hai người con Cao Cường (trái) và Thế AnhChúng tôi làm mưa làm gió các khung thành Đông Nam Á: Nam Dương (Indonexia), Miến Điện, Hồng Kông. Có lúc khiến cha con Lý Huệ Đường người từng được gọi là "vua bóng đá Hồng Kông" phải quy phục... Thời trước đội không có ở tập trung như sau này mà là ai về nhà nấy. Sáng có ô tô đến đón, mình chỉ xách theo đôi giày. Tập xong có người dẫn đi ăn...Lương không dùng đến về đưa vợ. Mình vào Nam ra Bắc và theo quả bóng suốt cả thời trai trẻ, chỉ bà ấy lo đẻ con nuôi con, lo buôn bán la gim (gia vị nấu súp cho Tây) mà nuôi lớn 11 người con sau còn 9 đứa trưởng thành. May thời ấy đồng tiền có giá, chúng tôi đẻ các con phải nuôi vú em trông ...Đận tham gia Giải Ba miền chung kết ở Huế, còn có ảnh chụp Ứng Khê, Bền, Ka Mi, Tuất, Thọ A khi ra sân bay...
Thời Pháp thuộc chủ yếu đá bóng. Đầu quân cho đội CotongCanh Hà Nội, từ thời sau năm 1930, đá cho Đông Dương, Bắc Việt... thường xuyên đi Thái Lan, Hồng Kông. Cùng thời ấy có các danh thủ :Thọ A, gôn Thọ ve, Bầu, Ứng, Khê, Nghĩa, Luyến... Năm 1946 Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tôi đi kháng chiến và được biên chế về một đơn vị công binh thuộc bộ Quốc phòng. Vợ con di tản cư ra vùng tự do. Mình đi công tác liên miên mấy tháng lại đi tìm thăm vợ con một lần. Năm 1950 sinh Ba Đẻn (Thế Anh). Ba Đẻn là do bạn bè bóng đá “phủi” đặt cho. Chả là thời trước đội bóng Địa chất có một cầu thủ một cầu thủ gốc Angieri người ta thường gọi là Ba Đen chơi rất ấn tượng, Thế Anh suốt ngày quần thảo với trái bóng ở sân Long Biên cũng đen nhẻm giống như Ba Đen nhưng người nhỏ bé hơn nên người ta đặt thành cái tên Ba Đẻn...
Thời hòa bình lập lại trên miền Bắc, tôi về Hà Nội lại đá cho đội Thanh niên Hoàng Diệu, tập hợp toàn danh thủ sáng giá thời trước. Đội Hoàng Diệu đã thi đấu với đội Thể Công trận đầu tiên chào mừng Giải phóng Thủ Đô Hà Nội năm 1954. Thời gian sau đó, Tôi đầu quân cho Công An Hà Nội đá chân Tiền vệ phòng ngự... Năm 1960, Bác Hồ chỉ đạo thành lập Đội tuyển bóng đá Việt Nam dân chủ cộng hòa và được đi đấu giao hữu với Đội tuyển Căm pu chia tại Phnom pênh. Đội hình khi ấy, ngoài các danh thủ Đông Dương như Tý Bồ, Thìn A, Tòng “cháy, Nghẽn…còn có các cầu thủ Thể Công như Trương Tấn Bửu, Phạm Tất Thắng, Ngô Xuân Quýnh, Trương Tấn Nghĩa… Lần ấy tiễn bố ra sân bay có Cao Cường mới 6 tuổi.
Hổ phụ bàn về 5 "hổ tử"Trong số 5 cầu thủ con tôi thì Dũng là anh cả, đá hay nhưng tay bị khoèo do ngã, vì vậy chỉ xếp đá cho đội B. Ba Đẻn và Cao Cường thì Ba Đẻn nổi lên rất sớm dù người thấp bé nhẹ cân lại có đôi chân vòng kiềng. Khi tôi làm HLV cho đội CAHN, đưa Ba Đẻn vào tập thì bị chê là bé. Ba Đẻn đành về với Thể Công. Tổ chức đơn vị hỏi tôi sao không đưa các con vào đội, tôi bảo đã cho Ba Đẻn vào nhưng các anh chê. Giờ thì nó nổi danh ở bên đó các anh lại trách tôi.
Sau, đành đưa Cao Cường vào tập cho "đội nhà" theo chỉ đạo của tổ chức. Cường đá khá. Tập được một thời gian thì xảy ra chấn thương đầu gối vào bệnh viện Sanh pôn chữa mãi không lành. Các bác sĩ nghi bị...ung thư xương. Sau có ông anh tôi làm ở bệnh viện không tin, đề nghị đưa Cường sang viện K kiểm tra thì phát hiện không phải. Lại điều trị tiếp hàng năm trời... Vì "sự cố" ấy mà sau này, Cao Cường lại thuộc về Thể Công chứ không phải là CAHN. Chả là dù tập ở CAHN, những Cao Cường chưa thuộc biên chế chính thức, vì vậy khi thanh toán viện phí,CAHN không thể chi trả số tiền điều trị hơn năm tại bệnh viện. Lấy đâu ra tiền đây? Bỗng một hôm Ba Đẻn - Thế Anh đem chuyện này nói với Trung tướng Vương Thừa Vũ - Phó Tổng tham mưu,lúc này đương phụ trách đội Thể Công. Đẻn bảo: "Cháu có thằng em là Cao Cường đang tập cho CAHN nhưng khi bị chấn thương điều trị mãi mà không được thanh toán chi phí...".
Nghe thấy thế, vốn mến Ba Đẻn, tướng Vương Thừa Vũ bảo: Em cậu là Cao Cường chứ gì? Cường đá tốt chứ! "Dạ tốt". "Đưa Cao Cường về đây". Vậy là tướng Vương Thừa Vũ bảo quản lý cầm giấy tờ sang thanh toán cho bệnh viện. Vậy là Cao Cường về với Thế Công cùng Thế Anh làm nên cặp đôi anh em nổi tiếng... Rõ là trong cái rủi có cái may...Hai anh em Ba Đẻn - Cao Cường về sau đều là hàng danh thủ, các ông ấy mới tiếc..."
"Còn hai đứa em là Cao Vinh , Cao Hiển trưởng thành sau. Cao Vinh lúc đầu đá cho đội bóng đá Đường Sắt VN,Cao Hiển lúc đầu đá cho đội Quân khu Thủ đô sau chuyển vào Sài Gòn đá cho đội In Minh Hoàng - tiền thân của đội công an TP HCM...
Lại nói Thể công thời mới giải phóng 1954, sang Trung Quốc đá và thua đội Thanh niên Bắc Kinh đến ...9 - 0. Nhưng đến năm 1974, thời của Ba Đẻn, Thể Công với Nguyễn Bính, Nguyễn Sỹ Hiển, Nguyễn Trọng Giáp, Vũ Đình Bội, Vũ Mạnh Hải, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Duy Phú, Nguyễn Viết Cầu…sang Trung Quốc đi thi đấu khắp các quân khu, tỉnh thành đã để lại ấn tượng cực kỳ với 11 trận, thắng 8 hòa 2 và chỉ thua 1 trận trước các đội hàng đầu của Trung Quốc. Ấn tượng đặc biệt là trận thi đấu ở sân VĐ Công Nhân (Bắc Kinh), sân bóng nổi tiếng lớn nhất Bắc Kinh khi ấy với sức chứa 100.000 người.
Trận đấu ấy, Thể Công đã làm nên bất ngờ, gây sốc cho khán giả khi giành thắng lợi trước đội Bát Nhất thuộc quân Giải phóng nhân dân Trung hoa (đương kim vô địch Trung quốc) với tỷ số kinh hoàng 4-1! Ngay ở giây thứ 27, cú đấm bất người được tiền đạo cánh phải của Thể Công là Thái Nguyên Bền dùng tốc độ của một vận động viên chạy cư lý ngắn lao như tên bắn đến đầu khu vực 16m50 sút tung lưới đội bóng lớn nhất, giàu truyền thống nhất Trung Quốc trước sự bàng hoàng của hàng vạn người xem chật cứng khán đài! Có một chi tiết hy hữu là khi Chủ tịch Đặng Tiểu Bình và tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đại sứ Viêt Nam chưa kịp yên vị sau khi xuống sân bắt tay hai đội đi lên khán đài danh dự thì bóng đá vào lưới...Trận thắng này khiến Bát Nhất tâm phục khẩu phục vì sau đó đội bạn gỡ hòa 1-1 ở phút thứ 30, nhưng lại tiếp tục thua 3 bàn nữa. Huyền thoại trận thắng Bát Nhất năm 1974 của lớp cầu thủ “vàng” Thể Công có lẽ mãi mãi về sau không bao giờ lặp lại.
Mà tôi cho rằng về đá ở Thể công là nhất. Đoàn kết, kỷ luật nghiêm, chế độ sinh hoạt đầy đủ, cầu thủ sống với nhau chan hòa như một gia đình... Thời ấy khó khăn,chế độ đãi ngộ với cầu thủ thủ các đội chả có gì đáng kể. Đá mỗi trận thắng thua không phân biệt mỗi người được bồi dưỡng bảy hào, tương đương 2 cốc bia hơi...Giày thì rách toạc phải ra khâu via hè. Khổ nhưng ai cũng đá bóng vô tư, vì "màu cờ sác áo"...Chấn thương, nhất là bong gân thường dùng bài thuốc dân gian mà vô cùng hiệu quả là dùng vỏ cây gạo phía mặt trời mọc, sao với rượu và nước tiểu cùng ngải cứu đắp là khỏi...
Thời ấy người ta sống với nhau thân tình ám áp lắm. Nhà tôi lúc nào cũng như một cái... CLB bóng đá ấy. Chả là bạn bè các con, toàn cầu thủ lớn nhỏ thường tụ về đây. Ba Đẻn dẫn Phan Văn Mỵ và bạn bè về ngủ hết ở nhà. Nhà chật thì trải chiếu ra đất. Câu chuyện bóng đá cứ là râm ran suốt ngày đêm...
Sao không ai mời đi xem bóng đá?
Gần 100 tuổi, lão tướng Thìn A vẫn ngồi đó, ung dung đánh cờ hay ngắm người qua lại. Với ông, thời gian như chậm lại, và hồi ức về bóng đá Việt , những vinh quang cùng cay đắng cầu trướng thì vẫn vẹn nguyên...Ông bảo "Bây giờ người ta vẫn coi Ba Đẻn và Cao Cường là danh thủ hàng đầu Việt Nam,là niềm tự hào của bóng đá Việt, nhưng thật tiếc là tại sao không ai đem đến cho các anh ấy những tấm vé mời xem bóng đá? Sự có mặt của các anh ấy trên khán đài sẽ mang đến sức sống, sự cổ vũ cho bóng đá đấy!"
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ