11/09/2018 14:12 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - 10 năm trước, khi CLB Hà Nội (tên gọi tiền thân là Hà Nội T&T) chân ướt chân ráo lên vũ đài V-League, không một đại gia nào thèm để mắt tới họ, chứ đừng nói đến mộng bá vương. Nhưng, 10 năm sau, đại diện duy nhất còn lại của bóng đá Thủ đô đã bỏ túi 4 danh hiệu vô địch V-League, ngang bằng với kỷ lục của B.Bình Dương. Điều đó đã diễn ra như thế nào?
Thời điểm năm 2008-2009, B.Bình Dương vẫn sừng sững như một ông kẹ, đánh đâu thắng đó, thậm chí vào đến bán kết AFC Cup, tạo nên cột mốc lịch sử cho bóng đá Việt Nam cấp CLB trên đấu trường châu lục. Sao số nườm nượp đổ về đất Thủ, khiến người ta có cảm giác như mọi ngả đường đều dẫn về Bình Dương. Tại phố Núi, HAGL vẫn chưa từ bỏ tham vọng đòi lại ngôi vương, khi sở hữu cả Thonglao lẫn Lee Nguyễn. Ở miền Trung, SHB Đà Nẵng cũng lớn mạnh và lên ngôi vị số 1 V-League 2009...
Với Hà Nội FC, từng bước một, đội bóng này dần khẳng định năng lực chinh phục ở tầm cao, bằng chính những chính sách chuyển đổi không giống ai, giữa thời cơ chế bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Ví như việc nuôi cấy CĐV chẳng hạn.
Giai đoạn đầu phôi thai, 3 năm thăng 3 hạng là có thật với đội bóng Thủ đô có tuổi đời non trẻ Hà Nội T&T. Tuy nhiên, vì chưa có hệ thống đào tạo trẻ nên Hà Nội T&T cũng không thoát khỏi vòng xoáy kim tiền. Bóng đá Việt Nam lạm phát kinh khủng, giá cầu thủ leo thang chóng mặt, và V-League trở thành cỗ máy ngốn tiền, như tằm ăn rỗi, thậm chí như “con ngoàm”. CLB Hà Nội sau khi có được thủ môn Dương Hồng Sơn, cuỗm luôn Lê Công Vinh, rồi sao số từ nội đến ngoại, tấp nập kéo về Hàng Đẫy.
Sự khác biệt được tạo ra ở Hàng Đẫy, so với phần còn lại, đấy là thuộc tính lối chơi đậm chất Việt Nam nhất được xây dựng dưới triều đại Phan Thanh Hùng và giờ là HLV Chu Đình Nghiêm vẫn đang thừa hưởng. Kế đó, sau nhiều năm, là một hệ thống đào tạo trẻ được kiện toàn từ lứa U15 - U21, thông qua sự hỗ trợ của Sở TDTT Hà Nội (cũ) và các chân rết địa phương. CLB Hà Nội trở thành một phân xưởng đào tạo cỡ lớn và hoàn toàn có thể tự cường, không cần viện binh, hay chất xám ngoại lực.
Việc giảm tối đa chi phí chuyển nhượng (mua vào), cũng như các bài toán kinh tế kiểu “xen canh gối vụ”, lấy ngắn nuôi dài và hợp tác với cả các đối tác nước ngoài, chính sách chuyển nhượng thông minh, giúp cho cơ chế tài chính của Hà Nội FC được đảm bảo, không mất cân bằng. Ngay lúc này, đội bóng thừa năng lực xuất khẩu cầu thủ, tức bán ra, nhưng họ vẫn không vội. Theo chủ tịch CLB Nguyễn Quốc Hội, ông đã nuốt trọn lời thề độc, nên không cẩu thả được.
Tham vọng của CLB Hà Nội trở thành số 1 Thủ đô đương nhiên đã thành, thậm chí là số 1 Việt Nam, cũng chỉ ngày một ngày hai nữa, khi đội bóng này lấy nốt chức vô địch Cúp QG 2018. Nhưng, họ còn muốn là duy nhất, là không có phiên bản, một mình có thể gánh cả sơn hà trên vai, mà không cần đến sự trợ giúp nào. Họ cũng muốn giữ chân và cấy thêm các CĐV, người hâm mộ, cũng như tạo sự chú ý với các đối tác tài trợ. Đó là lý do đội bóng này quyết không bán ra.
Sự thật là những ngôi sao như Văn Quyết, Quang Hải, Văn Hậu..., đã nhận được rất nhiều các lời đề nghị từ Thai Premier League và thậm chí cả Nhật, Hàn, tuy nhiên, lãnh đạo CLB vẫn lắc. “Tôi muốn họ chơi bóng để phục vụ khán giả Thủ đô, giúp nâng cấp tham vọng của đội bóng, chứ không bán lấy tiền và để cầu thủ của mình phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị nơi xứ người. Cầu thủ của Hà Nội được đào tạo để đá bóng, chứ không phải làm quảng cáo”, ông Hội chia sẻ.
Có thể vị chủ tịch CLB Hà Nội không có ý “đá đểu” một ai cả, nhưng trong kế hoạch và tham vọng của đội bóng, bắt đầu từ mùa giải sau, họ sẽ tiến ra đấu trường châu lục một cách mạnh mẽ. Nếu chơi tốt, cùng với sự quảng bá hiệu quả, CLB Hà Nội hoàn toàn có thể có được các bản hợp đồng lớn với các Tập đoàn kinh tế toàn cầu hàng đầu, như các đội bóng Thái Lan hay Nhật, Hàn...
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất