14/02/2022 12:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Trong tình yêu, chuyện “đơn phương” không phải là hiếm, khi tình yêu đến từ một phía và không/ chưa được phía bên kia đáp lại. Và bởi thế cảm hứng “đơn phương” cũng rất phổ biến trong mảng thơ tình.
Song không phải ở bài thơ nào cái tình đơn phương cũng chứa đựng sự thầm lặng, thuỷ chung, hết lòng dâng hiến cho mối tình bất chấp việc không được đền đáp. Đôi khi, cái tình còn được “chuyển hoá” thành cái “nghĩa” một cách nhuần nhị, tự nhiên và chứa đựng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Nhà thơ Trần Mai Hưởng vừa chia sẻ câu chuyện về 3 người đàn ông “đơn phương” trong thơ tình và cả ba đều gặp nhau ở sự thầm lặng hiến dâng.
Xin bắt đầu bằng bài thơ Đơn phương nổi tiếng và quen thuộc của nhà thơ Phạm Đức:
ĐƠN PHƯƠNG
Tôi tìm em, em tìm ai
Để đôi khi tiếng thở dài hòa chung
Gần nhau mà chẳng yêu cùng
Đơn phương tôi cứ thủy chung một mình
Trái tim tôi vẫn để dành
Cho em - người vốn vô tình với tôi.
Còn em lại đến với người
Tôi không ghen, chỉ buồn thôi, thật buồn.
Cái bông hoa nở giữa vườn
Hương thơm nhiều lúc lại thường xa bay
Thôi thì em đó tôi đây
Không yêu nhau được dẫu đầy thương yêu !
Mong em yêu và được yêu
Đừng như tôi chỉ một chiều tương tư.
Phạm Đức
Cảm tác với bài thơ Đơn phương của nhà thơ Phạm Đức, nhà thơ Trần Mai Hưởng đã “nối điêu” bằng bài thơ cùng tên, sau cuộc gặp gỡ giữa hai người thơ tại quê hương Phạm Đức ở Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Nội hồi tháng 1/2022:
Biết sao khi có một người
Cứ tha thiết cứ chín mười chờ mong
Một người mãi chẳng mở lòng
Cứ hờ hững cứ như không thấy gì
Phàn nàn trách móc nhau chi
Nhạt duyên lẻ phận thiếu gì người ơi
Cao xanh ai hiểu ông trời
Nhân gian ai biết đường đời dọc ngang
Gần nhau thì cứ lỡ làng
Người vu vơ lại quáng quàng chạy theo
Hình như chạm phải bùa yêu
Chẳng ai tránh khỏi liêu xiêu thăng trầm
Mình đừng giận trách nhé em
Không nên duyên vẫn vẹn nguyên tình người
Một mai thăm thẳm xa xôi
Lại mong nghe được những lời yêu thương
Ngại ngần xa lắm con đường
Một chiều đi mãi đơn phương hai người
Trần Mai Hưởng
Sau khi hai bài thơ được đưa lên Facebook, hôm qua, Giáo sư Đinh Văn Đức, người thầy yêu quý và kính trọng của nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp , viết cho nhà thơ Trần Mai Hưởng: “Anh à. Chiều nay đọc bài thơ "Đơn phương" của anh. Tôi xúc động. Gửi anh một bài thơ Pháp cùng cảnh do nhà văn Khái Hưng dịch ngày xưa, do nhạc sĩ Phạm Duy giới thiệu”.
Theo GS Đinh Văn Đức, thuở còn nhỏ, nhạc sĩ Phạm Duy rất yêu bài thơ Un Secret của nhà thơ Pháp Félix Arvers ( 1806- 1850 ) viết về tình yêu đơn phương của ông với nàng Marie Nodier. Nhạc sĩ chỉ còn nhớ hai câu tiếng Pháp như sau:
“Mon coeur a son secret, ma vie a ses mystères
Toujours à ses côtés et pourtant solitaire...”.
Nhà văn Khái Hưng đã dịch bài thơ đó ra tiếng Việt một cách tuyệt vời. Bản dịch đó như sau :
TÌNH TUYỆT VỌNG
Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay.
Hỡi ôi người đó ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân
Dẫu ta đi trọn đường trần
Chuyện riêng không dễ một lần hé môi.
Người dù ngọc thốt hoa cười
Nhìn ta như thể nhìn người không quen
Đường đời lặng lẽ bước tiên
Ngờ đâu chân đạp lên trên mối tình.
Một niềm tiết liệt đoan trinh
Xem thơ nào biết có mình ở trong.
Lạnh lùng lòng lại hỏi lòng
Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây?
Nhà báo Trần Mai Hưởng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất