BÌNH LUẬN: U23 Việt Nam & Giấc mộng Nam Kha

10/12/2013 22:15 GMT+7 | Bóng đá

(Thethaovanhoa) - Thua để biết mình đang có gì. Thua để biết ta đang đứng ở đâu. Và thua ở lượt trận thứ hai còn hơn là thua mà không còn hy vọng sửa sai. Thua cũng để tiến bước mà không tự huyễn hoặc mình.

Thất bại vừa rồi trước Singapore chưa phải là dấu chấm hết, nhưng nó mở ra điều gì tiếp theo thì hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ với thất bại của U23 Việt Nam.

Thắng đậm chưa chắc đã tốt

SEA Games 26: Cách đây 2 năm, U23 Việt Nam đè bẹp U23 Brunei 8-0 ở lượt trận thứ tư vòng bảng môn bóng đá Nam SEA Games 26. Đó được xem như chiến thắng giải stress của thầy trò Falko Goetz: Họ chỉ ghi được 5 bàn ở ba lượt trận đầu, gặp U23 Philippines, U23 Myanmar và U23 Đông Timor.



Đây là chiến thắng 8-0 của U23 Việt Nam trước U23 Brunei ở SEA Games 26

Nhưng sau chiến thắng tưng bừng ấy là trận đấu rất vất vả trước U23 Lào. Dù thắng 3-1, nhưng màn trình diễn của U23 Việt Nam còn bị đặt nghi vấn là có tiêu cực.

Và vào đến bán kết, thì như một điều tất yếu xảy ra, chúng ta thua tâm phục khẩu phục trước Indonesia.

AFF Suzuki Cup 2010: Đội tuyển “lớn” Việt Nam vào giải với tư cách là đội ĐKVĐ và có cả lợi thế là đồng chủ nhà ở vòng bảng. Họ cũng đè bẹp Myanmar 7-1 ở lượt trận mở màn, bất chấp việc người hùng Lê Công Vinh không có mặt vì chấn thương.



U23 Việt Nam giành chiến thắng 7-1 trước Myanmar ở lượt trận mở màn AFF Cup 2010. Ảnh: VnExpress

Tinh thần toàn đội, theo các phát biểu sau trận, là cực tốt: Đội trưởng Minh Phương cho rằng đó “còn hơn cả một chiến thắng, và tuyển VN đã tìm lại chính mình; tiền đạo Anh Đức thì bảo rằng “đây là một trong những cột mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của tôi”.

Nhưng sau chiến thắng được tụng ca rằng đã giúp tuyển Việt Nam “tìm lại chính mình” ấy lại là cơn địa chấn: Lần đầu tiên trong lịch sử, trên tất cả các mặt trận từ SEA Games cho đến AFF Cup, Philippines đánh bại được Việt Nam (2-0), và đau đớn hơn là ngay tại Mỹ Đình, nơi 4 vạn khán giả VN sẵn sàng xé nát thinh không để cổ vũ cho các cầu thủ của mình và đàn áp tinh thần đối thủ.

VN thắng Singapore 1-0 ở lượt trận cuối và đi tiếp, nhưng cuối cùng dừng bước cũng tâm phục khẩu phục trước Malaysia sau 2 lượt trận bán kết (thua chung cuộc 0-2).

SEA Games 25: Việt Nam đã xuất sắc vượt qua bảng “tử thần” (có Thái Lan và Malaysia) ở ngôi đầu, loại đối thủ được cho là nguy hiểm nhất, Thái Lan, từ vòng bảng.

Chúng ta đè bẹp Malaysia 3-1 ở lượt trận thứ hai vòng bảng (bàn danh dự của người Mã cũng do hậu vệ Hoàng Quảng đá phản lưới nhà), sau đó đè bẹp Singapore thuyết phục 4-1 ở bán kết. Lúc này thì ai còn có thể ngăn Việt Nam lên ngôi?

Nhưng ở trận chung kết, khi tái ngộ Malaysia, như đã nói, là đội đã thua VN 1-3 ở vòng bảng, thì chúng ta lại thua bởi bàn đá phản lưới nhà của Xuân Hợp 5 phút trước khi hết giờ.

Tiger Cup 1998. Thế hệ Vàng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh đã bất ngờ đè bẹp “ông kẹ” của khu vực là Thái Lan 3-0 ở bán kết, và tưởng như trận chung kết với Singapore chỉ còn là thủ tục trước khi bước lên ngai vàng.

Nhưng ngay cả thế hệ Vàng cũng không thể thoát bạc. Những đôi chân lơ lửng trên mặt đất đã không tìm được điểm tựa, và trượt ngã trên cái lưng to bản của Sasi Kumar.

Thua bây giờ là tốt

Chừng ấy những bài học quá khứ đủ cho thấy rằng chúng ta “ứng xử” kém đến thế nào với những chiến thắng lớn. Giống như một người bắt được Vàng và giàu lên, nhưng không biết cách nào để kiếm thêm miếng Vàng thứ hai, thứ ba. Một thắng lợi kiểu trước Thái Lan năm 1998 cũng giống như một giấc mộng Nam Kha, có thực đấy, mà cũng hư ảo đấy.

Ngã thì đứng dậy, chứ đừng đi tiếp mà bị huyễn hoặc, U23 Việt Nam!

Và nếu không “ứng xử” tốt với một khoảnh khắc đáng giá nhường ấy, thì cũng không khó hiểu khi chúng ta trượt vỏ chuối sau những trận thắng đậm trước những đối thủ yếu bậc nhất ở khu vực, như sau khi đè bẹp Myanmar cách đây 3 năm và Brunei của 2 năm trước lẫn hiện tại và có thể là nhiều năm về sau.

Chiến thắng 7-0 trước Brunei ở trận khai mạc đã làm chúng ta chủ quan ngay khi trận đấu ấy còn đang diễn ra, chứ chưa nói đến trạng thái lâng lâng ảo giác sau khi nó kết thúc. Thất bại trước một Singapore chơi đơn giản và kỷ luật ngay sau đó cho thấy rằng U23 Việt Nam vẫn còn khá nghèo nàn về bài vở, và 7 bàn trước Brunei bỗng trở thành làn khói hư ảo. Nó mờ mịt như cách đội U23 chỉ có đúng một “bài” trong 15 phút cuối: Đưa bóng ra cánh phải và tạt chéo vào cấm địa.

Nếu Danh Ngọc xử lý khôn ngoan hơn trong một tình huống mà bóng đi khá vừa vặn đến vị trí của anh từ cái “bài” đơn giản ấy, rất có thể chúng ta sẽ lại có một điểm hư ảo nữa, và cả những lời an ủi hư ảo nữa. Nhưng trận đấu có thể được định đoạt bằng một chi tiết “lỗi”, nhưng giải đấu này thì không. Chúng ta khó mà giành được chức vô địch với lối chơi như vậy.

Thế nên, thua ở lượt thứ hai, tức là thua khi còn sửa sai được và thua để không tự huyễn hoặc mình vào lúc này, thậm chí còn là điều tốt. Chúng ta chỉ thực sự nắm chiến thắng trong tay khi hiểu nó đến như thế nào, không phải với những bàn thắng từ sai lầm ấu trĩ của đối phương như ở trận gặp Brunei.

Thất bại trước U23 Singapore đã chỉ ra điều đó. Mất 3 điểm và hiểu ra mình là ai vẫn hơn là giành 1 điểm mà không hiểu chính mình, để không vướng vào giấc mộng Nam Kha đã chi phối bóng đá Việt Nam ở rất nhiều giải đấu đã từng tham dự trong lịch sử. Giữ đôi chân dưới đất bằng một thất bại dù là hơi phũ phàng, nhưng cũng là tốt hơn để U23 Việt Nam vững bước tiến lên, dù là tiến lên kiểu dò dẫm đi chăng nữa.

Phạm An

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm