13/06/2015 13:42 GMT+7 | SEA Games 2015
(lienminhbng.org) - Sau thành công của môn điền kinh tại SEA Games 2015, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh đã có những kiến giải chi tiết về kết quả này.
Cùng với Thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh là ba môn thể thao cơ bản của Olympic ra đời từ Olympic Hy Lạp cổ đại. Trong thời kỳ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, các nội dung điền kinh được phát triển đồng đều với chạy ngắn, chạy dài, marathon, nhảy cao, nhảy xa, nhảy tam cấp, ném tạ, ném tạ xích, 5 môn phối hợp và 10 môn phối hợp. Nhiều nhà thể thao nổi tiếng, những người mở đường cho điền kinh Việt Nam đã xuất hiện trong giai đoạn này. Đó là Nguyễn Thị Minh, Hoàng An của đội tuyển nữ, Đoàn Kim Phách của 10 môn phối hợp, Võ Đức Phùng của ném búa, Hoàng Vĩnh Giang của nhảy cao...
Họ là những tên tuổi điền kinh Việt Nam trong thời kỳ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong đoàn thể thao Việt Nam dự Ganefo 1963 ở Jakarta (tiền thân Đại hội thể thao châu Á), hầu hết các VĐV điền kinh trên đều có mặt. Đến Ganefo 1966, chúng ta đã có những huy chương vàng điền kinh chạy 400m của Trần Hữu Chỉ. Cùng với Vũ Thị Sen HCV 100m ếch, đoàn thể thao trở về từ Ganefo đã được Bác Hồ khen ngợi.
Sự phát triển của điền kinh miền Bắc xã hội chủ nghĩa là kết quả từ sự đầu tư đúng hướng. Chúng ta đã mời các chuyên gia giỏi của Liên Xô đồng thời tổ chức đào tạo lớp trẻ của điền kinh ở nhiều địa phương.
Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, các đội tuyển quốc gia không còn tập trung. Người lên đường tham gia chiến đấu, người trở về địa phương. Điền kinh thời kỳ này chỉ còn phát triển chủ yếu ở các giải chạy việt dã theo hướng phục vụ sản xuất và chiến đấu.
Đất nước thống nhất, điền kinh được quan tâm khôi phục trở lại. Nhưng xu hướng chỉ tập trung đầu tư cho các nội dung trung bình và dài ở thời kỳ này đã lấn át việc đào tạo nhiều nội dung khác. Khi thể thao Việt Nam hòa nhập với SEA Games, các VĐV điền kinh tham dự rất ít, thành tích ban đầu cũng thấp. Chúng ta giành HCV điền kinh đầu tiên của Vũ Bích Hường ở nội dung 100 m vượt rào tại Chiang Mai 1995.
Để chuẩn bị SEA Games 22 ở Việt Nam, điền kinh mới được chú trọng quan tâm và tập luyện tương đối đều đặn. SEA Games này chứng kiến thành công giòn giã của điền kinh Việt Nam khi giành nhiều HCV, trong đó có thành tích đặc biệt xuất sắc của Nguyễn Thị Tĩnh ở nội dung chạy 400m. Cho tới ngày 12/6 vừa qua, kết quả của Tĩnh vẫn là kỷ lục ở SEA Games.
Ở SEA Games 2005, điền kinh giành 10 HCV với sự phát triển toàn diện ở các nội dung. Chính tại kỳ này, hai VĐV Vũ Thị Hương và Quách Thị Lan đã giành HCV và phá kỷ lục SEA Games. Cùng với đó, Trương Thanh Hằng cũng phá kỷ lục ở nội dung 800 và 1.500m.
Chỉ còn thiếu VĐV đẳng cấp châu lục
Ở SEA Games 2015 này, thắng lợi của điền kinh là minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng và toàn diện của điền kinh Việt Nam. Tuyển điền kinh nam Việt Nam là đội đông nhất (43 VĐV), dự thi hơn 30 nội dung so với 36 nội dung SEA Games. Thứ hai, thành tích 11 HCV, 14 HCB và 7 HCĐ là rất ấn tượng. Hàng loạt kỷ lục của Thái Lan tồn tại trong nhiều năm đã bị phá vỡ. Đặc biệt, Nguyễn Thị Huyền đã giành 2 HCV 400m và 400m rào, đạt chuẩn dự Olympic.
Thành tích chứng minh rằng chúng ta đủ khả năng chiến thắng ở nhiều nội dung điền kinh. Tại Đông Nam Á, các VĐV của chúng ta chỉ không vượt qua được Thái Lan - quốc gia có một số VĐV đạt đẳng cấp châu lục và thế giới.
Điền kinh hiện tại có hai khó khăn. Thứ nhất, VĐV có trình độ đồng đều nhưng chưa có ai đạt tới đẳng cấp châu lục và thế giới. Thứ hai, trong nhiều năm, mối quan hệ và sự phối hợp của các nhà quản lý Liên đoàn điền kinh với các nhà quản lý bộ môn điền kinh của Tổng cục có hiện tượng “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Hiện tượng đó diễn ra trong nhiều năm đã làm ảnh hưởng tới môn điền kinh.
11 – Điền kinh Việt Nam đã giành được 11 HCV ở SEA Games đến hết ngày hôm qua, xứng đáng là số 2 ở bộ môn “nữ hoàng” của Đông Nam Á. 45 – Theo quy định, mỗi VĐV giành HCV sẽ được thưởng 45 triệu đồng từ ngân sách của nhà nước. Ngoài ra, các VĐV còn được nhận thưởng thêm từ các nhà tài trợ bằng tiền mặt và hiện vật ở SEA Games này. 0 – “Kỷ lục” của SEA Games 2015 có lẽ thuộc về cặp VĐV nhảy cầu của Philippines khi cả hai đều nhận điểm 0 từ các trọng tài cho bài thi của mình. Đây là điều chưa từng xảy ra ở bất cứ đại hội nào. |
Thanh Hà (ghi)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất