Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: 'Gia đình thể thao phải hy sinh nhiều thứ'

14/02/2015 06:34 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Được biết nhiều hơn trong vai trò một nhà quản lý của ngành thể thao, người từng nhiều kỳ đảm trách cương vị Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các kỳ Đại hội thể thao quốc tế lớn, nhưng đằng sau tất cả thành công đó trong sự nghiệp, còn là nỗi trăn trở với cuộc sống đời thường. Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Minh với Thể thao & Văn hóa cuối tuần về chủ đề Gia đình thể thao trước thềm Xuân Ất Mùi 2015. Xin được trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

* Thể thao & Văn hóa cuối tuần: Ông là một nhà quản lý thể thao lâu năm, từng nhiều lần đảm nhiệm cương vị Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại các kỳ Đại hội lớn nhưng ít ai biết rằng bên cạnh ông là người vợ từng là VĐV chuyên nghiệp. Vậy có sự khác biệt hay so sánh nào không thưa ông?

- Ông Nguyễn Hồng Minh: Nhà tôi là Vũ Mộng Thư sinh năm 1946 ở Hải Phòng, VĐV điền kinh ở Hải Phòng cho đến năm 1961 thì được tập trung lên Trường huấn luyện kỹ thuật TDTT Trung ương và tới năm 1963 tham gia Đoàn Thể thao của Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Đại hội GANEFO ở Jakarta (Indonesia) và thi đấu nhảy xa, đứng hạng 4. Năm ấy nhà tôi mới 17 tuổi.

Sau đó bà ấy tiếp tục tập luyện tại Trường huấn luyện kỹ thuật TDTT Trung ương, tham gia thi đấu giải vô địch miền Bắc và là nhà vô địch miền Bắc, giữ kỷ lục ở môn nhảy xa. Cho đến năm 1970 nhà tôi đi học Đại học TDTT bên Từ Sơn và năm 1978 đi làm thực tập sinh ở CHDC Đức về huấn luyện điền kinh, kết thúc khóa học đó thì về nước làm giảng viên tại Trường Đại học TDTT Từ Sơn cho đến khi nghỉ hưu.

Cùng lứa với nhà tôi có bà Hoàng An (chạy 100m), Nguyễn Thị Minh (200m) và Nguyễn Thị Bạch Kim, họ là nhóm 4 VĐV xuất sắc của điền kinh Việt Nam ở thập niên 60, 70 của thế kỷ 20. So sánh rõ nhất ư - Nhà tôi là VĐV chuyên nghiệp còn tôi thì không phải là VĐV (cười)!



Ông Nguyễn Hồng Minh cùng vợ là cựu tuyển thủ điền kinh quốc gia Vũ Mộng Thư (phải) và cô con gái Hồng Hà

*Hai vợ chồng cùng gắn bó với ngành thể thao, ông thấy gia đình mình được gì và có sự mất mát, thiệt thòi gì so với những gia đình bình thường khác?

- Chủ yếu là mất mát về thời gian và phải chịu sự xa cách. Thời kỳ đầu khi nhà tôi là VĐV và đi học thì thường xuyên xa nhà còn sau này, khi tham gia làm công tác quản lý ở ngành thể thao thì đến lượt tôi xa nhà dài ngày vì các giải đấu, những chuyến công tác. Cả hai người đều theo đuổi một việc là góp phần vào sự phát triển của thể thao thành tích cao Việt Nam.

Thời điểm nhà tôi làm luận án thạc sỹ tại Trường Leipzig (Đức) tôi đã tìm kiếm tư liệu, các luận án liên quan ghi chép và gửi sang bên đó cho bà ấy tổng hợp làm báo cáo trước các giáo sư người Đức.

Sau này, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ cho nhau trong công việc quản lý cũng như giảng dạy. Trong công tác, chúng tôi cùng tìm hiểu về cuộc đời VĐV, từ đó việc quản lý, định hướng, xử lý được các mối quan hệ, giải quyết khó khăn, thiệt thòi cho các thế hệ VĐV, đó là khó khăn về kinh tế, nghèo nàn về khoa học kỹ thuật.

Ngoài ra, vấn đề học tập kiến thức nâng cao, trình độ được ứng dụng như thế nào vào công việc khi nhà tôi giảng dạy tại khoa điền kinh Trường Đại học TDTT Từ Sơn sau khi đi học ở Đức trở về cũng được chia sẻ.

*Con gái ông bà Hồng Hà từng là Hoa khôi Thể thao, vậy tại sao ông không động viên, tạo điều kiện cho chị theo con đường thể thao chuyên nghiệp như bố mẹ?

-  Em Hồng Hà có theo tập Thể dục dụng cụ  3,4 năm, từ lúc 7 tuổi nhưng sau đó tôi nhận thấy không phát triển lên được đỉnh cao thì rút về đi học ngành nghề khác. Ban đầu em đó cũng đã tập thể thao nhưng sau đó tôi xét thấy không lên được hơn nữa và thay đổi ngành khác.

* Vậyquan điểm của ông về gia đình thể thao như thế nào và giá trị của hình mẫu gia đình thể thao trong cuộc sống hiện đại ngày nay?

- Tôi thấy có hai luồng suy nghĩ. Một là, nếu cả gia đình theo thể thao chuyên nghiệp thì sẽ chia sẻ, đóng góp được công sức của mình cho sự phát triển lớn mạnh của thể thao đất nước, đó là nguồn động viên với gia đình thể thao như của chúng tôi.

Nhưng về đời sống kinh tế, vật chấtchắc chắn sẽ có nhiều thiếu thốn. Tất nhiên nó gắn ở giai đoạn đất nước còn khó khăn và ngay trong thời đại này, đời sống của các VĐV thể thao đỉnh cao của chúng ta, tôi vẫn thấy phải khắc phục và chịu đựng nhiều, hy sinh về thời gian để học vấn, con đường gây dựng kinh tế gia đình cho ổn định. Đặc biệt, các VĐV đòi hỏi phải cống hiến cả tuổi thanh xuân, khi thành tích thi đấu thấp đi, không còn phát triển được vì lý do tuổi tác thì mới bắt tay học tập và làm lại từ đầu, như thế rất khó và khỏi tâm lý e ngại.

Nói tóm lại, VĐV thể thao sẽ phải hy sinh nhiều thứ. Nghề này phụ thuộc vào nền kinh tế xã hội, phụ thuộc vào sự quan tâm của xã hội. Nhất là trong thời đại ngày nay, muốn có thành tích cao phải được đầu tư về khoa học kỹ thuật, dinh dưỡng, có chế độ ưu đãi về học tập, bồi dưỡng quyền lợi, chính sách để họ đảm bảo có thành tích và có được cuộc sống sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu thể thao thành tích cao. Ưu đãi, bồi dưỡng về quyền lợi cả khi thi đấu cũng như sau khi kết thúc sự nghiệp VĐV.

 Tóm lại là chỉ khi cuộc sống của VĐV đỉnh cao được đảm bảo, thì cuộc sống gia đình của họ cũng mới được đảm bảo theo.

*Thể thao Việt Nam dần chuyển qua chuyên nghiệp và khái niệm sao thể thao cũng ra đời. Ngoài những mối tình, gia đình thể thao như truyền thống, giờ còn có những cặp đôi kiểu sao thể thao với giới showbiz. Theo ông, đó có phải là xu thế?

- Thời đại bây giờ thể thao gắn liền với sự phát triển của văn hóa xã hội, truyền thông cũng có ảnh hưởng lớn. Việc những người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác nhau họ có thể gặp nhau và yêu nhau, tiến tới lập gia đình, thậm chí dựa vào nhau để phát triển sự nghiệp là một xu thế mới, trong các thế hệ trước chưa có.

Còn các gia đình thể thao kiểu cũ nhiều VĐV, các anh, chị đã xây dựng với nhau đều do sự cảm thông về nghề nghiệp. Tôi lấy ví dụ như danh thủ Nguyễn Văn Trọng nhà vô địch bơi lội Đông Dương và chị Bửu Ngọc bơi VĐQG; anh Nguyễn Đăng Phúc huấn luyện viên lấy nữ VĐV bóng chuyền trong đội tuyển quốc gia…

Mới đây nhất, ở thế hệ sau này, có trường hợp Trương Minh Sang TDDC và Thu Hà thể dục nghệ thuật, các cháu yêu thương nhau, tiến tới lập gia đình và hiện cùng nhau làm HLV đội tuyển quốc gia. Tức là trong đời sống sinh hoạt, các VĐV cảm thông với nghề nghiệp của nhau.  Họ đến với nhau bằng tình cảm, sự cảm thông chứ tôi không nhìn thấy ý đồ vật chất nào trong đó cả. Có lẽ đó là sự đặc biệt nhất trong chuyện tình cảm, gia đình của giới thể thao.

*Xin cảm ơn ông! Chúc ông Xuân mới cùng gia đình sức khỏe, hạnh phúc!

Lâm Chi (thực hiện)
Thể thao Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm