B.Bình Dương hay là bộ mặt của V-League?

08/06/2013 15:02 GMT+7 | V-League

(lienminhbng.org) - Đã đấu đủ 11 trận ở lượt đi, thắng hai, hòa một và thua tới tám trận; ghi được 15 bàn thắng (trong đó có tới bảy bàn của Anh Đức), lọt lưới 24 bàn (chỉ ít hơn Kiên Long Bank Kiên Giang một bàn) và hiện đang xếp đội sổ, với vỏn vẹn bảy điểm.

Không ai nghĩ đây lại là Becamex Bình Dương, đội bóng từng thống trị V-League trong ít nhất hai năm (2007 và 2008), vào đến vòng bốn đội mạnh nhất AFC Cup 2009 và luôn về nhất trên thị trường chuyển nhượng.

Thất bại toàn tập

Người ta đã bàn nhiều về cung cách làm bóng đá “chéo cẳng ngỗng” ở Thủ Dầu Một, trong đó, lãnh đạo chủ động lấy người và ấn vào tay HLV. Tức là người làm chuyên môn và chịu trách nhiệm trực tiếp với sự thành bại của đội bóng, không phải bao giờ cũng là người được quyền chọn (hay đề xuất chọn) nhân sự. Từ thời huấn luyện viên Mai Đức Chung (2009), đến các “diễn viên đóng thế” như Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Minh Dũng, Cho Yoo Hwan và thậm chí ngay lúc này, gương mặt rất cũ ở đất Thủ, huấn luyện viên Lê Thụy Hải.



B.BD lầm lũi ở vị trí cuối bảng sau khi kết thúc lượt đi. Ảnh: Quang Nhựt

Sự thiếu ổn định từ ca-bin ban huấn luyện đến nhân sự trên sân đã khiến B.BD đánh mất dần bản sắc của một đội bóng từng hai lần lên ngôi và biểu đồ thành tích đi xuống là điều tất lẽ dĩ ngẫu.

“Đỉnh cao” của thất bại và thất vọng là cách dùng người kiểu “giật gấu vá vai”. Ông Lê Thụy Hải được mời về ở giữa giai đoạn lượt đi V-League 2013, thay huấn luyện viên Hàn Quốc Cho Yoon Hwan, với kỳ vọng sẽ “trục vớt” được “con tàu” B.BD, sau khi lãnh đạo đã sa thải ông từ trước khi trái bóng V-League 2012 kịp lăn.

Cũng tựa như ông Hải “lơ” là các trường hợp của Philani, Hữu Thắng… Chúng ta đều biết là, trước khi V-League 2013 khai mạc, Philani cùng Hữu Thắng, những công thần ở đất Thủ, bị điều chuyển xuống đội hạng Nhất TDC Bình Dương, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng thừa chưa hồi kết trên đội một B.BD. Nhưng rất nhanh chóng sau đó, khi B.BD loạng choạng ở vạch xuất phát và thua liên miên, bị thiên hạ lên án, bộ đôi lão tướng được gọi trở lại và thậm chí, Philani còn cầm luôn chiếc băng đội trưởng (vốn thuộc về Vũ Phong trước đó).

Trong lúc đó, Việt Thắng được mua về với 8 tỉ đồng, nhưng chỉ sau nửa mùa giải 2012 mài đũng quần trên băng ghế dự bị, cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam lần lượt được cho Thanh Hóa, rồi Đồng Tâm Long An mượn. Ở tuổi 33, Kesley Huỳnh Alves, vừa ký hợp đồng thứ ba trong sự nghiệp với Thủ Dầu Một (hai lần trước là các năm 2005 và 2007), nhưng dưới thời HLV Lê Thụy Hải, chàng rể Việt Nam chủ yếu làm khán giả trên khán đài.

Không thiếu những ví dụ như thế, cho thấy sự luẩn quẩn của lãnh đạo B.BD. Mèo lại hoàn mèo thôi!

Mặc dù vậy, người trong cuộc không cho rằng họ đã phạm sai lầm, thậm chí còn tuyên bố B.BD sẽ trở lại và còn “lợi hại hơn xưa”. Để hiện thực hóa tham vọng, họ tiếp tục mua về cầu thủ Việt kiều Đặng Văn Robert, thủ môn nhập tịch Nguyễn Quốc Thiện Esele, trước đó là thủ môn Đức Cường…, nâng tổng số thủ môn đăng ký ở mùa bóng 2013 lên năm người - một kỷ lục V-League. Chỉ có điều, số lượng không đi cùng với chất lượng. B.BD đã luôn là quán quân trên thị trường chuyển nhượng theo cách đó!

Với ba suất ngoại binh (đăng ký và sử dụng tối đa) là Philani, Sunday và Aniekan; cộng thêm năm ngoại binh nhập tịch và cầu thủ Việt kiều: Phan Văn Santos, Nguyễn Quốc Thiện Esele, Nguyễn Hoàng Helio, Nguyễn Trung Sơn (Jefferson), Kesley Huỳnh Alves…, nếu xua hết thảy vào sân, chỉ còn lại ba hoặc bốn suất cho cầu thủ bản địa. Điều này trước giờ chỉ thấy ở trời Âu, chứ chưa từng thấy ở V-League.

B.BD có thể là nhà vô địch tuyệt đối nhiều năm liền trên thị trường chuyển nhượng, còn biểu đồ thành tích, thiên hạ đã có câu trả lời rồi. Giá trị trên sàn và giá trị sử dụng không phải bao giờ cũng tương ứng. Tất nhiên, người trong cuộc luôn có những ứng biến rất “tài tình” và những thứ họ làm không hoàn toàn vô nghĩa. Không phải cho người, cũng là cho mình, dù có thể nó không giống với cách tổ chức một đội bóng cho lắm. Bất luận thế nào, phải có sự luân chuyển như thế, dòng tiền mới động được. Thất bại không có nghĩa là sẽ chết!

Hết thịnh thì suy

Kể từ năm 2004, khi Bình Dương đánh dấu sự hiện diện của mình ở sàn diễn đỉnh cao, thật khó đếm hết họ đã thay bao nhiêu huấn luyện viên trong chu kỳ 10 năm. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, đội bóng đất Thủ chỉ thực sự mạnh lên, sau khi Becamex bắt tay vào làm bóng đá.

Tuần trăng mật của B.BD khởi đầu từ mùa giải 2006 (á quân V-League) và đến mùa bóng 2009 thì kết thúc, với suất chơi bán kết AFC Cup, được coi là kỳ tích khó lặp lại của các đội bóng Việt Nam. Thành tích đó gắn liền với hai “bố già” Lê Thụy Hải và Mai Đức Chung.  

Ông Hải “lơ” có công khai phá và xây dựng một đế chế đủ sức quật ngã những tượng đài như Hoàng Anh Gia Lai và Đồng Tâm Long An; trong khi, “người đá cặp” khá ăn ý của ông là Mai Đức Chung thừa hưởng thành quả, khi B.BD lần thứ hai ra đấu trường châu lục và đi một mạch đến bán kết. Trong giai đoạn quá độ đó, có sự xuất hiện ngắn ngủi của tướng ngoại, Francisco Vital, nhưng ông Vital không để lại dấu ấn đậm nét nào, bị sa thải sau tám trận lượt đi V-League 2009. Ông Hải “lơ” và ông Chung “xe ca” đi vào lịch sử của đất Thủ, chắc rồi!

Nhưng bóng đá Việt Nam vốn ít tồn tại những giá trị lâu bền. Hết thịnh thì suy. Nhìn vào biểu đồ thành tích, cũng như cung cách làm bóng đá ở B.BD, có thể cảm nhận được bộ mặt của V-League và thậm chí của cả nền bóng đá xứ sở: thiếu ổn định, mong manh và đương nhiên rất dễ vỡ. Khi cơn bão tài chính quét qua hồi cuối năm 2011, dẫn đến cuộc khủng hoảng diện rộng, phần lớn các đội bóng Việt Nam đều lao đao, nhưng B.BD thì không! Nhưng đất Thủ, không ngã ở chỗ này, sẽ hỏng ở một điểm khác, một bộ phận khác!

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm