06/09/2013 19:13 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Đã bước qua tuổi 13, giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn chưa bước lên tầm cao mới. Như lời chuyên gia Phan Anh Tú, ông cho rằng bóng đá Việt Nam vẫn ở thời quá độ, chưa có được một tầm nhìn, phương hướng đúng đắn để đi lên chuyên nghiệp.
* Đây là mùa giải có nhiều biến động, rất có thể lại cần cuộc “cách mạng”, ông nghĩ sao?- Tôi không nghĩ mùa giải này diễn ra chỉ toàn màu đen như thế. Vì trước khi V-League 2013 bắt đầu đã có nhiều sóng gió từ lúc xuất phát, tưởng như không thể diễn ra theo đúng kế hoạch. Khởi đầu u ám như thế, giải đấu vẫn diễn ra kịch tính, cuộc soán ngôi liên tục từ nhóm đầu bảng đến khu vực rớt hạng. Đấy là cuộc đua hấp dẫn tạo ra hứng thú và sự mong đợi cho người xem bằng cảm xúc. Mỗi dịp cuối tuần, sân cỏ vẫn đầy ắp khán giả, những người đã biểu lộ tình yêu đích thực với đội bóng của họ như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Gia Lai, Đồng Nai, Đà Nẵng. Như vậy là quá nhiều rồi, còn gì mong đợi hơn trong bối cảnh này. Chúng ta cần nhìn nhận khách quan nỗ lực của VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đơn vị tổ chức V-League). Rõ ràng, họ đã làm được nhiều việc mà trước đây giải chuyên nghiệp chưa làm được.
Mùa giải nào tất nhiên cũng có nhiều hạt sạn, từ chuyện trọng tài kém chuyên môn, nghi ngờ thiếu công tâm, rồi việc Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải. Nhưng cuộc sống cũng xảy ra những vấn đề nổi cộm như thế, chứ nói gì bóng đá. Bởi bóng đá cũng là một phần của đời sống xã hội, chứ không hề tồn tại riêng rẽ. Cuộc sống diễn ra như thế, bóng đá cũng không thể ngoài lề của xã hội được. Còn nhiều tiêu cực tồn tại cần khắc phục thường xuyên và sẽ theo suốt quá trình phát triển.
Theo ông Phan Anh Tú, bóng đá Việt Nam chưa có sự chuyên nghiệp
* Theo ông, bóng đá Việt Nam đang ở giai đoạn nào của tiến trình chuyên nghiệp hóa?
- Tôi cho rằng bóng đá Việt Nam vẫn chỉ ở giai đoạn quá độ chứ chưa vươn lên tầm cỡ giải chuyên nghiệp thật sự. Sự thật ấy mất lòng và phản ánh đúng những gì chúng ta đang có. Khó khăn từ tổ chức giải đấu, từ chính sự tổ chức các câu lạc bộ chuyên nghiệp. Mô hình tổ chức muôn hình vạn trạng, chẳng ai giống ai. Trong khi đó họ lại được giao quyền tổ chức cuộc chơi cho chính họ. Với mong muốn để họ tự bảo ban nhau tôn trọng luật chơi chung và tự khai thác sản phẩm do họ tạo ra. Nhưng họ khác nhau từ nhận thức, đến tổ chức. Vậy làm sao co thể cùng nhau đưa con thuyền V-League về đích an toàn?Sự thiếu kinh nghiệm điều hành giải trong giai đoạn đổi mới dưới tay VPF là có thật. Chắc dễ nhận thấy là thiếu sự đồng điệu giữa cách nhìn mới và cách làm cũ trong các vấn đề nổi cộm của mùa giải vừa qua.
- Không chỉ bóng đá mà nhiều lĩnh vực khác đôi khi cũng ngại đổi mới hoặc muốn nhưng chưa có phương án rõ nét nào để đổi mới. Cá nhân suy nghĩ của tôi trong tư cách người hâm mộ, bóng đá nước nhà vẫn đang ở thời điểm mò mẫm tìm hướng đi mới. Một hướng đi có tính đột phá thật sự.
* Đó là nguyên nhân dẫn đến việc giải chuyên nghiệp ngày càng loạn, khi các đội thay nhau xé luật của ban tổ chức giải?
- Một thực tế đáng buồn là các thành viên tham dự giải chưa có nhận thức thật sự cao, chưa tôn trọng luật chơi do chính họ lập ra. Còn người cầm trịch điều hành cũng không dứt khoát, mạnh mẽ khi thành viên của mình không tôn trọng luật chơi. Nó tạo ra hình ảnh giải đấu khó kiểm soát. Khi gặp nhiều sự cố, người ta chỉ mong đưa giải về đích an toàn. Bối cảnh bóng đá Việt đang diễn ra rất khó khăn, tôi nghĩ chúng ta chưa đổi mới và chưa biết làm sao cho đổi mới cả.* Ông có thể lý giải rõ hơn…
- VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) là tổ chức xã hội nghề nghiệp dựa vào điều lệ và quy chế để hoạt động. VPF khi ra đời cũng phải hoạt động theo điều lệ , quy chế hoạt động của VFF và quy chế của riêng họ để làm việc. Khi các ông bầu tạo ra Ban tư vấn đạo đức cũng dựa vào quy chế để thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhưng quy định Ban tư vấn đạo đức chỉ có nhiệm vụ tư vấn, cảnh báo, tham mưu cách xử lý. Còn quyết định phải là ai? Ban tổ chức giải hay ban kỷ luật của VFF. Đây là vấn đề quy chế hoạt động của tổ chức phải trả lời.Vấn đề ở chỗ người tổ chức giải đấu xem ra không có nhiều quyền lực, sức mạnh trong tay. Trong khi hai nhiệm vụ kỷ luật răn đe các đội bóng, điều chỉnh phân bổ trọng tài lại nằm ở Ban kỷ luật và Ban trọng tài của VFF. Khi VPF không có thực quyền trong hai vấn đề nhạy cảm ấy. Vậy ngưới ta dễ suy nghĩ các câu lạc bộ không nể ban tổ chức giải.
- Là tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhưng VFF vẫn cần sự quản lý chặt chẽ, chỉ đạo sát sao của các cấp quản lý thể thao nước nhà. Tân chủ tịch VFF không nhất thiết phải giỏi chuyên môn song phải dám nghĩ, dám làm, thu hút được nhân tài và đặt lợi ích bóng đá lên hàng đầu. Đây là lúc lãnh đạo đầu ngành thể thao nước nhà phải lựa chọn người đáng tin cậy, mạnh dạn để cải tổ vào công việc gian nan như thế. Thời gian còn rất ít nhưng không thiếu người tài để giao vị trí hệ trọng như thế. Cả nền bóng đá Việt Nam đang chờ đợi cả vào sự chuyển mình về nhân sự, suy nghĩ và hoạt động của VFF ở nhiệm kỳ bảy này.
* Xin cảm ơn ông về cuộc nói chuyện thẳng thắn này!Mộc Miên (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất