Chuyện Hà Nội: Ký ức 'Cao - Xà - Lá'

24/11/2014 08:15 GMT+7

(lienminhbng.org) - Tôi có cái “may mắn” được làm… thị dân nghèo, nên phải ở thuê hết Cầu Giấy đến Thành Công rồi Thanh Xuân… càng xa trung tâm Hà Nội càng rẻ. Và cơ may đuợc đi cùng đường, sống cùng nhịp đời cần lao của cư dân lao động.

Từ thời còn tàu điện Hà Nội - Hà Đông, tôi nhớ mỗi khi tàu vào “ga” Ngã Tư Sở là đỗ lại. Sau này khi không dùng tàu điện nữa, mấy toa tàu đậu mãi chốn ga Ngã Tư Sở đến mấy năm như chứng tích giao thông một thời. Đường Nguyễn Trãi xuyên qua nhiều ao chuôm cánh đồng. Hồi trước, không ai dám qua đường này vì hai bên toàn nghĩa địa: nghĩa trang Hợp Thiện rồi Gò Đống Thây giữa mênh mông ao đầm, ruộng lúa. Đêm đi bộ dọc đường nghe tiếng ếch nhái inh ỏi tấu bản hợp xướng muôn thủa…

Nhớ hồi ký nữ sĩ Anh Thơ có viết về cái thời bà theo cha về Hà Đông. Ngày ngày đáp xe điện ra Hà Nội làm báo. Bà tả cái cảnh đường Nguyễn Trãi hoang vắng xa xăm như từ bao nhiêu thế kỷ. Thế mà …

Hà Nội giải phóng, nhiều khu công nghiệp mọc lên và Cao - Xà - Lá (bao gồm nhà máy cao su, xà phòng và thuốc lá Thăng long) là một trong khu công nghiệp đầu tiên. Tôi tin rồi đây nơi này là một địa danh đi vào lịch sử thành phố. Người ta đã làm thay đổi vùng đất hoang vu thành một khu công nghiệp hiện đại. Khu công nghiệp Thượng Đình, ngoài Cao – Xà - Lá còn có Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông hay gần Ngã Tư Sở có Nhà máy Cơ khí chính xác… góp thêm cái sầm uất, cái rộn ràng của không khí sản xuất công nghiệp. Tiếng máy chạy, những cột khói bốc cao thời nào là niềm tự hào của không chỉ người Hà Nội…

Đường Nguyễn Trãi bây giờ đang thay đổi nhanh đến mức ai từng ở trên phố này đi xa vài năm về chưa chắc đã nhận ra dấu tích ngày nào của con đường hun hút nối Hà Nội với thị xã Hà Đông. Công trình đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh với hàng cột bê tông to đùng choán mất tầm nhìn. Hai bên đường vô số tòa cao ốc đua nhau mọc lên, khu Cao - Xà - Lá rồi sau này cũng sẽ thành cao ốc...

Mới ngày nào đi qua đường Nguyễn Trãi ngày hai bận vẫn mùi thơm nồng nặc của ba thứ sản phẩm cao su, thuốc lá và xà phòng. Mùi cao su sống đem vào chế biến có mùi thum thủm, mùi xà phòng thơm thoảng hương ngọc lan và đặc biệt mùi thuốc lá. Đến thời đất vàng lên ngôi, thành phố quy hoạch lại và cụm công nghiệp nổi tiếng ấy sẽ di dời đi nơi khác. Những người công nhân, chủ nhân của khu công nghiệp ấy giờ mất việc hoặc không thể theo nhà máy đi xa Hà Nội, đành lui về chạy xe ôm, mở quán trà đá, bia hơi, số đề…

Cuộc sống luôn đổi thay, cơ mà lòng người có lẽ hay hoài niệm nên chi bỗng dưng nhớ chuyện cũ mà bâng khuâng…

Tôi, cũng như vạn người qua phố, bỗng dưng nhớ cái mùi hương mỗi sớm mỗi chiều phải ngửi. Chỉ một thời gian nữa thôi, tất cả những gì thân thuộc nơi này sẽ thành quá vãng. Và nỗi nhớ Cao - Xà - Lá bắt đầu manh nha trong nhiều người.

Là người hay hoài cổ, tôi chỉ có một đề xuất nhỏ: Hãy giữ lại những cái ống khói như là biểu tương một thời về khu công nghiệp. Hãy xem chúng như những di tích… Tôi tin những cái ống khói ấy sẽ tô điểm cho không gian của khu đô thị văn phòng. Và trên hết giữ lại dấu tích của một thời vàng son lịch sử…

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm