Chuyện Hà Nội: Không gian thiêng và nhạy cảm cần được bảo vệ

28/09/2015 05:59 GMT+7

(lienminhbng.org) - 1. Tin tòa nhà 17 tầng hoành tráng hoàn thành rao bán nhà ở văn phòng tại số 8B Lê Trực, Hà Nội bỗng dưng làm ầm ĩ dư luận mấy hôm nay, đến nỗi Thủ tướng phải vào cuộc chỉ đạo kiểm tra...

Thiên hạ đang chờ xem cách kiểm tra giải quyết việc này thế nào. Làm sao mà một công trình hoành tráng như vậy được xây dựng ngon lành trong khu vực nhạy cảm hạn chế độ cao mà các bản quy hoạch của thành phố công bố.

Bao nhiêu chữ ký của những ai lên hồ sơ dự án cần phải làm rõ và nếu sai thì phải xử lý theo đúng quy định. Phá vỡ không gian bảo tồn là cái cách làm ăn bất chấp luật lệ. Khu vực Ba Đình là không gian nhạy cảm, hiểu theo nhiều nghĩa. Có thể là về an ninh, quốc phòng, hay về không gian lịch sử và văn hóa…


 Nhiều ý kiến cho rằng tòa nhà Discovery Complex II quá cao, nằm quá gần khu vực Lăng Bác và các công trình quan trọng của quốc gia

Quyết định số 2411/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt, với mục tiêu hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan toàn Khu trung tâm chính trị Ba Đình là: “Quy mô lập quy hoạch điều chỉnh mở rộng Khu trung tâm chính trị Ba Đình là 134,5ha; được giới hạn bởi phía Bắc là phố Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên, Hồ Tây, đường Hoàng Hoa Thám; phía Nam là đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Sơn Tây; phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương; phía Tây là đường Ngọc Hà…”.

Theo quy hoạch này thì phố Lê Trực nằm trong phạm vi điều chỉnh quy hoạch khu Ba Đình. Chưa nói là độ cao tòa nhà đã phá vỡ không gian khu vực làm loãng điểm nhấn quan trọng nhất là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và hội trường Ba Đình.

Điều đáng tiếc đó đã xảy ra và nếu không xử lý nghiêm, sẽ tạo tiền lệ trong phá vỡ quy hoạch không gian của thành phố. Có thể phải phá đi một phần cao ốc lớn như thế nhưng sẽ giữ được kỷ cương phép nước lâu dài, bởi không gian văn hóa và khu vực nhạy cảm thì không tái tạo được nếu bị phá vỡ…

2. Hà Nội từng kiên quyết với nhiều công trình hoành tráng khác, như Hàm Cá Mập, khách sạn Hà Nội Vàng bên Hồ Hoàn Kiếm. Hà Nội cũng đã “nói không” với Tòa nhà Trung tâm thương mại Tài chính Điện lực ở phía Đông Bắc Hồ Gươm. Tiếc là không gian thiêng quanh hồ Gươm vẫn có những cao ốc chọc trời, gây cảm giác rất khó chịu khi ngắm Hồ Gươm từ nhiều phía.

Không gian hồ Trúc Bạch cạnh khu phố cổ Hà Nội lẽ ra phải hạn chế chiều cao xây dựng, thì lại để lọt những cao ốc nguy nga ở đó như khách sạn Sofitel Plaza, tòa nhà Skyline Tower rất chướng mắt, làm tổn thương không gian bảo tồn khu vực cảnh quan Hà Nội cổ.

Biết rằng phát triển là cần thiết, nhưng bảo tồn những không gian nhạy cảm, những khu vực nhạy cảm là quan trọng và phải được luật hóa để chủ trương bảo tồn mang tính vĩnh cửu. Không nên có tư duy hễ đất vàng thì tìm mọi cách khai thác bất chấp lợi ích quốc gia. Hà Nội bây giờ đất đai mênh mông, dài rộng thế, thì cớ gì phải “cấy” những cao ốc vào nơi phải bảo tồn?

Điều bức xúc với dư luận là chưa thấy chỉ mặt gọi tên người liên quan trong bộ máy quản lý - những người ký hồ sơ dự án xây dựng. Cả trong kiểm tra xử lý vi phạm, chưa có mấy ai bị xử lý khi để sai phạm thành hệ thống…

Thật tiếc cho những không gian đẹp của thành phố đang bị phá vỡ từng ngày. Hãy giữ lại những không gian thiêng, như vậy Hà Nội sẽ cổ kính hơn,  thân thiện và đáng yêu hơn.

Nhiều thành phố hiện đại ở Âu - Mỹ, không gian bảo tồn riêng với không gian phát triển đô thị hiện đại. Ta tại sao lại cứ dùng dằng như vậy?

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm