Chuyện Hà Nội: Rất cần bảo tồn nhà 65 phố Nguyễn Thái Học

18/05/2015 06:46 GMT+7

(lienminhbng.org) - Bao giờ cũng vậy, mỗi lần qua phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, tôi thường bắt mặt về phía ngôi biệt thự có cây phi lao cổ thụ ở trước cổng. Đó là ngôi nhà số 65A - nơi từng sinh sống của những tên tuổi lớn của nghệ thuật: Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, nhà danh họa chuyên vẽ lụa, họa sĩ Trần Đông Lương, họa sĩ Mai Văn Hiến, họa sĩ Dương Bích Liên, họa sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và nghe nói có thời họa sĩ Diệp Minh Châu cũng từng ở đây… Rồi nhạc sĩ Đỗ Nhuận, người rất nổi tiếng với hàng loạt bài hát. nhà văn Nguyễn ĐìnhThi, nhà văn Vũ Tú Nam.

1. Tòa biệt thự cổ ấy nguyên là của nhà thầu lớn ở Hà Nội - cụ Cự Lĩnh thời trước. Hòa bình từ Việt Bắc về, nơi đây là trụ sở Hội Mỹ thuật VN. Sau đó rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã được bố trí ở tại đây. Đây cũng là nơi lui tới của nhiều tên tuổi nổi danh: Nguyễn Tuân, Trần Dần, Văn Cao, Bùi Xuân Phái…

Thời gian trôi qua, phần lớn những nghệ sĩ tên tuổi lớn ấy đã về cõi vĩnh hằng. Bây giờ chỉ còn một vài người là hậu duệ của các nghệ sĩ còn ở đây. Trong đó, có vợ chồng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - con trai cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Ngôi nhà ấy nổi tiếng bởi những con người nổi tiếng từng sống ở đó, với những tính cách khác nhau, tài năng khác nhau trong thế kỷ 20. Rất nhiều những kiệt tác nghệ thuật đã ra đời tại ngôi nhà ấy. Phải nói rằng thế kỷ 20 tại ngôi nhà này đã ghi dấu ra hàng chục tên tuổi lớn ở các lĩnh vực như âm nhạc, hội họa, văn chương…


Ngôi nhà số 65 Nguyễn Thái Học (Hà Nội)

2. Bây giờ, những người hoài cổ đến đây ai cũng đều ngước lên căn gác ngôi nhà để thầm tưởng niệm những danh nhân nghệ thuật. Và thật buồn khi mặt tiền toàn bộ ngôi nhà đã bị dùng làm dịch vụ kinh doanh. Đó là những ki-ốt gội đầu, bán máy khâu, sửa xe máy, đóng khung tranh… phá vỡ khung cảnh và không gian mặt tiền. Chưa kể những căn hộ cơi nới đua ra những  chuồng chim chót vót trên tầng 2, tầng 3.

Bây giờ, mới nói đến chuyện nhà lưu niệm danh nhân là đã muộn. Đáng lý chúng ta phải làm ngay từ khi các nghệ sĩ lớn còn tại thế hoặc vừa qua đời.

Ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học vẫn còn đấy, nhưng nó cần tôn tạo không gian cũ, lập phòng trưng bày tranh tượng các danh họa, để đưa nó trở thành một địa chỉ tham quan du lịch. Thà muộn còn hơn là không làm gì. Chỉ sợ thời gian làm phôi phai đi nhiều câu chuyện và tư liệu, cũng như các tác phẩm nghệ thuật của những danh họa từng ở nơi này.  

Bạn tôi, một kiến trúc sư kể, mỗii khi ra nước ngoài anh có cái thú thường ghé thăm các nhà lưu niệm của danh nhân, ví như các họa sĩ bậc thầy, các nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ nổi tiếng mà mình mến mộ. Đôi khi ở đó cả buổi để đắm mình vào không gian nghệ thuật và để thưởng thức các tác phẩm trưng bày tại đó.

Hà Nội nghìn năm văn hiến, là nơi quy tụ tài hoa đất nước, tại sao không lập các nhà lưu niệm danh nhân nghệ thuật để quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam? Đó cũng là một cách làm du lịch, làm kinh tế và… làm sang trọng hơn cho văn hiến Thăng Long. Và trên tất cả, là thái độ trân trọng lịch sử, một nét truyền thống trong văn hóa Việt.

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm