Chuyện lạ mà… không lạ

28/03/2019 07:04 GMT+7

(lienminhbng.org) - Đạp xe 100 km, và có thể nhiều hơn. Câu chuyện ấy rất bình thường, với những người từng sống qua những năm vất vả của thế kỷ trước - hoặc với những phượt thủ ham rèn luyện sức khỏe bây giờ.

Vòng xe đạp, vòng thời gian

Vòng xe đạp, vòng thời gian

Cách đây cũng chưa lâu, phương tiện đi lại của người dân chủ yếu là xe đạp. Cây xăng gần như không có trong thành phố, người ta cũng không phải đau đầu vì khói bụi và tiếng còi xe.

Nhưng, chuyện không còn bình thường nữa, khi đó là hành trình bộc phát của một cậu bé 13 tuổi, từ vùng núi Sơn La về Hà Nội. Không thức ăn, không chuẩn bị, và không có cả… phanh xe đạp, bởi nó đã đứt từ lâu.

Cậu bé ấy tên là Vi Quyết Chiến. Và hành trình của Chiến được bắt đầu từ trưa 25/3, khi nghe tin em trai vừa vào viện Nhi (Hà Nội) vì ốm nặng. Được hơn 100 km (tới Hòa Bình), người đi đường đưa em lên ô tô để hoàn thành nốt chặng đường.

Như lời kể từ người đi đường và các bác sĩ viện Nhi, Chiến hoàn toàn không biết đường nên vừa đi vừa hỏi. Tới Hòa Bình trong trạng thái gần như ngất vì kiệt sức, đôi dép của em cũng thủng lỗ chỗ bởi nó được dùng làm má phanh trên đường.

Chú thích ảnh
Em Chiến trên chiếc xe đạp gắn liền với hành trình hơn 100 cây số ra Hà Nội gặp bố mẹ và em trai. Ảnh: Mai Thương/Báo Tuổi trẻ

Bây giờ, sau khi gặp mẹ và em, Chiến đã quay về Sơn La bằng ô tô, với một đôi dép mới. Vé xe, dép, và cả một chiếc xe đạp mới cho Chiến, là quà tặng của những người hảo tâm. Chưa hết, khi câu chuyện này đang lan tỏa trên mặt báo, hàng chục độc giả vẫn tới tấp hỏi xin địa chỉ Chiến, để tìm cách hỗ trợ gia đình em thêm nữa.

Nghĩa là, câu chuyện lạ ấy có một cái kết rất đẹp. Nó khiến chúng ta nghĩ tới khá nhiều những câu chuyện, hoặc bộ phim, có nội dung tương tự: một em bé gặp nạn, bước vào hành trình vô định để tìm kiếm người thân - để rồi thật sự làm được điều không tưởng. Tất nhiên, câu chuyện hoặc bộ phim ấy không thể bỏ qua lòng tốt và sự nhân ái của những người mà em gặp trên đường.

Chẳng cần nói đâu xa, phim Em bé Hà Nội là ví dụ rõ nhất.

***

Người viết không muốn dùng từ “dũng cảm” để nói về Chiến. Thật lòng, sự dũng cảm ấy gắn với cơn bộc phát của một cậu bé, trong giây phút mà người lớn cũng không kịp để tâm giám sát. (Rất may, mọi thứ đã được khắc phục – và hoàn thiện nốt – bởi cộng đồng). Điều khiến câu chuyện trở nên xúc động, và lan tỏa nhanh như thế, nằm ở khía cạnh về tình người.

Tình thương với em trai khiến Chiến bước vào một cuộc hành trình mà bất cứ người lớn nào cũng giật mình khi nghe tới. Đó là thứ tình cảm cơ bản và bình thường nhất của con người. Nhưng có lẽ, giữa cuộc sống hiện đại đang quá nhiều vấn đề, chúng ta biết – nhưng lại ít quan tâm tới điều đó.

Để rồi, khi được hiện hình dưới một câu chuyện cụ thể, trong một cậu bé cụ thể, tình thương với em trai của Chiến đã lan tỏa rất nhanh, suốt dọc hành trình của em. Nó lần lượt gợi mở và dẫn dắt cho những điều tốt đẹp khác về tình người, từ những người đi đường ở Hòa Bình, các bác sĩ tại viện Nhi, cho tới những nhà hảo tâm và tất cả các bậc phụ huynh khi biết chuyện.

Bởi, từ trong vô thức, bản chất của người Việt chúng ta vẫn là sự nhân ái và sẵn sàng sẻ chia. Sự nhân ái ấy tiềm ẩn ấy không mâu thuẫn gì với xu hướng phản biện đang bắt đầu hình thành như một thói quen thường trực ở mỗi người, trước mọi vấn đề của xã hội.

Chuyện của Chiến có thể gọi là lạ. Nhưng tôi tin, ở một bối cảnh khác, với những diễn biến khác, tình thương yêu của những em bé như thế cũng không quá khó để lan tỏa tới cộng đồng.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm