Quan điểm của tôi: Khi Wenger cầu xin một niềm tin

20/08/2016 20:13 GMT+7

(lienminhbng.org) - “In Arsene We Trust” (Chúng ta tin vào Arsene), biểu ngữ ấy đã vắng trên khán đài Emirates lâu rồi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Wenger không còn là một điểm tựa vững chắc cho những CĐV Arsenal nữa.

1. Không có đội bóng nào bất bại tuyệt đối. Càng không có đội bóng nào mỗi năm đều có một danh hiệu cỡ VĐQG hoặc Champions League. Là một đội bóng lớn đến mấy đi nữa cũng sẽ phải trải qua một mùa giải nào đó trắng tay.

Man United đã từng; Chelsea đã từng. Nhưng CĐV của hai đội bóng đó, trong giai đoạn trắng tay, không hề mất niềm tin vào Ferguson hay Mourinho. Còn ở Arsenal, thời gian đầu tiên cũng vậy thôi, CĐV còn nhìn vào Wenger như niềm tin có cơ sở cho việc Arsenal sẽ quay lại chinh phục. Song, khi thất bại đã trở thành mãn tính, họ nghi ngờ khả năng của HLV và chừng nào Wenger còn tại vị, CĐV còn cảm thấy âu lo, nghi ngại đến mức hoang mang.

2. “Trust me to sign a new center back” (Hãy tin, tôi sẽ mua một trung vệ mới) là những gì Arsene Wenger đã phải nói ra trước làn sóng chỉ trích của người hâm mộ ngay trước trận gặp Leicester. Nỗi nghi ngại về một trận tan nát nữa, như trận tan nát trước Liverpool, ngày càng lớn hơn sau khi có thông tin vụ mua Mustafi đang lâm vào ngõ cụt, chỉ vì một lý do giản đơn, cũ rích: Phí chuyển nhượng.

Wenger thừa nhận rằng “đời tôi thực hiện khoảng 400 lần mua cầu thủ. Cũng đôi lần tôi nhận định và mua người sai nhưng sai lầm là điều không thể tránh khỏi”, một thừa nhận yếu ớt. Không ai chỉ trích một HLV khi ông ta mua lầm một cầu thủ nào cả, vì ai cũng hiểu, luôn có rủi ro trong chuyển nhượng. Nhưng người ta sẽ chỉ trích nếu HLV không tăng cường cho vị trí còn thiếu, còn yếu, đặc biệt là khi việc không tăng cường ấy đã thành thói quen.

Tin Wenger ư? Cũng tin được thôi vì giờ này ông mà không lo đến chuyện sắm một trung vệ thì đúng là bó tay. Nhưng nếu ông mua được 1 trung vệ giỏi đi nữa, người ta có thể tin tưởng vào ông nữa hay không? Khó đấy. Arsenal không chỉ cần thêm một trung vệ giỏi. Họ cần cả một cầu thủ tấn công xuất sắc nữa.

Nếu đêm nay, Vardy hay Mahrez xé lưới Cech, nỗi nuối tiếc còn lớn hơn trong lòng CĐV Arsenal, và nếu Wenger có mua được 1 trung vệ giỏi ngay sau đó, những CĐV cũng chẳng buồn quan tâm nữa.

3. Wenger than phiền về giá cầu thủ lên cao quá mức, và ông phóng đại rằng “Premier League đang mua cầu thủ gấp 10 lần giá châu Âu vẫn mua”. Đúng là một trung vệ như Koulibaly mà ở mức 60 triệu bảng Anh thì… hoang đường quá nhưng chi ra khoảng 70 triệu bảng Anh để có cả Lacazette lẫn Umtiti thì không hoang phí chút nào (Umtiti sang Barca với giá khoảng 22 triệu bảng Anh).

Đắt nhưng nó có lý do của nó. Đơn giản, cầu thủ đắt giá vì họ có chất lượng được đánh giá chung là tốt. Hơn thế nữa, cầu thủ đắt mang lại niềm tin không chỉ cho người hâm mộ, mà còn cho cả phần còn lại của đội bóng, một niềm tin rằng CLB thực sự có khát vọng chinh phục.

“Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần” là câu châm ngôn rất phù hợp hoàn cảnh này của Arsenal. Người ta có sẵn sàng bán thiếu nợ cho một người ăn mặc lôi thôi, đi xe ôm đến ký hợp đồng hay không? Không bao giờ. Nhưng người ta có thể làm điều đó với một đối tác đi Cadillac, có máy bay riêng, đeo nhẫn triệu đô, dùng đồ da hàng hiệu của Hermes. Cả tập thể, cả CĐV và cả đối thủ sẽ không bao giờ tin rằng Arsenal là đội mạnh nếu như họ cứ mua những hàng giá rẻ kiểu Holding hay một cầu thủ trẻ nào đó từ Ligue 2 cả. Đó cũng là lý do, các đội nhỏ xưa gặp Arsenal sợ như sợ cọp giờ càng đá với Pháo thủ họ lại càng nhờn, thậm chí bỉ mặt pháo thủ ngay tại Emirates cũng là chuyện quá bình thường.

Thử hỏi, trong hoàn cảnh đó, Wenger cầu xin niềm tin còn có ích?

Tốt nhất, ông hãy chơi một canh bạc cuối, bỏ trận Leicester City đấy cho trợ lý, bay sang Pháp, sang TBN và mang về hai hợp đồng lớn. Cú sốc ấy có khi lại hiệu lực không chừng...

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm