Nhiều nhà báo liệt sĩ vẫn nằm lại nơi chiến trường

20/07/2017 19:21 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Trong các cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta hơn 70 năm qua, hàng loạt nhà báo đã ra trận trong tư thế người lính thực thụ tại chiến trường. Nhiều người trong số họ đã hy sinh anh dũng, nhiều người trở về với thương tật suốt đời, có người còn nằm lại trên những vùng đất chiến trường.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, ngày 20/7, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm “Tri ân Nhà báo – Liệt sỹ”.

Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Quốc hội, cùng nhiều thân nhân, gia đình Nhà báo -Liệt sỹ, các Nhà báo -Thương binh.

Tại cuộc tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết: Trong các cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta hơn 70 năm qua, hàng loạt nhà báo đã ra trận trong tư thế người lính thực thụ tại chiến trường. Nhiều người trong số họ đã hy sinh anh dũng, nhiều người trở về cuộc sống đời thường với thương tật suốt đời.

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc TTXVN cùng các đại biểu thắp hương tưởng niệm các anh hùng nhà báo- liệt sĩ của TTXVN. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Cuộc tọa đàm thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân của giới báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đối với các Nhà báo - Liệt sỹ, Thương binh; góp phần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao hơn nữa nhận thức cho các nhà báo, nhất là nhà báo trẻ về những tấm gương hy sinh, đóng góp vô giá của các nhà báo- liệt sỹ, thương binh đối với báo chí cách mạng Việt Nam, đối với đất nước, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.

Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn qua cuộc tọa đàm này được nghe nhiều đề xuất, sáng kiến thực tế trong việc chăm lo đối với thân nhân của các Nhà báo -Liệt sỹ, Nhà báo-Thương binh; các hình thức tôn vinh các Nhà báo- Liệt sỹ, Nhà báo- Thương binh.

Các đại biểu thảo luận, đề xuất giải pháp tiếp tục tôn vinh công lao của Nhà báo- Liệt sỹ; duy trì hoạt động đền ơn đáp nghĩa của Hội Nhà báo Việt Nam đối với các Nhà báo – Liệt sỹ, Nhà báo -Thương binh trong thời gian tới.

Nhà báo Nguyễn Hiền, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục tổ chức cuộc vận động sáng tác về những tấm gương Nhà báo – Liệt sỹ hy sinh tại chiến trường; thành lập quỹ hỗ trợ thân nhân gia đình Nhà báo - Liệt sỹ, Thương binh; xây dựng tượng đài Nhà báo - Liệt sỹ.

Phó Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Thông tấn xã Việt Nam Ngô Thị Kim Oanh cho biết, Thông tấn xã Việt Nam có 263 Nhà báo - Liệt sỹ, hơn 30 thương binh và nhiều cán bộ bị nhiễm chất độc da cam. Các Nhà báo – Liệt sỹ, Nhà báo - Thương binh đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Thông tấn xã Việt Nam cũng như nền báo chí cách mạng của nước ta, góp phần không nhỏ giúp Thông tấn xã Việt Nam vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Những năm qua, Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tri ân, vinh danh các Nhà báo - Liệt sỹ, Nhà báo - Thương binh và quan tâm, chăm sóc thân nhân gia đình họ.

Tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải phóng

Tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải phóng

Tại khu rừng Bắc Tây Ninh, về những năm tháng khó khăn, gian khổ, bị địch đánh bom, càn quét nhưng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng vẫn kiên trì bám trụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đặc biệt, hàng năm, cán bộ, công nhân viên chức của Thông tấn xã Việt Nam đã tình nguyện đóng góp một ngày lương để tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình Nhà báo - Liệt sỹ, Thương binh. Đến nay, hơn 600 cuốn sổ tiết kiệm tình nghĩa đã được trao tặng với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn mà Thông tấn xã Việt Nam gặp phải hiện nay là công tác tìm kiếm, quy tập mộ phần của các Nhà báo - Liệt sỹ. Đơn vị đã có sáng kiến phối hợp với các Đội quy tập mộ liệt sỹ tỉnh, thành phố cung cấp thông tin, sơ đồ mộ chí của các Nhà báo -Liệt sỹ.

Để đáp ứng tâm nguyện của các gia đình thương binh, liệt sỹ, Phó Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Ngô Thị Kim Oanh đề xuất Hội Nhà báo Việt Nam có chủ trương thu thập thông tin về tìm kiếm, quy tập mộ Nhà báo - Liệt sỹ bằng các kênh của mình hay qua các hội viên, chi hội Nhà báo các tỉnh, thành phố.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có gần 600 Nhà báo đã hy sinh trên các chiến trường. Nhiều liệt sỹ đã được đón về quê hương yên nghỉ, có người còn nằm lại trên những vùng đất, chiến trường ác liệt ở Bình Trị Thiên, Khu 5, Nam Trung Bộ...

Bằng tất cả tấm lòng với những người đã khuất các cấp, các ngành, các Hội Nhà báo, các cơ quan, đơn vị, gia đình đã tích cực tìm kiếm, tôn vinh Nhà báo - Liệt sỹ, góp phần làm vơi đi nỗi đau, mất mát của gia đình người thân, đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện, hoàn cảnh hy sinh khác nhau, nhiều người vẫn chưa tìm được hài cốt, phần mộ dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Nhiều thân nhân Nhà báo -Liệt sỹ, Thương binh có cuộc sống khó khăn, thậm chí có hoàn cảnh hết sức đặc biệt cần được giúp đỡ, chia sẻ, cảm thông.

Dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam đã thăm hỏi, động viên, tặng quà đại diện một số thân nhân Nhà báo -Liệt sỹ, Nhà báo - Thương binh.

'Hồi hương' bộ ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam 'Requiem'

'Hồi hương' bộ ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam 'Requiem'

Đồng bào trong nước và du khách quốc tế khi đến thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (TP HCM) luôn ấn tượng với bộ ảnh “Requiem” (Hồi niệm) nổi tiếng thế giới.

TTXVN/Mỹ Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm