16/07/2019 06:54 GMT+7
(lienminhbng.org) - Ý tưởng “chống ngập bằng lu” của PGS.TS Phạm Thị Hồng Xuân đang nhận về vô vàn lời đàm tiếu trong những ngày qua.
Cụ thể, trong kì họp Hội đồng nhân dân TP.HCM ngày 12/9, vị PGS này đã đề nghị thành phố nghiên cứu trang bị cho người dân những chiếc lu lớn để... hứng nước trong mỗi trận mưa, từ đó nhằm giảm thiểu nạn ngập úng.
Thẳng thắn, ý tưởng ấy có nhiều điểm thiếu khả thi trong cách thực hiện. Nhưng nó vẫn bắt nguồn từ một nguyên tắc cơ bản: tại đô thị, nước mưa rất cần được tích tụ để bớt tràn ra mặt đường và gây quá tải cho hệ thống thoát nước.
Bởi vậy, khi tranh luận về đề xuất của PGS Xuân, nhiều chuyên gia đã nhắc tới vai trò của những hồ nước trong thành phố. Dù là hồ tự nhiên, nhân tạo hoặc bán nhân tạo, những hồ nước ấy luôn có chức năng điều hòa cho hệ thống thoát nước của thành phố. Theo đó, khi gặp mưa lớn, nước mưa được tạm thời “dồn” vào trữ trong các hồ này - để sau đó dần thoát đi khi tạnh mưa.
Nói cách khác, nếu một thành phố có đủ số hồ nước cần thiết - điều mà TP.HCM đang thiếu - để trở thành những“chiếc lu khổng lồ” trong mùa mưa, chúng ta chẳng cần bàn tới những chiếc lu nhân tạo làm gì.
***
Những gì diễn ra với các hồ nước tại TP.HCM cũng khá gần với thực trạng tại Hà Nội. Dễ hiểu, bởi đó đều là những đô thị lớn với dân số liên tục tăng vọt trong những năm qua. Sức ép dân số, cùng những đòi hỏi tức thời về giao thông và nhà ở, đã ảnh hưởng khá nhiều tới phần diện tích dành cho mặt nước này - khi chúng luôn đứng trước nguy cơ bị thu hẹp.
Thống kê gần nhất vào năm 2016 của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho thấy: chỉ tính riêng phần nội thành, từ năm 2010 đến 2015, có 17 hồ trên địa bàn Hà Nội đã bị san lấp hoàn toàn, trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới. Đến năm 2015, các quận nội thành còn 112 hồ (giảm 10 hồ). Bên cạnh đó, rất nhiều các hồ nước còn lại cũng đang bị thu hẹp diện tích - điển hình là Hồ Tây giờ chỉ có 460 ha so với 500 ha khi trước. Đó là lý do giải thích cho việc toàn Hà Nội gần đây chỉ còn khoảng 1.165 ha mặt nước, so với khoảng 2.100 ha mặt nước trước đây, theo một con số thống kê sơ bộ.
Thực tế, ý thức được vai trò đặc biệt của các hồ nước trong việc điều hòa chống ngập – cũng như đem lại tác động tích cực cho khí hậu và cảnh quan - Hà Nội cũng đã triển khai nạo vét và làm đường kè ở hầu hết các hồ lớn trên thành phố để chấm dứt nạn lấn chiếm lòng hồ. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã có kế hoạch đào bổ sung thêm một số hồ lớn tại nội thành (theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020 tiến hành đào và bổ sung thêm 25 hồ)... Chúng đã, đang và sẽ làm giảm áp lực ngập lụt khi mưa lớn trong thành phố.
Nhưng ai cũng hiểu: Lấp đi những mặt hồ đã có thì luôn đơn giản hơn rất nhiều so với việc đào thêm những hồ mới cho thành phố. Và, khi một số hồ mới chưa hoàn thiện, còn hồ cũ luôn đứng trước khả năng bị thu hẹp, mâu thuẫn ấy tiếp tục khiến cộng đồng... lo ngay ngáy khi mùa mưa đang tới.
Dù sao, sự phát triển của một đô thị vẫn bắt buộc chúng ta phải tìm thêm cho Hà Nội những hồ điều hòa mới, bên cạnh những giải pháp chống ngập đồng bộ - nếu không muốn gặp thêm những khó khăn về câu chuyện này trong tương lai
Đó là bài toán khó nhưng vẫn có thể giải - khi mà theo phân tích của chuyên gia, quỹ đất bên cạnh mặt nước và cây xanh trong đô thị luôn có một giá trị rất cao về kinh tế. Và nếu có một cơ chế đủ phù hợp để các doanh nghiệp hưởng lợi từ việc khai thác quỹ đất quanh các hồ điều hòa, chúng ta vẫn có thể hi vọng vào những mặt hồ mới cho thành phố, bên cạnh phần diện tích mặt nước đang cố gắng bảo tồn.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất