09/11/2017 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Đọc lại cổ tích (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2017) của nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng là một công trình độc đáo. Nó mang đến cho người đọc một góc nhìn mới, một kiến giải khác về những hình tượng đã quá quen thuộc trong truyện cổ như Thánh Gióng, Tấm Cám, Chử Đồng Tử, Man Nương, Bà Đen…
“Từ cổ tích ở tập sách này chỉ chung các truyện tích cổ xưa, bao gồm các thể loại truyện kể dân gian” - Huỳnh Ngọc Trảng định nghĩa. Chính vì vậy, ngoài những truyện cổ tích theo đúng thể loại như Tấm Cám, Chử Đồng Tử, Sự tích cây nêu ngày Tết, Sự tích cây phướn trước chùa, Sự tích sông Nhà Bè…, ông còn viết về truyền thuyết Thánh Gióng, về tín ngưỡng thờ cá voi, thần cây đa, ma cây gạo…
Đọc lại thế nào?
“Nói chung, mỗi một cổ tích từ lâu đã được nhiều người, thuộc nhiều thế hệ, đọc đi đọc lại theo nhiều khảo hướng khác nhau, đưa ra nhiều kiến giải lý thú" – Huỳnh Ngọc Trảng khẳng định – "Tập sách Đọc lại cổ tích là một cách đọc, một cách hiểu theo chủ kiến của một người. Nói cách khác, các vấn đề được đưa ra xem xét, đối chiếu ở đây là… còn phải bàn, và cần phải bàn cãi”.
Hơn nữa, cũng theo tác giả, truyện cổ nói chung là một “thực tại văn hóa, chứ không phải là một thực tại lịch sử, nên các thế hệ kể chuyện sẽ thêm thắt, hoặc gạn bỏ bớt để phù hợp với ngữ cảnh văn hóa của thời đại”. Chính thái độ tiếp cận truyện cổ có gia cố như vậy mà theo năm tháng, đôi khi câu chuyện và ý nghĩa không còn như trước nữa. Huỳnh Ngọc Trảng thử làm cuộc lội ngược dòng về quá khứ của truyện cổ qua các thời kỳ, qua các quan niệm, thậm chí truy nguyên nguồn cội, triết lý gốc của các truyện đó.
Ví dụ truyện Sự tích bánh chưng bánh dày được ghi chép lần đầu trong Lĩnh Nam chích quái hồi thế kỷ 15, thế nhưng khái niệm “trời tròn đất vuông” lại phát xuất từ Trung Quốc từ trước đó rất lâu, trải qua nhiều cọ xát về Nho giáo, Phật giáo và ý thức hệ, đến khi truyện hình thành, được ghi chép thì đã có một hình dáng tương đối khác.
Chi tiết Tiên Dung dẫn Chử Đồng Tử xuống thuyền mở tiệc ăn mừng chẳng hạn. Dựa vào kinh Chuẩn Đề Đà-la-ni, Huỳnh Ngọc Trảng cắt nghĩa cho thấy đây là biểu thị của nghi thức nhập đàn tu tập, chứ không phải một thú vui thường tình, nhằm chọc tức vua cha, chọc tức triều đình. Trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam (tập 1), Lê Mạnh Thát cũng viết: Chử Đồng Tử là người Phật tử Việt Nam đầu tiên.
Hay như chi tiết “dội nước sôi”, “làm mắm” của Tấm trong Tấm Cám, nên hiểu thế nào cho thỏa đáng? Phải chăng người đọc đang dùng chuẩn mực đạo đức - thẩm mỹ của hôm nay để phán xét, mà không lưu tâm đến kiểu truyện nhân quả báo ứng và bối cảnh văn hóa ra đời của nó. Người đọc hôm nay đã quên “mục đích chủ nghĩa” của truyện, nơi mà vì mục đích “khuyến thiện răn ác”, hình phạt cho kẻ ác không chỉ “nhân nào quả nấy”, mà còn “gieo gió gặt bão”. Nghĩa là có xu hướng khuếch đại hình phạt, nơi kẻ ác phải gánh lấy hậu quả nặng nề, bạo liệt hơn gấp bội.
Tại sao phải "cãi lộn với tiền nhân"?
Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng, trước truyện cổ, việc “cãi lộn với tiền nhân” và “cãi lộn với nhau” là điều rất nên làm hiện nay. Vì sao vậy? Có lẽ đây là một cột mốc chứng kiến sự biến mất của văn học truyền miệng, các truyện cổ đã được in thành sách, người đời nay chủ yếu đọc truyện chứ ít nghe kể chuyện. Cho nên việc thêm thắt hoặc gạn bỏ các tình tiết, chi tiết cho truyện sẽ khá hạn chế, trong khi văn hóa thì đang thay đổi nhanh chóng.
“Đi qua mỗi tọa độ địa lý - lịch sử thì văn hóa Việt Nam tổng hợp giữa cái mới và cái cũ, tích hợp giữa nội sinh và ngoại sinh. Các quốc gia trên thế giới đều thế chứ không riêng gì Việt Nam. Không có một cục bản sắc vẫn giữ nguyên vẹn từ xưa đến nay” - Huỳnh Ngọc Trảng tái khẳng định.
Cho nên, dù các tình tiết và tính biểu tượng trong truyện cổ vẫn như cũ, nhưng cứ khư giữ vài cách hiểu, vài cách đọc như cũ thì sẽ dẫn đến tranh cãi. Điển hình, đó là việc dễ biến một hình tượng hiền lành thành độc ác, như trường hợp của cô Tấm trong Tấm Cám
Huỳnh Ngọc Trảng (sinh 1952, Quảng Ngãi) là nhà nghiên cứu văn hóa (đặc biệt về Nam bộ) với nhiều công trình có đóng góp mới mẻ. Ông là tác giả và đồng tác giả của hơn 70 đầu sách, với nhiều cuốn về văn hóa, mỹ thuật và tín ngưỡng Nam bộ rất nổi tiếng. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất