05/03/2018 07:15 GMT+7
(lienminhbng.org) - Câu chuyện thu phí tham quan tại khu di tích Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) tưởng nhỏ, nhưng bỗng nhiên thành… lớn và được dư luận quan tâm đặc biệt.
Như chia sẻ từ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, việc thu phí này từng được thực hiện trong giai đoạn trước 2007 và tạm dừng trong 10 năm qua. Còn ở thời điểm hiện nay, phí được thu trở lại để làm nguồn kinh phí bảo vệ, tôn tạo khu di tích này và bớt đi sự phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.
Do đó, từ Xuân 2018 này, lãnh đạo Quảng Ninh áp dụng mức thu phí đối với du khách tới “danh lam thắng cảnh khu di tích Yên Tử”. Theo đó, khách sẽ phải nộp mức phí 40.000 đồng (20.000 đồng với trẻ em) để có thể bước vào cụm di tích này…
Thẳng thắn, mức phí này là cao, nếu so với rất nhiều khu di tích khác trên toàn quốc. Và ngoài mức phí ấy, để tránh phải đi bộ và leo núi trong một chặng đường quá dài, hầu hết các du khách vẫn phải sử dụng thêm các dịch vụ xe điện và cáp treo (2 tuyến) có giá gần 300.000 đồng.
Bởi thế, một số người đã có cách hiểu sai rằng việc thu phí tham quan này là “phí chồng phí” - dù nếu không sử dụng xe điện và cáp treo, khách hành hương vẫn dùng đến… cặp chân của mình.
Nhưng, vượt khỏi chuyện về mức giá, điều mà nhiều người đang thắc mắc ở Yên Tử nằm ở câu hỏi: tại sao, muốn lên chùa để đến với chốn tâm linh, du khách lại phải mua vé “tham quan”?
Câu hỏi ấy rất khó trả lời, nếu chúng ta không xét đến đặc thù của cụm di tích - danh thắng rộng hơn 9.000 ha này.
Gồm cả chục điểm di tích như chùa Suối Tắm, chùa Giải Oan, am Dược, chùa Hoa Yên, Tháp Tổ, chùa Đồng… toàn bộ các kiến trúc của cụm Yên Tử đều được bao trọn bởi rừng Quốc gia Yên Tử - nơi có hơn 800 loài thực vật và hơn 150 loài thực vật quý hiếm.
Có nghĩa, trên lý thuyết, thành phần đến tham quan Yên Tử rất khác nhau. Có người là Phật tử, đến để đáp ứng nhu cầu tôn giáo. Và cũng có những người chỉ là một công dân bình thường, tới đây để chiêm ngưỡng giá trị Phật giáo, chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh.
Thu phí để duy trì, bảo tồn danh thắng là đúng, theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Nhưng, khi danh thắng hòa lẫn cũng những điểm di tích liên quan tới tín ngưỡng như vậy, ngoài ý muốn, câu chuyện lại trở thành việc thu phí đối với những người có nguyện vọng đến chùa.
Thực tế, quanh cuộc tranh luận về thu phí tham quan Yên Tử, đã có ý kiến rằng Ban tổ chức cần tách bạch được các điểm hành lễ (để không thu phí) và khu vực thắng cảnh (thu phí). Nhưng rõ ràng, điều ấy là bất khả thi.
Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc, nếu các ngôi chùa nằm trong một làng không có thắng cảnh thì câu chuyện trở nên đơn giản. Nhưng thực tế, do đặc điểm lịch sử, rất nhiều ngôi chùa nằm trong thắng cảnh, hoặc thậm chí có thẳng cảnh trước rồi mới xây chùa. Do đó, những trường hợp như đang xảy ra ở khu di tích Yên Tử cần được ứng xử rất tinh tế và thận trọng.
***
Và từ trường hợp Yên Tử, dư luận mới để ý rằng: nhiều ngôi đền, chùa cũng đã thu phí trong thời gian qua, điển hình là chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương hay đền Quan Thánh.
Những di tích ấy là nơi thực hành nghi thức tôn giáo tín ngưỡng, nhưng đồng thời cũng lại là tinh hoa về kiến trúc và nghệ thuật của người Việt. Việc bảo tồn, tôn tạo chúng (và hạ tầng cơ sở xung quanh) là rất cần thiết và tất nhiên, phải sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau - trong đó có cả tiền thu phí.
Nhưng, thực tế, trong lịch sử, hầu hết các kiến trúc như vậy đều được cộng đồng tạo dựng trên mảnh đất của mình, gìn giữ và cung tiến các hiện vật theo thời gian, trong khi người tu hành đóng vai trò đại diện tôn giáo, truyền bá giáo lý, dẫn dắt người dân thụ hưởng các giá trị tâm linh.
Bởi thế, nếu có huy động nguồn lực nào để bảo tồn, chúng ta cũng cần có cách ứng xử tế nhị, để người dân thực sự thấy thoải mái và đồng thuận.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất