25/10/2017 17:44 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - Tròn một thập kỷ tham dự đấu trường V-League, bóng đá xứ Thanh khát khao một lần bước lên ngôi vô địch nhưng giấc mơ đó đã xa dần mà dư luận đang cho rằng họ "tự bắn vào chân mình".
Từ những trận cầu gây bão
Cho tới 3 mùa giải trở lại đây, Thanh Hóa đã trở thành một thế lực lớn của V- League với 2 lần giành HCĐ và liên tục là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch.
Không quá khó để đưa ra những nguyên nhân vì sao đội bóng xứ Thanh chưa một lần lên đỉnh. Sự hụt hơi giai đoạn quyết định kèm những trận cầu “tai tiếng”, những trận đấu mà kết quả của nó luôn bị đặt một dấu hỏi lớn, thậm chí còn bị cho rằng “có mùi”, bán độ…
Còn nhớ ở mùa giải 2011, dưới thời của bầu Đệ, tại vòng đấu thứ 21, Thanh Hóa có trận đấu quan trọng gặp Sông Lam Nghệ An trên sân nhà trong trận cầu được xem là 6 điểm. Bởi ở thời điểm đó, nếu giành chiến thắng, đội bóng của HLV Lê Thụy Hải bấy giờ sẽ vươn lên vị trí thứ 2 và cạnh tranh trực tiếp cơ hội vô địch với chính người láng giềng xứ Nghệ và ĐKVĐ Hà Nội T&T.
Các học trò của HLV Lê Thụy Hải cho tới hết hiệp 1 có lợi thế dẫn trước 2-1, tuy vậy sang hiệp 2, đội chủ nhà bỗng rút một loạt trụ cột trong đó có cả ngoại binh ra sân một cách khó hiểu. Kết quả là SLNA đã lội ngược dòng thắng chung cuộc 3-2. “Màn kịch vụng” đó đã phần nào giúp đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng đăng quang ngôi vô địch mùa giải 2011.
Những mùa giải tiếp theo, Thanh Hóa được đầu tư khá mạnh mẽ về nhân sự từ sự xuất hiện của những cầu thủ ngoại có danh tiếng như Nastja Ceh (từng dự VCK World Cup 2002), rồi Pape Omar, những cầu thủ chất lượng như Sunday Emmanuel, Patiyo, Van Bakel…hay nhiều gương mặt cầu thủ nội có chất lượng.
Kể từ đó, Thanh Hóa đã dần trở thành một trong những đội bóng có sức mạnh hàng đầu của V-League. Tuy vậy, sự đầu tư mạnh mẽ đó là chưa đủ khi đội bóng xứ Thanh nhiều mùa giải liên tiếp lặp đi lặp đi lặp lại tình cảnh lượt đi thăng hoa, dẫn đầu để rồi giai đoạn lượt về hụt hơi, bỏ lỡ cơ hội vô địch. Phần lớn là những lỗi lầm khá ngớ ngẩn, khiến người hâm mộ không khỏi nghi ngờ.
Cho tới trận đấu gặp Quảng Nam ở vòng đấu thứ 20, dù cơ lợi thế sân nhà song thật bất ngờ các cầu thủ FLC Thanh Hóa lại có một trận đấu bạc nhược và tinh thần thi đấu lại yếu một cách bất ngờ mà chính các CĐV cũng còn nhận ra nữa. Trận thua này đã khởi đầu cho chuỗi trận hụt hơi của đội bóng xứ Thanh.
Chưa hết, tới vòng đấu tiếp theo, pha chơi bóng bằng tay quá nghiệp dư và lộ liễu của Đình Đồng trong vòng cấm đã khiến FLC Thanh Hóa đánh rơi chiến thắng trước Hà Nội FC. Và những sai sót khó tin của thủ thành Thanh Thắng và Van Bakel, hai nhân tố được xem là điểm tựa ở hàng của FLC Thanh Hóa như giọt nước làm tràn ly.
Còn đâu chất Thanh?
Dẫu biết, tham gia sân chơi bóng đá chuyên nghiệp là phải đầu tư, tăng cường lực lượng mới có thành tích. Chính vì vậy, nếu có muốn giữ chất Thanh cũng khó. Kể từ khi tiếp quản đội bóng Thanh Hóa, không thể phủ nhận công sức đầu tư của FLC, đặc biệt là mùa giải 2017. Đội bóng xứ Thanh không chỉ được đầu tư dồi dào về lực lượng cầu thủ mà còn được dẫn dắt bởi một nhà cầm quân có đẳng cấp, lão luyện như Petrovic. Thành tích của FLC Thanh Hóa mùa này có công rất lớn của nhà cầm quân lão làng người Serbia.
Chất Thanh phai nhạt dần cho dù vài mùa trở lại đây, FLC Thanh Hóa đã nỗ lực kêu gọi những cầu thù gốc Thanh Hóa trở về thi đấu cho đội nhà, kết quả là lần lượt Đình Tùng, Văn Thắng, Tăng Tuấn là những cái tên đã trở về quê hương. Trong bối cảnh nhiều trụ cột thi đấu thất thường, mắc sai lầm thì những cầu thủ gốc Thanh vẫn thể hiện được khí chất của mình. Văn Thắng là minh chứng rõ nhất.
Kể từ khi trở lại với FLC Thanh Hóa từ giai đoạn lượt về, cầu thủ này luôn chơi lăn xả, hết mình đến những giây phút cuối cùng. Những bàn thắng trong các trận đấu với Quảng Nam, Hà Nội và đặc biệt là cú đúp trong trận đấu với Than Quảng Ninh chính là điểm chói sáng nhất của FLC Thanh Hóa. Văn Thắng vẫn thể hiện đúng với bản sắc của cầu thủ xứ Thanh.
Một cầu thủ khác đó là Pape Omar, dù là một ngoại binh song cầu thủ người Senegal này đã gắn bó quá lâu với xứ Thanh và anh cũng chính là người chơi nỗ lực rất đáng khen trong những trận đấu vừa qua. Anh vẫn là người đội trưởng, là đầu tàu quan trọng của FLC Thanh Hóa trong bối cảnh những Uche, Đình Tùng dần trở thành cái bóng của chính mình và để lại nhiều thất vọng cho BHL, các CĐV. Những nhân tố xứ Thanh khác như Thế Dương, Hữu Dũng, Quốc Phương vẫn giữ được cho mình khí chất song lại bộc lộ nhiều hạn chế về chuyên môn.
Những sai lầm ở hàng thủđã khiến CĐV là những người cảm thấy thất vọng nhất. Anh Lê Duy Dũng, một thành viên cốt cán của Hội CĐV bóng đá Thanh Hóa tại miền Nam đã chia sẻ: “Có yêu họ (CĐV) mới chửi. Còn chửi là họ còn yêu còn đến sân. Đừng để đến lúc đá thế nào cũng kệ không còn quan tâm nữa.
FLC tiếp quản đã làm nhiều cho bóng đá Thanh Hóa nhưng không hiểu căn bệnh đá hoành tráng lượt đi rồi hụt hơi lượt về. Đây có phải là căn bệnh kinh niên của Thanh Hóa trong 10 năm chơi bóng đá chuyên nghiệp hay không? CĐV cần một lời giải thích chứ không phải phải hết năm này đến năm khác chịu cảnh ấm ức như vậy”. Nhiều CĐV khác còn khẳng định, họ đã chán cái cảnh như vậy.
Không khí nặng nề đang diễn ra ở FLC Thanh Hóa, ở xứ Thanh, lãnh đạo đội bóng vẫn khẳng đinh, toàn đội phải bỏ lại sau những kết quả thất vọng trên để tập trung cao độ cho 4 trận đấu còn lại, đồng thời khẳng định, mùa giải này đã đầu tư đáng kể như vậy không phải để cuối mùa lại... sợ vô địch!? không muốn vô địch như nhiều thông tin đồn đoán. Người hâm mộ sẽ tiếp tục phải chờ đợi ở những trận đấu tới.
Khánh Hưng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất