Chuyện "tiền chu cấp" của sinh viên: 2 triệu than khổ nhưng "tháng được cho nhiều chẳng hiểu sao còn nhanh hết hơn tháng ít"

16/05/2023 22:06 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Cuộc sống sinh viên với nhiều thứ cần phải chi trả, từ tiền trọ, tiền ăn, tiền đi lại cho đến tiền học. Mặc dù không ít sinh viên đã có ý thức đi làm thêm từ sớm để "gánh" bớt phần nào chi phí sinh hoạt hàng ngày cho bố mẹ, nhưng ở một khía cạnh nào đó, không ít bạn vẫn còn phụ thuộc vào tiền chu cấp của gia đình. Mỗi người sẽ có những nhu cầu chi tiết khác nhau, tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện chủ đề: "Sinh viên tiêu 2 triệu/tháng liệu có đủ hay không?" đã nhận được sự quan tâm đông đảo của các bạn trẻ. Trước câu hỏi mở này, đã có vô vàn ý kiến bàn luận xoay quanh.

Phân nửa cho rằng vì còn đi học nên sinh viên không cần tiêu quá nhiều tiền, một khoản tiền như thế là đủ. Ngay kể cả khi 2 triệu/tháng không đủ đi chăng nữa, các bạn sinh viên cũng phải tiết kiệm sao cho khéo léo. Nhưng cũng có không ít người lại cảm thấy khó có thể sống được với số tiền như vậy một tháng, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Tiền càng nhiều thì lại càng ít!

Trước vấn đề này, Ánh Tuyết (sinh viên ngành kế toán tại một trường Hà Nội) làm một phép tính nhỏ. Với 2 triệu đồng/tháng được chu cấp, chia trung bình dàn đều ra cả tháng thì mỗi ngày các bạn chỉ được phép tiêu trong vòng 66 nghìn đồng.

Làm rõ hơn, trong trường hợp không tự nấu ăn như Tuyết, thì cô bạn ngày nào cũng phải ăn cơm sinh viên. Một suất cơm "bèo" nhất ở thời điểm hiện tại là 30 nghìn đồng, tính riêng tiền ăn không thôi một tháng đã hết "sương sương" 1,8 triệu rồi.

Là con gái chẳng nhẽ không mua đồ skincare, không đồ trang điểm, không váy vóc áo quần... Đó còn chưa kể đến việc, sống ở Hà Nội các bạn phải tự lo liệu mọi thứ, số tiền 200 nghìn đồng dư ra để "phòng thân" trong trường hợp khẩn cấp là không thể đủ.

"Với số tiền ấy mình không dám đi chơi đâu luôn, vì với thời kỳ vật giá leo thang như hiện nay, chỉ cần bước chân ra đường là tốn tiền rồi. Nếu chỉ có 2 triệu đồng/tháng chắc cuộc sống sinh viên của mình sẽ là hai đường thẳng là từ trường về nhà và từ nhà ra quán ăn thôi", cô bày tỏ.

Tương tự, Giang Ngọc Anh (sinh viên năm 2, Đại học Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ: "Mình thấy 2 triệu một tháng là không đủ với mức sống ở các thành phố lớn như Hà Nội. Ngay kể cả bản thân mình đây một tháng cũng phải tiêu hết 5 - 10 triệu đồng/tháng".

Tranh cãi trước vấn đề sinh viên tiêu 2 triệu/tháng liệu có đủ: Người cho rằng quá ít, người lại thấy bình thường bởi đó là nhu cầu của mỗi người! - Ảnh 1.

Ngọc Anh nhận thấy 2 triệu một tháng là không đủ với mức sống ở các thành phố lớn như Hà Nội

Tuy nhiên, Ngọc Anh nhấn mạnh rằng mức chi tiêu sinh hoạt của mỗi người là khác nhau. Bạn nào biết cách thu chi hợp lý thì rất dễ sống, còn không sẽ buộc phải tìm cách khác để tự đáp ứng nhu cầu của bản thân. Trong trường hợp của mình, bên cạnh nhận tiền "tiếp tế" của bố mẹ hàng tháng, cô bạn còn làm thêm ngoài giờ học. Chính điều đó khiến Ngọc Anh thoải mái hơn phần nào trong việc tiêu xài.

Hoàng Chi (sinh viên năm 1, Học viện Tài chính) khẳng định nếu 2 triệu/tháng chỉ để tiêu vặt không thôi thì khả năng sẽ đủ, nhưng vẫn với số tiền đấy mà "gánh" cho cả tiền nhà, tiền điện nước, tiền mạng... hàng tháng thì hơi khó khăn.

Mỗi tháng bố mẹ Chi chu cấp cho cô bạn khoảng 2,5 - 3 triệu đồng chỉ để tiêu vặt, không kể tiền ăn uống bởi đồ ăn Chi tự nấu, còn thực phẩm tươi sống cô được bố mẹ "tiếp tế" từ quê lên Hà Nội hàng tháng. Ấy thế mà còn vẫn... không đủ. Để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của mình, Chi quyết định đi làm thêm. Tính tổng tất cả lại, hàng tháng nữ sinh sẽ tiêu khoảng 4 triệu đồng.

Đồng quan điểm, Hùng Hoàng (sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nói: "Tiền chi tiêu một tháng của sinh viên bao nhiêu thì cũng ít. Trung bình mình được bố mẹ chu cấp cho hơn 3 triệu/tháng. Có tháng dư dả được 5-6 triệu nhưng chẳng hiểu sao tiêu còn nhanh hết hơn cả khi có 3 triệu".

Tranh cãi trước vấn đề sinh viên tiêu 2 triệu/tháng liệu có đủ: Người cho rằng quá ít, người lại thấy bình thường bởi đó là nhu cầu của mỗi người! - Ảnh 2.

Hùng Hoàng cho rằng, tiền chi tiêu một tháng của sinh viên bao nhiêu thì cũng ít

Chia sẻ về nguyên nhân, nam sinh cho hay các bạn sinh viên khi bắt đầu một cuộc sống tự do thì thường không biết cách chi tiêu, thường "vung tay quá trán" với những món đồ không cần thiết. Cứ thế, đến cuối tháng hết tiền rồi mới thấm cảnh ăn mỳ tôm sống qua ngày, hay ngủ quá giờ trưa để quên đi cơn đói.

Ngoài ra, vật giá leo thang cũng là một trong những lý do khiến chi phí chi tiêu tăng cao. Trung bình một mớ rau mồng tơi Hùng Hoàng mua ở quê với giá 5-10 nghìn đồng, nhưng khi xuống Hà Nội đã có lúc nam sinh phải bỏ ra 25 nghìn đồng để mua một bó rau tương tự.

Đủ hay không phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng chi tiêu của mỗi người!

Song song với đó, không ít người cho rằng, nếu không tự kiếm ra tiền thì bố mẹ cho bao nhiêu thì phải tự biết cân đối bấy nhiêu. Ngay kể cả khi "không thể" thì cũng phải cố mà biến thành "có thể".

Nguyễn Ngọc Ánh (sinh viên năm 2, Đại học Tài nguyên và Môi trường) bày tỏ, chi tiêu hàng tháng của sinh viên là một vấn đề rất khó nói, nó phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của mỗi người. 

Tranh cãi trước vấn đề sinh viên tiêu 2 triệu/tháng liệu có đủ: Người cho rằng quá ít, người lại thấy bình thường bởi đó là nhu cầu của mỗi người! - Ảnh 3.

Ngọc Ánh bày tỏ chi tiêu hàng tháng phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của mỗi người

Đồng quan điểm với Ngọc Ánh, Hoàng Nam Khánh (sinh viên một trường đại học tại Hà Nội), nhấn mạnh tiêu 2 triệu/tháng đủ hay không phụ thuộc vào khả năng chi tiêu của mỗi người. Nếu chỉ có ngần ấy thì cố gắng tiết kiệm, ít đi chơi lại, ít tụ tập bạn bè lại để mà chi tiêu sao cho đủ với ngân sách mình có. Chứ chẳng thể nào bạn có 2 triệu mà bạn có thể tiêu "lố" lên 3 triệu được.

Tóm lại, rất khó để nói vấn đề sinh viên tiêu 2 triệu/tháng liệu có đủ không được vì mỗi người có một cuộc sống, khả năng tài chính khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải học cách tiết kiệm và chi tiêu đúng với khoản ngân sách mà mình có được, tiêu vào những việc cần thiết chứ đừng "vung tay quá trán" nếu không muốn cuối tháng phải ăn mì tôm hay "gặm" bánh mì để sống qua ngày, chờ đến đợt "tiếp tế" tiếp theo của bố mẹ.

Ảnh: NVCC

Huỳnh Đức - Design: Thành Đạt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm