Chuyện vỉa hè: Bó tay

08/12/2015 07:00 GMT+7

(lienminhbng.org) - Nước ta có 6.000 cán bộ nhân viên làm công tác quản lý thị trường, con số này nghe được từ một cuộc hội thảo quanh vấn đề hàng giả hàng nhái tổ chức tại TP.HCM từ mấy hôm trước. 6.000, nghe cứ tưởng đông, ngẫm ra thì quá ít.

Là vì, có gấp nhiều lần hơn thế số người làm công việc này, cũng chẳng hy vọng quản lý được một thực tế buồn là: Hầu hết hàng hóa đang có mặt trên thị trường, từ phân bón, thức ăn chăn nuôi đến thực phẩm, hàng tiêu dùng cả bình dân đến loại cao cấp hiện đều bị làm giả.

Dược phẩm, đồ điện gia dụng, vật liệu xây dựng... cũng bị làm giả. Theo thống kê được tìm hiểu bởi chính các doanh nghiệp trong nước, được thừa nhận bởi các nhà quản lý, càng là các thương hiệu, nhãn hàng có tiếng thì càng dễ cho hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu tấn công. Không chỉ hàng nhập ngoại giả, hàng có thương hiệu trong nước bị làm giả, mà còn có cả hàng Việt bị làm giả ở nước ngoài rồi nhập về bán trong nước.


Hàng giả đang tung hoành trên thị trường

Nhìn vào con số thống kê mà ngại: Trong 9 tháng đầu năm nay, lực lượng phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 150.000 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước gần 8.760 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2014); khởi tố gần 1.000 vụ với 1.120 đối tượng. Nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu quy mô lớn bị triệt xóa.

Mà ai cũng biết, con số này so với thực tế thì còn xa lắm. Người ta kết luận rằng khó chống hàng giả vì... chẳng biết hàng nào là thật. Người sản xuất có khi vừa làm cái này vừa làm cái kia, thật giả lẫn lộn. Người mua nhắm mắt chọn hàng nào… giá đắt, cho yên tâm tiền nào của nấy, như phép an ủi tinh thần, cho dù lòng  tin -  thật ra rất mong manh - vào thứ mình mua.

Chợ hàng nhái cho... dân hàng hiệu

Chợ hàng nhái cho... dân hàng hiệu

Ở chợ điện tử Nhật Tảo (quận 10, TP.HCM), từ những tay “cò lái” mua qua, bán lại cho đến những ông chủ cửa hàng lớn chuyên doanh đồ điện tử… đều có chung một điểm giống nhau: người ta cần cái gì thì mình có cái đó.

Thực tế này luôn để người ta bật lên câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm? Tất nhiên 6.000 cán bộ quản lý thị trường có đôi chút trách nhiệm, nhưng chẳng quy kết được. Số lượng ít ỏi đã đành, mà văn bản, hay luật, thì nghe nói lại chồng chéo nên cũng chẳng dễ làm đến nơi đến chốn.

Cứ bắt vụ nọ lại nảy sinh vụ kia, người làm, người buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, nên mặc định tình hình là người tiêu dùng tự quyết lấy việc lựa chọn sản phẩm của mình.

Năm này qua năm khác, việc chống hàng giả hàng nhái làm mãi vẫn thấy hàng giả hàng nhái tràn ngập, đành thở dài mà nghĩ:  Bó tay, đợi người sản xuất có lương tâm...

Mà đợi đến khi nào cũng chưa biết nữa!

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm