11/01/2015 10:54 GMT+7
(lienminhbng.org) - Hôm trước,có một ông khách ngồi quán nước trà vỉa hè kể với bà chủ quán rằng mẹ ông, hơn 90 tuổi, mắt đã lòa rồi, bảo rất thèm được nhìn thấy cái cầu Nhật Tân vừa mới thông xe, cây cầu dây văng nghe nói dài lắm, đẹp lắm, về tận quê của cụ bên Đông Anh, qua đại lộ Võ Nguyên Giáp.
Ngay sau khi thông xe, ông khách thuê taxi đưa cụ qua cầu, cụ chẳng nhìn thấy gì, chỉ biết con cái bảo cầu đẹp mà cũng ứa lệ mừng... Tội thật, mấy năm trước mắt cụ còn sáng, mà vì cầu chưa xong nên không đưa cụ đi lên cầu ngắm cảnh được. Tất nhiên cái cầu ấy đẹp không phải chỉ là phần mỹ thuật, phải có tình cảm trong ấy, cầu về quê, quê xa nay trở nên gần hơn, con cháu giỗ chạp chạy qua chạy lại dễ dàng, rồi đại lộ Võ Nguyên Giáp nữa... Có cái gì đó gọi là sự thỏa lòng, thế nên cụ thiết tha với cái đẹp của cây cầu. Nghe tả cầu đẹp mà mặt cụ bà 90 tuổi bừng sáng, ông khách kể...
Có những điều quan trọng lắm người ta không nhìn bằng mắt!
Thế nên, hôm nay, suốt từ sáng, bà chủ quán bực bội với cái tin người ta lừa những người khiếm thị trong một đám cưới tập thể mang danh “Đám cưới vì cộng đồng’’. Vụ này xảy ra từ cách đây mấy tháng, tối 19/9/2014 tại TP.HCM. Có một đơn vị nào đấy muốn đánh bóng tên tuổi mình bằng hành động hảo tâm nên đã tổ chức cưới cho 20 đôi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong 20 đôi ấy có 11 đôi khiếm thị, 1 đôi khuyết tật vận động, 3 đôi công nhân và 5 đôi đến từ vùng sâu vùng xa... Chưa thấy những cặp còn lại phản hồi về cặp nhẫn cưới mà người ta tặng và tuyên bố giá 6 triệu đồng ra sao. Nhưng một số cặp khiếm thị đã xác minh được nhẫn của họ là vàng 2 tuổi (2 tuổi cũng gọi là vàng!), nghĩa là nhẫn vàng giả. Tóm lại, chắc vì bị coi là không nhìn thấy gì, nên Ban tổ chức cho rằng đưa họ nhẫn như vậy không sao. Đối xử với người khiếm thị như thế thật quả chẳng ra sao. Quá tệ!
Giờ đây những người khiếm thị, hơn 3 tháng trước là những cô dâu chú rể hạnh phúc rất buồn. Cái gọi là mất mát có lẽ vàng không bù được. Cái đám cưới vì cộng đồng ấy có chủ đề là “Kết nối tin yêu - Vẹn tròn hạnh phúc”. Giờ chẳng có cách nào để không mất lòng tin, và như thế, hạnh phúc làm sao mà có thể vẹn tròn. Họ đã bị coi thường, bị lợi dụng. Người bày ra câu chuyện này có biết xấu hổ hay không? Bà chủ quán không biết được. Sự biết xấu hổ ngày càng hiếm. Người ta cứ nhân danh cộng đồng, nhưng người ta hành động vì cá nhân, vì lợi ích, vì danh tiếng, thậm chí vì tí sĩ diện cỏn con của riêng người ta, rõ là thế... Không làm thì thôi, cứ bày trò, vẽ chuyện làm gì. Lôi những người khiếm thị vào một câu chuyện nhảm, để họ phải buồn vì bị lừa, trong khi không làm được điều gì tốt hơn cho người ta, sao nỡ thế?
Đúng là có những điều quan trọng lắm người ta không nhìn bằng mắt!
Sau khi ấm ức khá lâu vì chuyện này, bà chủ quán bảo ông khách, tôi thấy người có tâm không ít, nhưng người giả vờ có tâm thì đông không kể xiết. Dù đất nước có văn minh ra bao nhiêu, công trình này nọ thật đẹp thật to mà lòng người vẫn xấu vẫn nhỏ, thì nước mình còn lâu lắm mới hết chuyện buồn. Có những người mắt sáng mà tâm tối, thì sáng mắt cũng chẳng làm gì...
Quả là thế thật!
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất