21/05/2013 13:44 GMT+7 | Champions League
(lienminhbng.org) - Cũng chỉ là một trận chung kết Champions League, như vẫn thường diễn ra hàng năm, nhưng ngày 25/05/2013 sẽ đọng lại như một dấu ấn sâu đậm của bóng đá. Trận đấu có quá nhiều điều đặc biệt.
Có lẽ khó có chủ đề nào để người ta viết và nói nhiều như thế, lâu như thế, và dài như thế. Suốt 3 tuần nay, trên đủ mọi loại báo và tạp chí, trên hầu khắp các kênh truyền hình, và trong các câu chuyện ở cơ quan, ở nhà, ở hàng quán... chủ đề trận chung kết Champions League năm nay luôn là chủ đề số một.
Chuyện Jolie cắt bỏ tuyến vú đề phòng bệnh ung thư, chuyện các nhà khoa học Mỹ tạo ra tế bào phôi từ tế bào da và tế bào trứng... cũng chỉ rộ lên vài ngày, chứ chuyện bóng đá thì có vẻ như vô tận. Ngày truyền thông ở Munich và Dortmund thu hút 190 phóng viên từ khắp nơi trên thế giới, với 35 camera, và khi tác nghiệp ai cũng nói tiếng Đức trôi chẩy, ai cũng thấu hiểu đến mọi ngõ ngách của trận đấu.
Bất cứ cầu thủ nào cũng vậy, khi bước chân lên thảm cỏ Wembley, thì không phải chỉ nổi da gà, mà bóng đá như thấm sâu vào máu thịt
Có 3 chủ đề lớn khiến trận chung kết Champions League năm nay có vẻ khác thường: Sân Wembley, hai đội Đức lần đầu vào chung kết, và những đổi thay trong bóng đá châu Âu thời gian vừa qua.
Năm nay kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Liên đoàn bóng đá Anh. Người Anh sẽ vui hơn, nếu họ có một đại biểu đá trận chung kết. Nhưng không sao, cả thế giới đều ngưỡng mộ Wembley, một sân bóng của nước Anh.
Pele gọi Wembley là thánh đường, là thủ đô và là trái tim của bóng đá, mặc dù ông chưa chơi trên sân này một trận nào. Người ta bảo, bất cứ cầu thủ nào cũng vậy, khi bước chân lên thảm cỏ Wembley, thì không phải chỉ nổi da gà, mà bóng đá như thấm sâu vào máu thịt.
Con đường những người chiến thắng lên nhận cúp là 107 bậc khán đài, với 400 m trải thảm đỏ. Đấy là con đường vinh quang, con đường bất tử, như con đường lên đỉnh Olympia. Ai chẳng ao ước một lần được đặt chân lên đó?
Franz Beckenbauer nhận xét: "Sân vận động này đẹp như một giấc mơ. Đơn giản là quá hoàn thiện để trở nên một huyền thoại". Một quy tắc nghiêm ngặt ở Wembley là ngăn cách triệt để khán giả của các đội đối lập. Khán giả Bayern ngồi ở phía Tây, còn khán giả Dortmund ngồi ở phía Đông, mỗi đội có 25.000 vé. Cổ động viên Dortmund có còn mạnh mẽ như ở quê nhà, khi họ phải rời khán đài phía Nam quen thuộc, và họ sẽ tạo ra màn biểu diễn nào, những hình ảnh nào trên Wembley?
Nếu khán giả Đức nào đó muốn uống bia, thì họ phải nghiên cứu kỹ bản đồ thành phố. Khu vực quanh sân bóng chia làm 2 vùng, Dortmund một vùng và Bayern một vùng. Tờ Bild mô tả một quán bia có tên "Green Man". Quán có tới 5.000 chỗ ngồi, với 23 nhân viên bảo vệ đứng canh ở lối vào. Ai không có thẻ Fans của Bayern hay không có vé ngồi ở khu Bayern thì không được vào quán náy. Fans Dortmund thì dứt khoát bị cấm cửa. Từ đây đến quán dành cho Dortmund phải đi khoảng 1 km nữa. Quy tắc này có từ năm 2007.
Một số dữ liệu về Wembley Bắt đầu xây dựng lại: Tháng 9/2002 Khánh thành: Tháng 5/2007 Giá thành: 1,4 tỷ Euro Sức chứa: 90.000 khán giả Số chỗ ngồi cho người tàn tật: 310 Số chỗ ngồi cho phóng viên: 400 Quán bar: 34, Nhà hàng: 8, Nhà vệ sinh: 2.618 Số tầu chạy qua trong 1 giờ: 100 chuyến, Số nhà ga: 3 Số thang máy: 26 |
Bóng đá Anh và bóng đá Đức có nhiều duyên nợ ở Wembley. Năm 1966, Anh thắng Đức trận chung kết World Cup (4-2). Bàn thắng thứ 3 của Geoff Hurst trong hiệp phụ là một nghi vấn. "Vào hay chưa vào" vẫn là cuộc tranh cãi cho tới tận bây giờ, dù đã chiếu lại cảnh này cả trăm lần. Đây là "bàn thắng Wembley". Năm 1996, chung kết EURO, Đức thắng Czech 2-1 cũng trong hiệp phụ. Bàn thắng 2-1 của Oliver Bierhoff là bàn thắng vàng đầu tiên trong các giải quốc tế. Bàn thắng duy nhất của Dietmar Hamann trong trận Đức thắng Anh 1-0 năm 2000 là bàn thắng cuối cùng trên sân Wembley cũ, trước khi bị phá sập.
Ngày 29/04/1972, đội tuyển Đức gặp Anh trên sân Wembley trong trận lượt đi tứ kết EURO 1972. Lúc đó, tương quan lực lượng nghiêng hẳn về đội Anh. Đến nỗi huấn luyện viên Helmut Schoen phải nói trước trận đấu: "Nếu hôm nay chúng ta nhận ít hơn 5 bàn thua thì tất cả chúng ta cũng có thể hài lòng". Khuếch đại một chút, kiểu như mẹo "khích tướng". Vào trận, bất ngờ Uli Hoeness mở tỷ số. Lee gỡ hòa 1-1 cho Anh. Gần cuối hiệp 1, Đức được quả phạt đền. Người được phân công đá quả này là Gerd Mueller. Nhưng hôm ấy tiền đạo này đá rất dở.
Từ ngoài sân Schoen gọi vào, bảo Netzer sút, vì trận này tiền vệ tổ chức chơi tuyệt hảo. Và Netzer đã thành công. Ông nhớ lại: "Về sau, anh bạn Beckenbauer bảo rằng, quả bóng chỉ nằm sau vạch vôi có vài centimet. Nhưng đấy là quả 11 m tuyệt nhất trong sự nghiệp của tôi. Mấy tháng sau tôi gặp lại thủ môn Gordon Bank trong một trận đấu từ thiện. Anh ấy vẫn phải bó bột cánh tay bị gẫy khi đỡ quả phạt đền của tôi hôm ấy". Cuối cùng Đức thắng 3-1. Trận thắng đầu trên sân Wembley. Hai tháng sau, Đức thắng Liên Xô 3-0 trong trận chung kết, trở thành vô địch châu Âu.
Nhắc lại trận đấu này, vì Wembley là nơi mở đầu cho một kỷ nguyên bóng đá Đức. Sau vô địch châu Âu 1972, Đức trở thành vô địch thế giới 1974, và đó là đội hình hay nhất của nước Đức cho tới hôm nay. Liệu trận chung kết Bayern - Dortmund có tạo nên một sự sinh thành tương tự?
Vũ Công Lập
Đón đọc "Chuyện Vũ Công Lập: Bóng đá Đức đang ở đoạn mở đường" trên lienminhbng.org vào 08h00 sáng mai, thứ Tư 22/5/2013 |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất