Chuyện Vũ Công Lập: Nồng nàn Dortmund

11/03/2013 15:24 GMT+7 | Đức

(lienminhbng.org) - Không muốn và không thể trở thành một CLB hùng mạnh kiểu Bayern, Dortmund cố gắng tìm ra con đường của riêng mình. Dortmund chơi một thứ bóng đá nồng nàn, rồi họ được người hâm mộ yêu mến một cách nồng nàn.

Năm nay, gánh nặng dồn lên vai Dortmund thật là kinh khủng. Đã lấp ló cụm từ "mùa giải mất trắng", sau vài trận thua đã có ý phê phán "sai lầm chiến thuật". Đến nỗi HLV Klopp hơn một lần phản ứng khá quyết liệt, chẳng hạn: "Nếu có ai đó nói rằng, vì 3 danh hiệu đã có trong 2 năm vừa qua (hai chức vô địch quốc gia và một cúp quốc gia) mà Dortmund chiếm một vị trí khác trong Bundesliga, thì quả thật, tôi không đủ thông minh để hiểu điều đó". Cái "vị trí" mà Klopp không thể hiểu đó, là vị trí đầu đàn.

Bởi vì, trong bóng đá Đức, người ta chỉ có thể thách thức Bayern, chứ không thể thay thế Bayern. Cũng như trong cuộc đời, mỗi con người có một số phận, và muốn vượt qua  thì trước hết phải ý thức được số phận đó, thích ứng một cách thành công, rồi mới có thể đi những bước xa hơn. Vội vàng là thất bại. Stuttgart, Wolfsburg đã chẳng từng như thế hay sao?

Người ta vẫn nói tới, vẫn nhắc về, một thuở huy hoàng của Dortmund trong khoảng thời  gian 10-20 năm trước. Đúng là vinh quang, họ không chỉ vô địch quốc gia, mà còn đoạt cả cúp C1. Nhưng vinh quang ấy đã phải trả bằng cái giá quá đắt, đắt như là bản thân cái chết. Dortmund là CLB đầu tiên cổ phần hóa, nhưng giá trị cổ phần tụt xuống ở mức thê thảm, và năm 2005, CLB này đứng trước ngưỡng cửa phá sản. Khi trở thành CEO, ông Hans-Joachim Watzke đã phải tính đến từng cái bánh mì, đã phải lo tiết kiệm từng đồng chi phí vận chuyển, ăn ở của đội bóng.

Giọng nói Dortmund Norbert Dicken

Khi nhớ lại thời danh giá và hiểm nguy này, danh thủ Moeller đã nói, ngày ấy Dortmund thắng lợi nhờ một loạt ngôi sao đã thành danh, giầu kinh nghiệm, mua về với giá đắt - Sammer, Moeller, Reuter, Kohler, Riedle... Giống như Bayern, và nhờ HLV Otmar Hitzfeld có tài cai quản và sử dụng dàn sao lẫy lừng đó. Còn bây giờ, không có tiền, và tránh cái mối hiểm nguy phải lụy đồng tiền, Dortmund bắt đầu đi lên bằng cách tin cậy vào lứa cầu thủ trẻ, không đắt đỏ, nhưng tài năng và giầu khát vọng.

Lẽ đương nhiên, Dortmund không mua nổi cầu thủ cỡ Javi Martinez của Bayern (40 triệu Euro), nhưng Marco Reus lại chọn Dortmund chứ không phải Bayern. Vì Dortmund tạo ra cơ hội cho cầu thủ trẻ, trở thành bệ phóng cho các tài năng, Reus sợ bị chết chìm ở Bayern, và tin ở sự thăng hoa với Dortmund. Lẽ đương nhiên, Dortmund phải chịu đựng sự ra đi của Nuri Sahin, của Shinji Kagawa. Nhưng Sahin đi mãi thì cũng đã trở về. Barrios sang Thượng Hải rồi cũng đầy thất vọng, còn khi ra đi, Kagawa đã ôm lấy HLV cùng từng đồng đội mà khóc. Klopp có nói rằng, giọt nước mắt chi tay của cầu thủ Nhật Bản là thắng lợi lớn nhất của Dortmund, nó nói lên rằng, Dortmund trẻ trung ấy còn là một cách sống.

Cầu thủ quyết định trận đấu. Cho nên, chuyện mua bán cầu thủ là một vấn đề thiết yếu hiện nay trong bóng đá chuyên nghiệp. Mỗi CLB có một cách hành xử khác nhau, tùy theo mục tiêu bóng đá và khả năng tài chính của mình. Tính trong 10 năm trở lại đây, riêng trong khoản mua bán cầu thủ, Bayern lỗ 282 triệu Euro. Dortmund cũng lỗ, nhưng chỉ  1,175 triệu Euro mà thôi. Để làm ví dụ, xin nói tới CLB Porto của Bồ Đào Nha, họ lãi kinh khủng: 267.843.000 Euro chỉ trong việc bán cầu thủ (Hulk, năm 2012 - 55 triệu; Falcao năm 2011 - 47 triệu; Anderson năm 2007 - 31,5 triệu; Pepe năm 2007 - 30 triệu...). Bayern, dù lỗ ở khoản này, nhưng vẫn thành công về mặt thể thao và vững mạnh về mặt tài chính. Porto dẫu lâu rồi không thật thăng hoa, nhưng chắc họ cũng hài lòng với chính mình.

Còn Dortmund thì chúng ta đều đã biết. Vấn đề là, phải mua sắm cho đúng với khả năng và vị thế của mình, phù hợp với mục đích của mình, chứ không phải là bắt chước, hay hăm hở lao theo những phồn danh hư ảo nào khác. Cũng nên nói thêm, Giám đốc kỹ thuật của Dortmund, Michael Zorc - người có vai trò quan trọng trong các hợp đồng với cầu thủ, là đội trưởng Dortmund trong thời khắc vinh quang nhất, và có lẽ ông cũng là một đội trưởng vào loại khiêm nhường nhất ở Bundesliga, giống như Sebastian Kehl hiện nay. Đấy là loại chỉ huy mà không cần quát tháo.

Tuy nhiên, bóng đá trước hết là trận đấu, là sân cỏ. Và trên bình diện này ta phải nói tới những người làm ra trận đấu.

Juergen Klopp và diện mạo mới của bóng đá

Bóng đá Đức đang chuyển mình, trong đó có sự chuyển mình về lối chơi. Một sự chuyển mình được cổ vũ, có thành công, mà cũng có thất bại. Sinh thành bao giờ cũng đau đớn. Rồi còn nuôi dưỡng cái sự sinh thành ấy, cho tới lúc trưởng thành.

Có 3 nhân vật được nhắc tới nhiều trong quá trình tự làm mới mình như vậy: Joachim Loew - HLV đội tuyển quốc gia, Matthias Sammer - người phụ trách chương trình đào tạo trẻ ở Liên đoàn bóng đá Đức và Klopp - HLV Dortmund. Loew lịch lãm, lúc nào cũng chỉn chu sạch sẽ, ăn mặc cực mốt, như không hề dây một chút bụi trên người. Sammer trần trụi, như không cần che đậy bất cứ cái gì trên đầu, trên mặt và trên người mình, luôn thẳng băng, luôn trực diện và sẵn sàng chấp nhận hết thảy. Còn Klopp thì hết sức bụi bặm, tóc lúc dài lúc ngắn, râu lúc cạo lúc không, khi cười tươi, liền đó lại la hét. Nhưng cả ba đều là những con người sẵn sàng bùng nổ, bùng nổ để đủ sức thực hiện đầy khao khát cái chân lý, triết lý bóng đá mà mình theo đuổi.

Với Klopp, đó là một thứ bóng đá nồng nàn, hướng tới thắng lợi bằng lối chơi nhiều sức sống, giầu sáng tạo và cố gắng đem lại sự mê hoặc cho khán giả. Mùa bóng 2010-2011, Dortmund như một làn gió mát thổi qua sân cỏ Đức và được chào đón hân hoan. Mùa bóng 2011-2012, lối đá ấy càng thuyết phục hơn, nhưng thất bại hoàn toàn trên đấu trường quốc tế, khi họ đứng bét bảng ở Champions League, mặc dù ông Arsene Wenger của Arsenal vẫn nói: “Đấy là đối thủ có lối chơi hay nhất trong bảng này“. Năm nay, Dortmund thua xa Bayern tại Bundesliga, thua tiếp Bayern ở Cup quốc gia, nhưng đã vào tới tứ kết Champions League. Vấn đề không chỉ là vào sâu, vấn đề là cái giá trả cho chiến thắng này là hợp lý, và cái cách dành chiến thắng này là thuyết phục. Không có trận thắng nào là nhờ may mắn, và tất cả các đối thủ đều tôn trọng Dortmund.

Có vẻ như, Klopp tự biết mình. Họ không còn đủ sức để trải đều lực lượng trên tất cả các mặt trận. Trận thua Schalke 1-2 mới đây quả là một thất bại đau đớn. Người ta trách Klopp để Reus trên băng ghế dự bị, nhưng ông trả lời: “Biết làm thế nào được, vì chúng tôi phải giữ sức cho Reus và Goetze. Goetze nghỉ trận Hannover, còn Reus nghỉ trận Schalke“. Ấy là chưa kể Hummer bị rách bán phần dây chằng ngoài cổ chân phải, phải chạy lê suốt hiệp một, và sắp tới phải nghỉ 6 tuần. Lực lượng chỉ có thế, biết làm sao? Và chính chấn thương của Hummels cùng sự kém cỏi của Grosskreuzt là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bàn thua của Dortmund trong hiệp 1.

Trận thua Schalke trên sân nhà (cũng tỷ số 1-2), Klopp nhận ngay là lỗi của mình, khi thử nghiệm sơ đồ 3 hậu vệ không thành công. Trận thua 1-4 trước Hamburg, cũng trên sân nhà, Klopp nói rằng, thật không hiểu nối. Rồi ông bổ sung thêm, nếu còn làm bóng đá, chắc vẫn còn phải chịu những trận thua như thế. Cho dù đôi khi hung hăng phản ứng trọng tài, về cơ bản Klopp là một HLV biết cách và đủ sức chịu đựng thất bại.

Chưa ai biết Dortmund sẽ đi xa đến đâu trong Champiopns League năm nay. Nhưng đến nay họ đã thu về gần 45 triệu Euro. Ông Watzke nói rằng, số tiền đó đủ để Dortmund nghĩ đến những khoản đầu tư khác. Nếu nhớ lại mùa bóng trước Dortmund lãi ròng tới 34,5 triệu Euro, ta có thể hy vọng Dortmund sẽ dần dần vươn tới một vị thế khác. Với lời ghi chú: Khoản nợ của những thắng lợi năm xưa vẫn còn chưa trả hết. Và HLV Klopp phải tính đến cả những nhân tố dó, cho dù ông đã bớt đau đầu do lằng nhằng chuyện ra đi của Lewandowski.

Số một ở Dortmund là khán giả

Bundesliga được tôn vinh như môn thể thao có sức hút khán giả đứng hàng thứ hai trên thế giới. Thống kê mùa bóng 2011-2012 cho thấy: Số 1 - NFL (bóng đá Mỹ): 67.591 khán giả/trận; số 2 - Bundesliga (Đức): 45.116; số 3 - Premier League (Anh): 34.602; số 4 - AFL (bóng đá kiểu Mỹ ở Australia): 32.784; số 5 - MLB (bóng chầy Mỹ): 30.895.

Trong Bundesliga, mặc dù vẫn thua Bayern về tổng số người hâm mộ, tổng số các CLB người hâm mộ, tổng số các cổ động viên trên mạng xã hội, sân bóng ở Dortmund là sân bóng được tôn vinh số 1 ở nước Đức. Về số lượng, hầu như trận đấu nào cũng đầy 83.600 chỗ ngồi. Riêng khán đài khu Nam, vị trí của CĐV ruột, đã có 25.000 khán giả. Ở đây chẳng có ai ngồi, và người ta thật không hiểu tại sao UEFA lại không cho phép có chỗ đứng? Không chỉ đứng không, mà luôn luôn hò hét và nhẩy nhót, phất cờ. Từ xa nhìn vào, người ta thấy cái màu vàng chói lóa ấy như hiện thân của đàn ong đang hớn hở cùng nhau tạo ra mật ngọt.


Tác giả và cậu bé thuộc thế hệ thứ 3 trong một gia đình cổ động viên Dortmund

Ở sân Dortmund, có hàng ghế dành cho các cổ động viên khiếm thị. Đã có lần phóng viên hỏi, cảm giác khi vào sân, khi bước lên các bậc khán đài là như thế nào, câu trả lời thật bất ngờ và cảm động: “Trên sân, chúng tôi ngửi thấy mùi tươi mới của những ngọn cỏ mới được cắt xén".

Tuy nhiên, điều vĩ đại nhất của cổ động viên Dortmund là ở chỗ: Họ không bỏ đội bóng trong những năm tháng khốn cùng. Đã có mùa bóng Dortmund phải thi đấu chống nguy cơ xuống hạng, và ngay cả năm ngoái, có lúc Dortmund bị Bayern bỏ xa tới 8 điểm, nhưng khán đài bao giờ cũng đầy đặn như thế, náo động như thế. Chủ tịch Warzke đã nói: "Xin cám ơn các bạn, nhưng cổ động viên vẫn bền lòng trong thất bại. Và không như ở Bayern, tại Dortmund rất hiếm khi khán giả chăng những biểu ngữ mang nội dung phản đối trên khán đài hay huýt sáo la ó cầu thủ nhà".

Cũng như nhiều CLB khác ở Bundesliga, sân Dortmund có hai nhân vật đặc biệt: người chỉ huy phất cở ở quanh sân, và người đọc tin trên loa phóng thanh. "Giọng nói Dortmund" hiện nay là Norbert Dicken (51 tuổi), thần tượng một thời của người hâm mộ. Dicken đã chơi cho Dortmund 90 trận, ghi 40 bàn trong khoảng thời gian 1986-1990. Mỗi trận sân nhà, một khán giả thuộc khán đài Nam được chọn để ở bên cạnh Dicken trong suốt trận đấu. Chỉ mới nghe thấy giọng của Dicken thôi, máu như đã chạy rần rật trong huyết quản.

Năm 2012, khi tác nghiệp Thế vận hội tại London, tôi có gặp một gia đình 3 người đều là cổ động viên Dortmund, trước của sân Emirates của Arsenal. Chú bé có cái áo Vàng-Đen mang tên M.Goetze trên lưng. Còn ông bố thì giới thiệu gia đình ông là người hâm mộ đội bóng này đã 3 đời rồi. Lại nhớ một lần đọc trên báo, Dortmund đang chuẩn bị cả một nghĩa trang cho người hâm mộ, với quả bóng và màu sắc đặc trưng cho đội bóng này.

Bóng đá thật cần lớp khán giả chuyên nghiệp nồng nàn như thế

Vũ Công Lập

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm