16/04/2013 14:11 GMT+7 | Champions League
(lienminhbng.org) - Đó là khi tỷ số đã cố định, thắng thua đã rạch ròi. Không còn cái căng thẳng và sự hồi hộp lúc bóng còn lăn. Ngay cả niềm vui thắng trận cũng lặng dần, nỗi buồn thất bại cũng sẽ nguôi ngoai. Nhưng nhiều thứ vẫn còn lại...
Có những pha bóng hay, những bàn thắng đẹp, những tình huống mãi mãi nóng bỏng... Nhưng có lẽ điều còn lại sâu đậm nhất là hình ảnh con người, với biết bao cảm xúc bất tử mà chỉ có trong bóng đá.
1. Barcelona: Messi đương nhiên là huyền thoại, ngay cả khi anh chỉ đứng trên sân, không dính dáng gì đến tình huống hay quả bóng. Nhưng có lẽ cảm xúc lắng đọng nhất lại là Tito Vilanova. Ông vừa từ Mỹ trở về, sau hai lần mổ ung thư ở Tây Ban Nha. Ông dứng bên mép sân cỏ, trong một trận đấu mà Barcelona bị Paris Saint Germain đe dọa. Vilanova không hò hét, tay ông cũng không vung lên sôi sục như ở những HLV khác. Ông im lặng, quan sát, chờ đợi , tính toán rồi ra quyết định. Trong đó có quyết định tung Messi vào sân. Quyết định mang lại thắng lợi chung cuộc cho Barca. Nhưng quyết định này cũng làm Vilanova đau lòng lắm: Ngộ nhỡ chấn thương chưa lành hẳn của Messi quay trở lại.
Nhưng Vilanova cũng đã mong lắm được chịu cái gánh nặng này, sự rét buốt này, nỗi căng thẳng này. Chắc chắn rằng, được cùng học trò chịu đựng trực tiếp những thử thách ấy còn sung sướng hơn rất nhiều phải chịu đựng trong cách xa, một mình nằm trong phòng bệnh ấm êm và tiện nghi tận New York. Bóng đá là cái nghiệp rồi, và khi chọn nghề là đã chấp nhận tất cả. Từ thương mến, bỗng thấy vô cùng cảm phục. Và hiểu rằng, bóng đá là toàn bộ cuộc sống, toàn bộ con người, chứ không phải chỉ là đường ban trái bóng, với những trận thắng, trận thua. Trong lòng như không còn sự hò hét nữa, mà dâng lên một chút gì như là thấm thía.
Thấm thía cùng Barca. Sao mà truân chuyên thế. Ngoài Vilanova, họ còn câu chuyện về Abidal, hậu vệ trái người Pháp, vừa trở lại sau lần mổ thứ hai, thay lá gan bị ung thư tàn phá. Chính là Abidal, năm kia được Puyol nhường băng đội trưởng và nhường vinh dự lên nhận Cúp Champions League sau ca mổ gan lần thứ nhất. Lúc Abidal trở lại trận Mallorca, khán giả dường như chỉ còn biết đến anh, hoan hô anh, động viên anh. Abidal đẹp hơn cả 5 bàn thắng mà Fabregas và Sanchez đã nã vào lưới đối thủ.
Những cảm xúc như thế là một phần quan trọng trong sức mạnh của Barca chăng? Khi phân tích tương quan Bayern - Barcelona, một nhà báo Đức đã viết: "Hãy cẩn thận, Barca sẽ đá vì Vilanova". Đã rất nhiều lần, câu hỏi được đặt ra một cách nghiêm túc: Bóng đá hôm nay là vì cái gì? Barca biết cách trả lời câu hỏi ấy.
2. Basel: CLB gần như vô danh ấy của Thụy Sĩ năm nay vào đến vòng bán kết Europa League. Dù thành phố Basel nổi tiếng, CLB Basel chỉ như một địa chỉ hang cùng ngõ tận trong bóng đá. Mà họ loại đội bóng nào ở tứ kết: Tottenham, một đội bóng hàng đầu ở nước Anh. 2-2 sân khách, 2-2 sân nhà, và vẫn 2-2 sau hai hiệp phụ. Loạt đá phạt đền, Basel sút vào cả 4 quả, Tottenham đá 3 chỉ vào 1, trong đó có cú sút lên trời của Adebayor. Đấy là những sự kiện, nhưng chúng ta không muốn nói về điều đó.
Trận đấu diễn ra trong trời mưa lạnh tầm tã. Màn hình bỗng hiện ra cảnh HLV Hitzfeld đứng co ro trên khán đài. Vẫn khuôn mặt đầy nếp nhăn và khắc khổ ấy. Vẫn mái tóc thưa cắt rất ngắn ấy. Và hình như vị HLV của tuyển Thụy Sĩ không để lộ ra một cảm xúc nào. Nhưng thật ra Hitzfeld là người rất giầu tình cảm. Lại nhớ ngày ông chính thức chia tay Bayern, khi nhận bó hoa tạm biệt từ Hoeness, Hitzfeld đã không cầm được nước mắt. Ông để mặc cho nước mắt trào ra, và ông nức nở, nghẹn ngào. Cái giây phút thực sự được làm mình như thế khiến chúng ta thêm yêu ông, và hiểu ông đã phải cố gắng đến mức nào để đem lại sức mạnh cho học trò trong từng trận đấu. Và hôm nay, ông đứng trên khán đài Basel, không để lộ ra chút gì trên gương mặt, nhưng chắc chắn trong lòng đang cuộn lên những khát vọng cùng bóng đá Thụy sĩ, sau 120 phút và loạt đá phạt đền đầy hy vọng và âu lo.
Trong hiệp phụ ở trận Basel - Tottenham ấy, ta còn gặp lại một cầu thủ cũ: Alexander Frei, người đã chơi cho Dortmund (74 trận, 34 bàn thắng) và đội tuyển Thụy Sĩ. Gần cuối trận, Frei bỏ lỡ một cơ hội rất đáng tiếc. Anh đã qua thời đỉnh cao lâu rồi, mà mấy ai thoát được những phút giây có tính số phận như thế? Và Frei đã chấm dứt sự nghiệp sân cỏ ngay sau trận đấu này. Ngày hôm ấy, 107 nhân viên của CLB Basel đứng thành hai hàng đưa tiễn anh, với 107 bó hoa trên tay tượng trưng cho 107 bàn thắng anh đã ghi cho Basel trong 4 năm thi đấu. Lời nói tạm biệt của Frei :”Các bạn chiếm một chỗ trong trái tim tôi. Và tôi cũng hy vọng có được một chỗ trong trái tim các bạn. Mãi mãi”. Câu nói đủ để hiểu rằng, vì sao người ta lại có thể suốt đời vì bóng đá.
3. Malaga & Dortmund: Sẽ không công bằng, nếu sau trận này chỉ nói tới Dortmund. Malaga là đội bị xem là yếu nhất trong 8 đội có mặt ở vòng tứ kết, còn Dortmund cũng bị xem là dưới cơ trong 4 đội tham gia đấu bán kết. Nhưng chính 2 đội có vẻ như là yếu thế ấy đã làm nên một trận cầu kỳ vĩ để đời. Không phải là trận đấu có trình độ cao về chuyên môn (riêng Dortmund còn bị xem là “trung bình” so với khả năng của chính họ), nhưng là trận đấu đầy khí phách. Và chính cái khí phách ấy tạo nên cảm xúc đặc biệt cho bóng đá. Malaga khí phách đến phút 90, còn Dortmund khí phách trong những phút bù giờ. Cuối cùng, may mắn ở lại cùng Dortmund.
Malaga khiến những ai yêu mến họ đều có thể tự hào. Ở tình thế chẳng còn gì để mất, còn nếu may mắn thì lại có tất cả, chính Malaga đã chứng minh rằng, mọi dự đoán trong bóng đá đều có thể rất mơ màng. Trong cái phút mình vượt qua chính mình, bóng đá có thể làm đảo lộn tất cả, và đó là điều kỳ diệu. Khi bị loại ở phút cuối cùng, với phần nào có vẻ oan ức, Malaga cảm thấy đau xót, cay đắng. Nhưng, khi trận đấu đã thực sự lùi vào dĩ vãng, nhiều năm sau này, họ sẽ nhớ lại buổi tối lạ lùng ấy ở Dortmund với lòng kiêu hãnh. Một lòng kiêu hãnh mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ.
Dortmund đã hoang mang trong rất nhiều pha bóng suốt trận đấu. Nhưng vào cái lúc mà trên đầu không thật tỉnh táo còn đôi chân đã thực sự luống cuống, thì trái tim của cầu thủ Dortmund vẫn luôn luôn bốc lửa. Ngay cả khi một số khán giả trung thành đã tuyệt vọng rời sân ra về (để rồi sau này luyến tiếc, ân hận), thì ngọn lửa ấy vẫn không chịu lụi tắt. Để rồi trong những lần bùng lên cuối cùng ấy, 2 bàn thắng đã được ghi, đủ lật ngược thế cờ. Dortmund có một đài truyền thanh gọi là BVB Internetradio. Bạn có thể nghe đoạn tường thuật trận đấu trong những giây cuối cùng, với tiếng “và à à...ooo...” kéo dài thất thanh đến lạc cả giọng. Nó gợi ta nhớ đến buổi tường thuật tương tự năm 1954, khi Đức đánh bại Hungary rồi tạo nên nỗi thần kỳ ở Bern. Cảm xúc nhắc lại trong mội tích tắc chính lịch sử cũng lặp lại.
Malaga và Dortmund có điểm gì giống nhau? Đó là những đội bóng không giầu có, nhưng cực kỳ bản sắc. Và ở một mức độ nào đó, bóng đá Việt Nam cũng có một bản sắc có thể nói tới vào thời khắc này.
4. Sông Lam Nghệ An: Có một buổi chiều, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã phải giật mình vì một mầu vàng chói lóa phủ kín sân Hàng Đẫy ở Hà Nội. Đấy là vào cái lúc bóng đá Việt Nam đang trong cơn suy thoái, còn sân hàng Đẫy trong mấy trận trước đó thì vắng hiu vắng hắt. Vắng đến mức chúng ta đã phải thấy thương cho cả những ngọn cỏ xanh và những bậc khán đài. Hơn nữa, như để cám ơn lớp khán giả trung thành và tận tụy, Hà Nội T&T cùng SLNA đã đá một trận thật hay, thật cống hiến, với những bàn thắng để đời.
SLNA không phải là một đội bóng giầu. Đã nhiều năm rồi, họ cứ phải nín thở chờ nhà tài trợ đến tận phút cuối. Nhưng lãnh đạo Nghệ An, người làm bóng đá Nghệ An và nhân dân Nghệ An thì chưa bao giờ mất tinh thần, mất tình thương yêu và mất quyết tâm đối với bóng đá. Các lứa tài năng trẻ cứ nối tiếp nhau ra lò, và nhiều đến nỗi họ có mặt ở hầu khắp các đội bóng trong Nam ngoài Bắc. Chỉ một lần vô địch thôi, nhưng SLNA bao giờ cũng thuộc những đội vững vàng, nhiều khi đủ sức tranh chấp đỉnh cao. Còn sân Vinh thì luôn thuộc về một số sân cỏ chưa trở thành hoang vắng. Bóng đá Nghệ An có cái vẻ gì đó như một đặc sản, từ con người, lối đá đến cuộc sống, tiền bạc. Lẽ đương nhiên, có những lầm lạc, có những dữ dội quá mức, đôi khi cực đoan, nhưng tổng quát lại, vào thời điểm này, có một đội bóng như SLNA, có một lớp khán giả như khán giả NA, thì đó quả là may mắn cho V-League nói chung.
Nếu bạn về thăm Nghệ An, qua quảng trường trung tâm, ghé sân vận động, và nhất là, nói chuyện với người dân trên mảnh đất này, bạn sẽ hiểu vì sao lại có tất cả những cái đó. Bóng đá, khi đã gắn bó với vùng đất, với con người, thì tự nó sẽ có sức mạnh, cái sức mạnh “sâu rễ bền gốc”.
5. Khi trận đấu đã trôi qua, thì đương nhiên: Trước mặt sẽ là những trận đấu mới. Đó sẽ là câu chuyện của tuần sau, khi ta gặp nhau ở ngưỡng cửa bán kết Champions League.
Vũ Công Lập
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất