05/02/2016 06:01 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org)- Người ta hay nói rằng VĐV thể thao thì không thông minh. Thế nên, em phải học thật tốt để không ai có thể coi thường mình. Học để trang bị kiến thức cần thiết cho mình”, Ánh Viên chia sẻ.
Tết Dương lịch mới đây, tranh thủ thời gian nước Mỹ nghỉ lễ đón năm mới và Giáng sinh, cô và HLV Đặng Anh Tuấn đã về Việt Nam. Đây cũng là khoảng thời gian quý giá để Ánh Viên bước vào kỳ thi học kỳ lớp 12 rất gian nan với cô. Ban ngày tập luyện, ban đêm Ánh Viên lại tiếp tục ôn bài vở chuẩn bị cho kỳ thi. HLV Đặng Anh Tuấn từ ngày làm việc với Ánh Viên kiêm luôn rất nhiều vai trò. Không chỉ dẫn dắt cô học trò trên đường bơi, ông Tuấn kiêm luôn tài xế, đầu bếp chăm sóc dinh dưỡng cho Ánh Viên, bác sĩ tâm lý động viên, và vừa là thầy của Ánh Viên trong chuyện học vấn.
“Cô gái thép” đã giành 15 HCV năm 2015- Ảnh Q.K
Chuyện Ánh Viên và HLV Anh Tuấn 1 thầy 1 trò lầm lũi trong phòng học là cảnh tượng quá bình thường lâu nay. Dù bận rộn thế nào, Ánh Viên vẫn phải hoàn thành giáo trình như bao học sinh khác. HLV Đặng Anh Tuấn cho biết: “Trong tuần, chúng tôi có rất ít thời gian học văn hóa. Nhưng học cũng đâu dễ vì em tập với khối lượng, cường độ cao, cần nhiều thời gian hồi phục. Tuy vậy, Ánh Viên phải cắt bớt thời gian nghỉ để học”.
Khó khăn cho ông Tuấn là vì không phải một ông giáo chuyên ngành, quá nhiều môn với lượng kiến thức khổng lồ, vừa phải cập nhật giáo án ở Việt Nam, nên nhiều khi HLV gốc An Giang cũng “bí”: “Tôi đã tốt nghiệp lớp 12 mấy chục năm trước rồi, kiến thức cơ bản cũng quên hết. Nhưng không có gì phải xấu hổ cả. Khi làm thầy của Ánh Viên, tôi có thể ôn lại cùng em”, ông Tuấn cho hay. Nhiều lúc, ông Tuấn phải gọi điện thoại về nước để tham khảo thêm giáo viên chuyên ngành trước khi giảng lại cho Ánh Viên. Khổ đủ bề, nhưng Ánh Viên không phụ lòng thầy khi cô cho thấy mình rất sáng dạ.
Ánh Viên suy nghĩ đã chín chắn hơn rất nhiều: “Bơi là công việc của em, phải làm cho tốt. Còn học văn hóa để trang bị kiến thức cho mình, không để ai coi thường mình. Em nghe mọi người nhận xét rằng chơi thể thao thì không thông minh nên em càng phải cố gắng học hành cho tốt”.
Tất nhiên, chuyện học văn hóa sau khi nuốt khối lượng tập luyện khổng lồ không hề đơn giản với Ánh Viên. Thậm chí nó khó khăn gấp mấy lần như khi cô xuống nước: “Học văn hóa rất mệt, nặng nề trí óc lắm. Nhưng khi đã học thì em quyết tâm nhớ được bài”, Ánh Viên nói.
“Tết này con lại vắng nhà”
Từ đất Mỹ về đến Việt Nam, Ánh Viên gần như không có thời gian để nghỉ ngơi. Chuyến về Việt Nam này, Ánh Viên thậm chí không được về Cần Thơ thăm gia đình. Cô quá bận rộn nên cả gia đình phải thuê một chuyến xe để lên Trung tâm huấn luyện TDTT TP.HCM để thăm. Cả gia đình chỉ có 1 bữa trưa gặp con trong vài tiếng trước khi lại nói lời chia tay để Ánh Viên chuyên tâm vào học vấn và tập luyện. Tết này lại là một cái Tết xa nhà nữa của Ánh Viên. Cô phải lên đường sang Mỹ tiếp tục tập huấn chuẩn bị cho Olympic Rio 2016.
20 tuổi, Ánh Viên đã có 9 năm trong cảnh xa nhà biền biệt. Thường xuyên phải tham gia tập luyện dài hạn tại Mỹ nên từ 4 năm nay Ánh Viên đã không được ăn Tết ở Việt Nam. Đồng hành với cô suốt những thời gian ấy là nỗi nhớ nhà và nỗi cô đơn. Từ khi sang Mỹ tập huấn, mỗi năm Ánh Viên chỉ có thể về thăm nhà 2-3 lần với thời gian ngắn ngủi.
Ánh Viên sẽ thi đấu ở Olympic 2016
Đã có những đêm cô gái này thèm chui vào lòng mẹ ngủ. Những lúc nhìn những bữa ăn giàu dinh dưỡng ê hề tôm – thịt, cô lại thèm một bữa cơm đậm chất miền Tây mắm chưng rau luộc với gia đình. Nhưng, những ước mơ đơn giản ấy thật khó khi nào cô gái Tây Đô này có được bởi quy trình nghiêm ngặt của giáo trình luyện tập không có chỗ cho sự nghỉ ngơi và Viên có trở về nước cũng là để đấu giải. Lịch tập khắc nghiệt đến mức có lần dự giải quốc nội xong, “Cô gái Thép” lập tức phải ra sân bay.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (mẹ Ánh Viên) cho biết: “Có những lần được tin con về nước, chúng tôi phải đi xe khách 6 tiếng đồng hồ từ Cần Thơ lên sân bay Tân Sơn Nhất để có được vài chục phút ngắn ngủi bên con gái. Những lúc đó, nỗi nhớ con khiến chúng tôi chỉ biết khóc vì lại tiếp tục phải xa con”.
Ánh Viên đã phải đánh đổi những điều bình dị nhất của tuổi trẻ để làm nên sự thay đổi thần kỳ cho môn bơi lội Việt Nam trên bản đồ châu lục. Vì vậy, thay vì khóc như những cô bé thông thường, Ánh Viên đã dồn tất cả tâm trí của mình vào đường đua xanh. Vượt lên chính mình, Ánh Viên vẫn đang từng ngày tạo nên những dấu mốc lịch sử cho bơi lội Việt Nam. Và em chính là niềm hy vọng của thể thao Việt Nam trên con đường vươn ra đấu trường quốc tế.
Từ rạch Ba Cau bơi ra “biển lớn” Xuất thân trong một gia đình thuộc vùng quê nghèo khó giữa miền sông nước Cửu Long, tuổi thơ của Ánh Viên rất đỗi bình dị. Cô được tập bơi để thích nghi với nước lũ. Rồi Ánh Viên lọt vào tầm ngắm của các nhà tuyển trạch đội bơi Quân đội và chính thức đi theo con đường chuyên nghiệp năm 11 tuổi. 9 năm gắn bó với bơi lội, cô gái Tây Đô này đã khiến bản đồ bơi lội khu vực Đông Nam Á phải thay đổi. Ở SEA Games Năm 2015, với thành tích 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ, 8 lần phá kỷ lục SEA Games, Ánh Viên được bầu chọn là VĐV nước ngoài xuất sắc nhất tại SEA Games 28, được giới truyền thông quốc tế gọi là “cô gái thép”, đã ghi nhận sự thành công của Ánh Viên trên đấu trường quốc tế. Ánh Viên năm qua còn giành quyền tham dự Olympic 2016 tại Brazil với 3 chuẩn A, trong đó, cô giành 1 HCB, 2 HCĐ giải bơi Cúp thế giới tại Nga và Pháp; giành 7 HCV, 5 HCB tại giải vô địch các nhóm tuổi châu Á tại Thái Lan; HCV tại Đại hội thể thao quân sự thế giới. Tính cả năm 2015, Ánh Viên giành 15 HCV, 6 HCB, 3 HCĐ quốc tế. |
Hà Chi
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất