(lienminhbng.org)
- Không còn giữ vị thế số 1 trong sự nghiệp quần vợt những xét về khả năng kiếm tiền, vẫn chưa ai trong làng banh nỉ bằng được Roger Federer.
Roger Federer - biểu tượng của marketing
Tại US Open 2013, các tay vợt sẽ chiến đấu để giành khoản tiền thưởng kỷ lục 34,3 triệu USD, tăng 37% so với năm ngoái. Mỗi tay vợt vô địch nội dung đơn nữ và đơn nam sẽ bỏ túi 2,6 triệu USD, một con số khổng lồ cho 2 tuần tranh đấu nhưng chỉ là phần nhỏ trong thu nhập của các tay vợt hàng đầu bởi bên ngoài sân banh nỉ, họ còn có nhiều kênh đầu tư khác mang lại lợi nhuận.
Tạp chí danh tiếng Forbes vừa công bố danh sách 10 tay vợt kiếm bộn nhất trong năm qua (6/2012-6/2013), theo đó tổng tiền thưởng của họ là 60 triệu USD nhưng tiền kiếm được từ các hợp đồng quảng cáo, triển lãm, kinh doanh... còn gấp 3 lần con số đó. Và dẫn đầu danh sách là Roger Federer với 71,5 triệu USD trong đó chỉ có 6,5 triệu USD tiền giải thưởng.
Federer điển trai, cuốn hút và không gây ra bê bối nào trong suốt sự nghiệp kéo dài cả thập kỷ của mình. Federer là người châu Âu nhưng nói tiếng Anh rất chuẩn, chơi môn thể thao với những giải đấu kéo dài cả năm để duy trì được hình ảnh của mình một cách xuyên suốt. Sở hữu những nhân tố đó, Federer được coi là “biểu tượng của marketing”.
Nike là đối tác lớn nhất của Federer, mỗi năm đều đặn trả cho anh 10 triệu bảng. Ngoài ra, tay vợt người Thụy Sỹ còn có hợp đồng với một loạt các thương hiệu như Wilson, Credit Suisse, Rolex Mercedes-Benz . Đối tác mới nhất của “chàng móm” là Moet & Chandon với bản hợp đồng trị giá 30 triệu USD. Tài khoản ngân hàng của Federer hồi tháng 12 năm ngoái cũng tăng lên đáng kể sau giải đấu biểu diễn ở Nam Mỹ với 14 triệu bảng thu về với chỉ vỏn vẹn 6 lần ra sân thi đấu.
Đứng thứ 2 trong danh sách là cô gái vàng của làng quần vợt Maria Sharapova với thu nhập 29 triệu USD. Con số nói trên giúp cô trở thành tay vợt nữ kiếm bộn nhất trong năm qua và chiếm giữ vị trí này năm thứ 9 liên tiếp. Gia sản của Sharapova tăng lên đáng kể từ lần vô địch Wimbledon năm 2004 khi cô chỉ mới 17 tuổi. Tháng Tư vừa qua, mỹ nhân làng banh nỉ cộng thêm Porsche vào danh sách dài các đối tác bao gồm Nike, Head, Samsung Electronics, Tag Heuer và Evian. Ngoài ra, “búp bê Nga” cũng thu về không ít tiền từ việc kinh doanh hãng kẹo Sugarpova.
Tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic đứng thứ 3 với thu nhập 26,9 triệu USD. Thống lĩnh quần vợt nam từ năm 2011, Djokovic có mặt trong 9 trên tổng cộng 12 trận chung kết Grand Slam và giành 5 chiến thắng. Phong độ xuất sắc của năm 2011 giúp Djokovic thu về 12,6 triệu USD tiền thưởng và con số đó ở năm 2012 là 12,8 triệu USD.
Dù tài năng vượt trội nhưng khả năng kiếm tiền bên ngoài sân đấu của tay vợt người Serbia vẫn thua xa Federer và cả Nadal (26,4 triệu USD- xếp thứ 4). Năm ngoái, Djokovic chia tay với đối tác tài trợ áo đấu Sergio Tacchini, chuyển qua hợp tác với hãng Uniqlo của Nhật Bản. Năm nay, Djokovic ký hợp đồng quảng cáo giầy với hãng Adidas. Anh cũng là đại diện hình ảnh của Head và Audemars Piguet.
Top 10 cho thấy sức hút ở tầm quốc tế của quần vợt. 10 tay vợt kiếm tiền nhiều nhất thuộc 10 quốc gia khác nhau. Serena Williams, đứng thứ 5 với 20,5 triệu USD, là tay vợt người Mỹ duy nhất có tên trong danh sách. Li Na đứng thứ 6 với 18,2 triệu USD, xếp sau cô lần lượt là Victoria Azarenka (15,7 triệu USD), Andy Murray (14,9 triệu USD), Caroline Wozniacki (13,6 triệu USD).
Tay vợt người Nhật Bản Kei Nishikori dù chỉ mới lọt vào tới tứ kết Australian Open 2012 nhưng đã bỏ túi 1,5 triệu USD tiền thưởng, 9 triệu USD tiền quảng cáo, giúp anh có vị trí thứ 10.
K.Đ
Theo Forbes, Sport