Khai mạc triển lãm truyện tranh Đức: Nổi lên manga phong cách Đức

14/06/2013 21:14 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Vào lúc 18h chiều nay (14/6) tại Nhà trưng bày và triển lãm TP.HCM (92 Lê Thánh Tôn, quận 1), triển lãm Truyện tranh, manga & Co. - Văn hóa truyện tranh mới của Đức đã khai mạc trang trọng. Triển lãm gồm 55 truyện tranh của 13 họa sĩ, từ phong cách truyện tranh kiểu “cổ điển”, đến comic và manga, mà manga là một nét mới của truyện tranh nước Đức.

TS Hans-Dieter Stell (tân Tổng lãnh sự CHLB Đức tại TP.HCM) phát biểu khai mạc

Truyện manga (mạn họa) của Nhật vào Đức khoảng đầu thập niên 1980, nhưng mới thực sự đình đám ở Đức chừng 5-7 năm trở lại đây, nhưng đến nay đã chiếm gần 70% thị phần truyện tranh của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Phát biểu khai mạc triển lãm, TS Hans-Dieter Stell (tân Tổng lãnh sự CHLB Đức tại TP.HCM) khẳng định: Truyện tranh là phương thức để đối thoại văn hóa một cách hữu hiệu. Trong giai đoạn mới nhậm chức, tôi có khá nhiều cuộc gặp gỡ và phát biểu, nhưng văn hóa bao giờ cũng được ưu tiên trên hết. Đây là lần thứ hai tôi được vinh dự phát biểu tại triển lãm vòng quanh thế giới này, nhưng vẫn rất xúc động vì sức mạnh của truyện tranh với văn hóa đại chúng.

Manga phong cách Đức tại triển lãm

TS Paul Weinig (Viện trưởng Viện Goethe tại TP.HCM) thì phát biểu: Tại Đức, lớp người lớn tuổi hay phàn nàn rằng giới trẻ ngày nay không chịu đọc, mới nghe thấy có lý, nhưng thật ra, họ đã sai. Giới trẻ ngày nay chỉ không đọc những thứ mà lớp người lớn tuổi đã đọc, họ ưu tiên đọc những thứ khác. Với thế mạnh về thị giác, nơi hình ảnh bao giờ cũng tác động nhanh và mạnh hơn chữ viết, truyện tranh là thứ mà giới trẻ đọc. Nếu không quan sát rộng, chúng ta dễ dàng đánh giá sai hàm lượng tri thức và thông tin của truyện tranh, khi mà ngày nay nó đã đề cập sâu sát và sâu sắc nhiều vấn đề, từ triết học, chính trị cho đến thi ca.

Tiền thân của tranh manga xuất hiện ở Nhật từ thế kỷ thứ 5, thứ 6, định danh từ thế kỷ 18, nở rộ thì phải đến sau Thế chiến II. Nó được dịch ra nhiều ngôn ngữ, sớm nhất là Brazil, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Đức, Mexico, Argentina, Tây Ban Nha, Ý… và cả Việt Nam.

Tại các nước mà manga Nhật đi qua, nó đều gây tác động đến diện mạo chung của nền mỹ thuật, các lĩnh vực thị giác, điều này chắc cũng có dấu ấn với Việt Nam.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm