Nhà thơ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: 'Tình yêu, có đâu sợ dư thừa'

01/12/2013 14:05 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Có nhiều người sáng tác văn chương xuất thân từ ngành y. Dường như văn chương cũng là một… phác đồ điều trị. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một người như thế.

NXB Hội Nhà văn và Phương Nam book vừa ấn hành tập thơ Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Đây được xem như tuyển tập thơ của vị bác sĩ nhi khoa, ông được biết đến với tư cách nhà thơ từ trước 1975 khi dùng bút danh Đỗ Nghê cho các sáng tác của mình.

Bác sĩ, thiền giả, nhà thơ

Nhà thơ Đỗ Nghê xuất hiện lần đầu trên tạp chí uy tín Bách Khoa từ năm 1960. Trước 1975, ông ấn hành hai tập thơ Tình người (1967) và Thơ Đỗ Nghê (1974). Sau này ông in Giữa hoàng hôn xưa (1993) và Vòng quanh (1997). Với bốn tập thơ trong khoảng nửa thế kỷ chứng tỏ ông làm thơ không nhiều như “gà đẻ trứng”. Nhưng trong nhìn nhận của đồng nghiệp, Đỗ Nghê hay bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lại là một thi sĩ thứ thiệt.


Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác

Nhà thơ Đỗ Trung Quân viết lời tựa cho “sự trở lại” của Đỗ Nghê trong tập Giữa hoàng hôn xưa vào năm 1993, nhận xét: “Có một chàng thi sĩ một hôm vì lẽ gì đó bỏ đi làm thầy thuốc. Mười năm… hai mươi năm… anh cặm cụi chăm sóc, chữa lành, làm dịu nỗi đau của trẻ thơ; anh buồn vui cùng nỗi buồn vui của những người làm cha mẹ. (…). Tôi xác tín. Ta đang có trong tay một thứ thơ đích thực. Không cố buồn khi chưa đủ buồn. Không cố vui khi chưa đủ vui. Không cố nhớ khi chưa đủ nhớ! Thứ thơ mọc từ cội rễ tâm hồn, tự nhiên và giản dị như lời nói. Nhưng, là thứ lời nói đủ để làm giật mình”.

Thế nhưng, cuộc đời này vẫn biết đến Đỗ Hồng Ngọc với tư cách một bác sĩ nhiều hơn là thi sĩ. GS, nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Như Phương phân tích nguyên nhân này: “Đỗ Hồng Ngọc gây cho chúng ta cảm tưởng ông là một nhà thơ thoắt ẩn, thoắt hiện, ẩn mà hiện, hiện mà ẩn. Có phải vì cái tên Đỗ Hồng Ngọc đã quá nổi tiếng với tư cách một tiến sĩ y khoa đã phần nào che mờ tác giả như một nhà thơ? Hay là vì chính những tác phẩm bàn về y học, thiền học của ông, với chất thơ bàng bạc trong đó, cũng mang đủ những phẩm chất thi ca, cho nên người đọc không còn phân biệt ở ông đâu là nhà thơ, đâu là thiền giả và đâu là bác sĩ của tuổi thơ?”.

Đỗ Hồng Ngọc tốt nghiệp tiến sĩ y khoa tại Sài Gòn từ 1969. Nhưng trong nghề y, ông là người học hỏi không ngừng để đáp ứng các yêu cầu chuyên môn. Khi đang làm Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe TP.HCM (1985 - 2005), ông đã đi học thêm ngành Y tế công cộng tại ĐH Harvard Hoa Kỳ (1993) và Giáo dục sức khỏe tại CFES, Pháp (1997). Đỗ Hồng Ngọc học để làm chuyên môn và học để làm thầy với vai trò giảng viên thỉnh giảng Bộ môn Nhi, ĐH Y dược TP.HCM (1981 - 1995) và Trưởng Bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (1989 - 2013).

Nỗi đau của một bác sĩ

Nhưng làm con người trong quy luật “sinh tử”, Đỗ Hồng Ngọc hay những bác sĩ giỏi nhất thế gian này, cũng không thể níu giữ lại một con người đã đến lúc phải chia xa cuộc đời. Đau đớn hơn, người phải chia xa mãi mãi đó lại là người thương yêu của mình.

Tuyển thơ Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác ở phần thứ ba có 11 bài thì đến 9 bài nhà thơ viết về người con gái đã khuất của ông. Đây có lẽ là phần xúc động nhất của tuyển thơ này. 


Đỗ Hồng Ngọc

Trong bài Tình yêu, ông viết: “Trước mộ con còn ướt/ Ba nói với bạn ba rằng/ Từ nay hãy yêu con mình cách khác/ Đừng như ba/ Giấu kín trong lòng/ Bởi tình yêu/ Có bao giờ cho đủ/ Có đâu sợ dư thừa/ Như ba đã sai lầm bao nhiêu”.

Tình yêu của người đàn ông dành cho con cái thường âm thầm, đôi khi tưởng chừng lạnh lẽo, bất động như “núi Thái Sơn” chứ không réo rắt như “nước trong nguồn” của người phụ nữ. Để rồi khi mất đi người con mình yêu, nhà thơ mới nhận ra rằng: “Hãy tỏ bày đi/ Vồ vập đi/ Âu yếm ồn ào đi/ Tình yêu/ Có bao giờ cho đủ/ Có đâu sợ dư thừa…”.  Tâm trạng này của nhà thơ đã chạm vào tâm trạng chung của nhiều người làm cha khác.

HOÀNG NHÂN
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm