Vĩnh biệt nghệ sĩ Hán Văn Tình: 'Sao' tuồng nổi tiếng nhờ truyền hình

05/09/2016 06:12 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - “Hán Văn Tình là người rất nhiệt tình đúng như cái tên của ông. Đặc biệt, trong công việc, ông làm việc rất trách nhiệm, từ việc nhỏ đến việc lớn đều chắc chắn” - NSND Lê Tiến  Thọ, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam chia sẻ.

Theo NSND Lê Tiến Thọ, Hán Văn Tình xuất thân từ cậu bé nông thôn vùng núi Tam Nông, Phú Thọ. Hồi bé đó, thực ra Hán Văn Tình trông rất buồn cười bởi mái tóc lưa thưa... Sau này, nhìn ông cũng rất buồn cười, nhưng có thêm tính nhiệt tình, hài hước.

Lợi thế “cái đầu trọc”...

“Ngày đó, khi thầy trò trường Sân khấu Điện ảnh về Phú Thọ sơ tán đã tổ chức nhiều đợt tuyển sinh. Nhiều thầy, cô cho rằng, sao lại tuyển Hán Văn Tình, vì hình thức không đẹp, lại thấp, nhỏ, tóc lại chẳng có, nhưng thầy của tôi quyết định tuyển để cho vào các vai hài trên sân khấu, bởi có phải ai cũng diễn hài được đâu? Thầy tôi còn ủng hộ Hán Văn Tình vì nghĩ rằng sau này anh còn lớn lên. Nhưng vào trường rồi mà Hán Văn Tình trông vẫn vậy, khiến ban giám hiệu nhà trường nhiều lúc chán nản bảo sao lại có học trò thế này...” - ông Lê Tiến Thọ nhớ lại.

Chính vì thế, sau này về trường Sân khấu Điện ảnh để học, Hán Văn Tình bị bạn bè trong lớp chê. NSND Lê Tiến Thọ còn nhớ y nguyên câu thơ Hán Văn Tình đọc khi đó: “Các bạn nhìn em các bạn cười/ Em nhìn các bạn lệ tuôn rơi...”.


NSƯT Hán Văn Tình trong phim hài “Thông gia đón Tết”

“Nhưng rồi, với ý chí, sự nhiệt tình cùng tài năng bẩm sinh của mình, Hán Văn Tình học múa, học hát... và ra trường về biểu diễn trên sân khấu tuồng. Ông không vào các vai hài mà vào các vai phản diện, đồng thời cố gắng tạo ra được các tính cách phản diện. Vì thế, Hán Văn Tình múa, diễn khá thành công, nhưng giọng hát của ông thì không hay...

Sau gần hai năm chiến đấu cùng căn bệnh ung thư phổi, NSƯT Hán Văn Tình đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 11h20 ngày 4/9 tại nhà riêng, hưởng dương 59 tuổi. Trước đó 3 hôm, nghệ sĩ nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu. Theo thông tin từ gia đình, dự kiến, ông được an táng tại Khu nhà vườn, xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Rồi đến thời của điện ảnh, truyền hình. Các đạo diễn muốn tìm nghệ sĩ có cá tính đã gặp Hán Văn Tình. So với mọi người, “cái đầu trọc” của Hán Văn Tình là một lợi thế và ông đã dựa vào lợi thế ngoại hình này để chuyển từ vai phản diện thành vai hài khá thành công. Đó là cái riêng của Hán Văn Tình so các nghệ sĩ khác đã có chất hài...”- NSND Lê Tiến Thọ, người từng làm khuynh đảo sân khấu tuồng một thời nhận định.

Hán Văn Tình gánh vác những khó khăn…

NSND Lê Tiến Thọ coi Hán Văn Tình như người em trong gia đình, đồng thời cũng là lớp đàn em trong trường Sân khâuĐiện ảnh. Khi Hán Văn Tình về Nhà hát Tuồng Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ đang làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc, thì những công việc khó khăn của nhà hát đều do Hán Văn Tình gánh vác.

“Hán Văn Tình không chỉ có chuyên môn mà còn quá tốt, quá nhiệt tình với anh em trong nhà hát. Khi Hán Văn Tình làm đoàn trưởng, mọi việc vất vả, đi đêm về hôm, mưa nắng, diễn ra sao, tết nhất, doanh thu thế nào... đều một mình anh xả thân. Nhưng tính Hán Văn Tình cũng thẳng thắn, đã “bốc lên” là“không ngán gì”, coi trời bằng vung...” - ông Lê Tiến Thọ kể.

Trong nghệ thuật tuồng, Hán Văn Tình ghi dấu ấn với các vai diễn phản diện, tiêu biểu như vai Lê Hoàn bán nước trong tuồng Đề Thám. Còn trên truyền hình, ông lại để ấn tượng với các vai diễn hài dí dỏm, ngô nghê...

“Trong gia đình, Hán Văn Tình cũng là người chịu khó, lại thương vợ thương con. Đôi khi ông có tính gia trưởng, nhưng vợ Hán Văn Tình vốn là một hộ tá bệnh viện rất giỏi chịu đựng.Hán Văn Tình bị ung thư phổi và xin nghỉ chế độ về 3 năm. Ông ra đi để lại cho sân khấu tuồng và sân khấu hài nhiều điều tiếc nuối...”- Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhấn mạnh.

Với tuồng, Hán Văn Tình tài thế, chứ tài nữa cũng không ai để ý...

NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ thêm: “Hiện nay, trên truyền hình không có những chương trình giới thiệu về nghệ thuật truyền thống và những người làm sân khấu truyền thống gần như bị rơi vào sự quên lãng của xã hội. Cho nên, chỉ cần vai diễn nhỏ trên truyền hình họ đã có thể nối tiếng. Trường hợp nghệ sĩ Hán Văn Tình là như thế. Hán Văn Tình nổi tiếng không phải từ sân khấu tuồng. Và với tuồng, Hán Văn Tình tài thế, chứ có tài nữa thì cũng không ai để ý. Hơn nữa, với sân khấu truyền thống, nghệ sĩ lại bị hóa trang khác đi, do đó sự động viên của xã hội chưa đáp ứng được với những lao động vất vả của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, điều đáng mừng là gần đây, trong những chương trình tìm kiếm tài năng đã có những cháu bé yêu sân khấu tuồng, yêu nghệ thuật truyền thống và được tôn vinh trong những cuộc chơi trên truyền hình...”.

Hoài Thương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm