10/04/2022 07:08 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Năm Cảnh Trị thứ 3, đời vua Lê Huyền Tông (1663 - 1671), nhà vua ra sắc dụ bắt phụ nữ phải trở lại truyền thống mặc váy. Triều Minh Mạng trong 20 năm ra tiếp hai chiếu chỉ “cấm quần không đáy người ta hãi hùng”.
Nhưng đó là chuyện ở xứ ta, còn cái quần, như ta biết hôm nay, có lịch sử lâu đời hơn rất nhiều. Tạm bỏ qua khái niệm về văn hóa hay thời trang - tại sao cái quần liên quan đến một binh chủng hùng mạnh?
Việc phát minh ra quần, nói theo ngôn ngữ thời nay, là có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của quần áo bảo hộ chuyên dụng cho phần chân và bụng, chống lại các tác động cơ học và thời tiết.
Người đẹp vì lụa
Xác ướp băng ba ngàn năm tuổi của chiến binh Oetzi được tìm thấy trên núi Alps năm 1991 đã khiến các nhà khảo cổ học tự đặt ra câu hỏi: Oetzi quấn da thú quanh đùi để chống tuyết giá, trông khá giống quần, vậy con người nghĩ ra cái quần“hiện đại”, tức là có đũng, từ khi nào?
Những cái quần có hình dạng tương đương với ngày nay đã được sử dụng bởi kỵ sĩ người Scythia, người Sarmatia và người Dacia, nó cũng khá phổ biến trong các tộc người Trung Quốc và Mông Cổ. Ví dụ cổ nhất về cái quần cho đến nay được một nhóm khảo cổ học Trung Quốc và Đức tìm thấy trong một khu mộ ở Thổ Lỗ Phiên thuộc khu tự trị Tân Cương, và được làm ra vào cuối thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Phát hiện này lý thú đến nỗi nhóm nghiên cứu mở rộng dự án “Thời trang Con đường Tơ lụa” để đi sâu hơn vào đề tài này.
Từ đầu tháng Tư năm nay, cổ vật đó, nói đúng hơn là một phiên bản trung thực của nó, được trưng bày tại Triển lãm Khảo cổ học Quốc gia ở thành phố Chemnitz với tiêu đề hiện đại: Schmuck macht Leute (tạm dịch: Người đẹp vì lụa). Việc xác định niên đại làm giới chuyên môn choáng váng: Bộ quần áo còn khá lành lặn ấy đã có hơn 3.000 năm tuổi! May mắn ấy nhờ vào điều kiện khí hậu. Độ ẩm vô cùng thấp ở rìa sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can gần Con đường Tơ lụa ngày xưa đã bảo vệ các hiện vật trước sự phân hủy. Các chuyên gia mất nhiều năm để phân tích, kiểm tra và tái tạo từng chi tiết. Họ để lạinguyên bản ở Trung Quốc và gửimột phiên bản giống hệt đến Chemnitz.
Tác phẩm “nghệ thuật ứng dụng” ấy được chắp nối từ ba phần: hai phần ống và phần đũng nhiều nếp gấp, nhưng không phải được khâu với nhau mà mỗi phần là một sản phẩm dệt nguyên mảnh trên khung cửi, chỉ có một đường may duy nhất ở đũng. Đáng chú ý là những cái quần tìm được ở Thổ Lỗ Phiên dường như không chỉ để bảo vệ, vì chúng có nhiều đường trang trí màu sáng dệt xen kẽ. Đó là bằng chứng cho thấy ngay từ đầu chúng không chỉ thiên về chức năng mà còn mang kỳ vọng về ngoại hình và thời trang.
Kiểu quần “tây” mới mẻ ấy dường như không chỉ dành riêng cho nam giới. Trong một ngôi mộ khác ở cùng nghĩa trang, người ta còn tìm được một người phụ nữ mặc quần dài, khoảng 2.000 năm tuổi.
Lịch sử chìm nổi
Khoảng năm 750 trước Công nguyên người châu Âu tiếp quản “mốt” quần dài đến mắt cá chân từ các dân tộc khác, có thể từ người Celt.
Thời kỳ đồ sắt được coi là mốc đầu tiên trong sử sách, ghi lại hiện tượng người German biết... mặc quần. Thoạt tiên người ta lấy vải quấn quanh chân, một dạng xà cạp mà các bà các cô ở nông thôn vẫn dùng để chống đỉa khi xuống ruộng cấy. Sau đó sinh ra mẫu quần rộng thùng thình, giữ ở eo bằng một sợi thừng hay dây da.
Vào thời cổ đại, trong mắt người La Mã và Hy Lạp thì kiểu quần của người German và người Gallia là biểu hiện của hạng người man di mọi rợ. Vào cuối thế kỷ 4, một sắc lệnh của Hoàng đế Flavius Honorius Augustus quy định việc mặc quần trong thành phố là một tội hình sự - nhằm vạch ra ranh giới văn hóa giữa các nền văn hóa La Mã và German, âu cũng là một phản ứng trước mối đe dọa ngày càng tăng về sự suy tàn của Đế chế Tây La Mã bởi các cuộc xâm lược của người German, mà thực tế là các dân tộc German ngày càng hiện diện đông đảo ở Ý, phổ biến ở dạng lính đánh thuê trong quân đội La Mã.
Kể từ cuối thời Trung cổ, sự phát triển của châu Âu đã khiến cái quần trở thành biểu tượng địa vị của đàn ông, và chuyện nam giới quấn váy đã ít phổ biến hơn, ngoại trừ loại váy ca rô và thắt lưng buộc dây ở Scotland cũng như một số địa phương Hy Lạp và Albania.
Quần dài, cũng như xà cạp quấn chân vẫn thông dụng ở châu Âu cho đến thế kỷ thứ 10. Vào thế kỷ 14, áo phủ bên ngoài trở nên ngắn hơn, thường chỉ che đến mông, làm lộ rõ quần lót và tất chân.
Vào giữa thế kỷ 15 con người biết may tất quần, thường chỉ mặc bên trong cho ấm; ngày nay nó có dạng dày dặn hơn (legging) và được các bà các cô biến thành quần đi tung tăng ngoài đường, muốn biết đó là tất hay quần bó sát thì chỉ còn dựa vào màu sắc và độ xuyên thấu.
Lại nói chuyện người Hy Lạp hoặc người La Mã ngày xưa, muốn khắc họa những kẻ man rợ thiếu văn minh thì họ chỉ cần gọi đó là bọn mặc quần. Ví dụ, trên hình khắc thân cây cột mà Hoàng đế Trajan ghi lại các chiến dịch của ông chống lại người Dacia ở Romania ngày nay, bọn mặc quần dài là những kẻ man rợ thua trận hoặc thuộc nhóm hầu hạ.
Mặc quần cũng lắm công phu
Giám đốc khoa học của Khoa Âu Á thuộc Viện Khảo cổ học Đức, Mayke Wagner, người tham gia vào việc phát hiện ra chiếc quần, cho biết: “Với triển lãm Chemnitz, chúng tôi cũng kỷ niệm phát minh ra quần bò. Giống như chiếc quần Levis mà doanh nhân người Frankenland (Đức) Levi Strauss đã thiết kế riêng cho những người thợ đào vàng và phu hồ ở Mỹ, loại quần này có độ bền phi thường. Sợi vải và tay nghề chắc chắn đến mức chiếc quần có thể tồn tại suốt đời”.
Nó được làm bằng len cừu và ba bộ phận riêng lẻ được may lại với nhau với chiều rộng lớn ở đáy quần để chân có thể dạng sang hai bên. Cấu trúc đó đòi hỏi các kỹ năng kỹ thuật phát triển. Để quay các sợi chỉ, để dệt chúng thành một bề mặt và chuyển vải hai chiều này sang cơ thể người mà không lãng phí, người ta cần có kiến thức toán học và khả năng trừu tượng hóa nhất định. 5 ngàn năm trước đó, người ta chỉ có váy, áo khoác và khố để chống chọi với thời tiết.
Hai chi tiết khác ghi lại sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Độ co giãn của vải cho thấy những người thợ may của chiếc quần này đã thuần hóa được giống cừu cung cấp loại len chất lượng cao. Và việc phát minh ra quần và đường cắt rộng cho thấy rằng người mặc nó dịch chuyển thường xuyên và có một thời gian dài trên lưng ngựa.
Rõ ràng đây là tình cảnh của hơn 3 ngàn năm trước. Cho đến nay, người ta vẫn cho rằng giống ngựa với vóc dáng đủ lớn để có thể cưỡi chỉ được xuất hiện vào thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên. Quá trình thuần hóa động vật móng guốc kỳ lạ này bắt đầu từ 5 ngàn năm trước, nhưng những con ngựa hồi đó quá nhỏ nên chúng chỉ được dùng làm động vật kéo. Chiến binh của các đế chế vĩ đại thuộc thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên thường ra trận với những cỗ xe được ngựa kéo.Việc sử dụng những chiến xa này đòi hỏi hậu cần phức tạp và mặt bằng phẳng phiu. Các đội kỵ binh cơ động hơn và hữu hiệu hơn nhiều. Với cung và tên, các kỵ binh cũng có một loại vũ khí để tấn công đối phương chân đất từ xa. Người La Mã đã có trải nghiệm đau đớn khi quân đoàn của họ bị tấn công bởi đối thủ năng động trên lưng ngựa. Họ hết ngạo mạn khi gọi dân mặc quần là bọn mọi rợ.
Cũng thật vô lý, vì cái quần là bằng chứng về khả năng sáng tạo của con người, xét trên nhiều khía cạnh. Một mặt, việc sản xuất chúng đòi hỏi kỹ thuật và vật liệu công phu. Mặt khác, nó chỉ ra sự tồn tại của một người bạn đồng hành mới của con người: Con ngựa! Vì cái quần là một phát minh vĩ đại để người mặc có thể dạng chân rộng - và đó chính là trang bị đầu tiên cho một binh chủng có ý nghĩa quyết định thắng bại thời bấy giờ, là kỵ binh.
Ngay cả trước khi tìm ra các ngôi mộ ở Thổ Lỗ Phiên, các nhà khảo cổ hầu như vẫn nhất trí rằng những người du mục cưỡi ngựa trên thảo nguyên Á-Âu biết mặc quần từ lâu lắm rồi. Lúc đó, việc sản xuất một loại trang phục phức tạp như chiếc quần dài mới có ý nghĩa. Có thể tin rằng phát minh này đến từ dân du mục của thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên, và Trung Hoa đã đi trước nhân loại một chặng đường dài, không chỉ với thuốc súng, nghệ thuật in sách và chiêm tinh học. Mà cả nghệ thuật… mặc quần.
Lê Quang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất