Cơ trưởng Thư Uyển: 'Hãy thức dậy và đi học bay, nếu thích'

17/06/2024 07:27 GMT+7 | Văn hoá

Tác phẩm Cơ trưởng từ buồng lái của Thư Uyển có thể xem là cuốn tự truyện đầu tiên về nghề phi công thương mại của một cơ trưởng người Việt Nam. Sách ghi chép lại những trải nghiệm cá nhân về một nghề nghiệp đặc biệt, vốn còn xa lạ và bí mật với độc giả phổ thông.

Thư Uyển là bút danh của một cơ trưởng máy bay Airbus A321 thuộc Vietnam Airlines. Vì không muốn xuất hiện với tư cách nhà văn hoặc phi công, mà chỉ là người kể chuyện, nên anh dùng bút danh cho sách và không cung cấp chân dung chính diện. Có lẽ vì thế mà cho dù sách đã ra mắt được một thời gian nhưng giờ đây, chúng tôi mới có dịp được trò chuyện với anh:

Cơ trưởng Thư Uyển: 'Hãy thức dậy và đi học bay, nếu thích' - Ảnh 1.

Cơ trưởng Thư Uyển trong buồng lái

* Cuốn sách của anh được giới thiệu là "cuốn sách đầu tiên về chủ đề phi công thương mại của một cơ trưởng người Việt Nam", theo anh đâu là nguyên do các cơ trưởng thương mại ở nước ta ít chia sẻ về nghề nghiệp của mình.

 - Viết thì ít, nhưng làm clip và chia sẻ hình ảnh thì tôi thấy khá nhiều. Có thể đó là những cách thức kể chuyện hiện đại hơn, giải trí hơn, dễ tiếp cận hơn là viết?   

* Sách có cấu trúc như một nhật ký, ghi lại chuyện từ năm 2011 đến 2021. Từ học viên, cơ phó, cơ trưởng, rồi đến các biến cố trong đại dịch Covid-19. Trong mười năm đó, có bao giờ anh thấy thất vọng và muốn bỏ nghề không?

- Có, vào thời kỳ đầu khi tôi bắt đầu học bay. 

Leonardo da Vinci nói rằng, ai mà đã thử cảm giác bay lượn thì lúc nào đi dưới đất cũng ngước đầu nhìn lên vòm trời, vì đó là chốn duy nhất người ta muốn trở lại. Ý tưởng nên thơ ấy tồn tại trong đầu tôi chỉ vài phút sau lần cất cánh đầu tiên. Vừa lên trời, tôi đã muốn xuống đất. Tôi bị say máy bay. 

Sau đó, tôi gặp nhiều khó khăn để làm quen với hoạt động bay. Vốn là nhân viên văn phòng, tôi chỉ quen ngồi một chỗ và làm việc với máy tính. Cho nên việc phải điều khiển một chiếc máy bay và làm quen với chiều thứ ba của không gian làm tôi chới với. So với việc bàn giấy, lái máy bay cần những cơ bắp khác, những neurone (nơ-ron) khác. Nhiều lần về nhà sau những bài bay không như ý, tôi khá chắc là mình đã chọn sai nghề.

Tuy nhiên, vài năm sau, khi "đã tỏ đường đi lối về" trong công việc, thì tôi khá chắc là nghề đã chọn đúng tôi.  

Cơ trưởng Thư Uyển: 'Hãy thức dậy và đi học bay, nếu thích' - Ảnh 2.

Cuốn “Cơ trưởng từ buồng lái”

* Trong sách anh kể về chuyến bay đầu tiên ở vị trí học viên, rồi cơ phó, nhưng không có chuyến đầu tiên ở vị trí cơ trưởng. Lần đầu tiên "cầm lái" với ví trí cơ trưởng, cảm giác của anh thế nào?

- Khi bay ở vị trí cơ trưởng, tôi đã trải qua 5 năm bay cơ phó và nửa năm được huấn luyện cơ trưởng với các giáo viên bay. Cho nên ngày đầu ở vị trí cơ trưởng, tôi không bỡ ngỡ nhiều. Thêm nữa, vì chú trọng an toàn, nên công ty luôn xếp các cơ trưởng mới bay chung với các cơ phó kinh nghiệm. Kết quả là các chuyến bay diễn ra vô cùng bình thường, không có chuyện chi đặc biệt để kể lại. 

Có chăng là việc tôi ý thức được mình còn ít kinh nghiệm, nên chủ động làm mọi việc từ tốn để tránh sai sót. Từ tốn hơn bình thường. Tôi dặn trước cơ phó và tổ tiếp viên của mình, thông cảm nha, cơ trưởng mới nên sẽ hơi chậm. Và phi hành đoàn cười rất thông cảm, không sao đâu anh, cả máy bay sẽ chờ cơ trưởng (mới).   

* Chắc không chỉ có những kỷ niệm đẹp? Có chuyến bay nào làm anh ám ảnh tới giờ không?

- Lúc huấn luyện, các giáo viên thường nói với chúng tôi rằng, khi chuyến bay gặp khó khăn, người cơ trưởng thường trải qua những khoảnh khắc rất đơn độc. Vì lẽ, khi làm cơ phó, có chuyện gì, anh cũng có thể nhìn sang trái để tìm câu trả lời ở cơ trưởng. Khi huấn luyện, có chuyện gì, anh cũng có thể quay sang phải để tìm giải đáp từ giáo viên. Nhưng khi làm cơ trưởng, nếu có chuyện gì, quay sang phải anh sẽ thấy ánh mắt cơ phó đang nhìn mình, còn quay sang trái là cái cửa sổ. 

Cơ trưởng Thư Uyển: 'Hãy thức dậy và đi học bay, nếu thích' - Ảnh 3.

Cuốn sách theo Thư Uyển vào buồng lái

Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Trong bốn năm làm cơ trưởng, tôi không ít lần có những chuyến bay khó khăn. Và lần nào cũng như lần nấy, tôi nhận được những tham mưu vô cùng hữu ích. Từ cơ phó bên phải, từ tiếp viên sau lưng, từ không lưu và công ty dưới mặt đất. Cho nên, chưa bao giờ tôi thấy đơn độc như các thầy cảnh báo cả. 

Hoạt động hàng không hiện đại rất an toàn, rất nhiều phía tham gia, nên không có chuyện "trăm điều hãy cứ trông vào một ta" như thời trước. Cơ trưởng luôn nhận được những hỗ trợ hữu hiệu và chuyên nghiệp. Đó là lý do không có chuyến bay nào làm tôi ám ảnh. Đó cũng là lý do hàng không luôn là phương tiện an toàn số một.  

* Nhà văn Saint-Exupéry từng ví phi công như mục đồng thảnh thơi dạo bước. Những chuyến bay có đem lại cho anh những cảm giác thi vị như thế không? 

 - Thời của Saint-Exupéry, hàng không là một địa hạt mới mẻ. Không thiết bị, không không lưu, không đường bay, không hỗ trợ, các phi công thường xuyên phải mò mẫm bay sát với mặt đất và phải bay hàng giờ liền mà không nói chuyện với bất kỳ ai. Trước mắt là trời non nước, phía dưới là các thành phố, chung quanh là không gian tĩnh lặng, phải chăng là chất xúc tác làm cho các phi công thời ấy như Saint-Exupéry tức cảnh sinh tình?

Thời nay, như đã nói, khác hẳn. Phi công dường không bao giờ bị/được cô đơn. Buồng lái ít nhất có hai người. Radar theo dõi mỗi chuyến bay từ đầu chí cuối. Không lưu và phi công không ngừng liên lạc. Thậm chí, tiếp viên khi thấy lâu lâu rồi các phi công không động tĩnh gì, sẽ bấm chuông xin vào buồng lái. Họ sẽ hỏi tổ lái có cần thêm trà hay cà phê không, nhưng thực ra là để quan sát xem buồng lái có chuyện gì bất thường không mà các anh chị yên lặng lâu thế. 

Trong một hoàn cảnh như vậy, sự thi vị của bay lượn bị giảm đi và cho tính an toàn được nâng lên. Điều này chắc không tốt cho những tâm hồn bay bổng như Saint-Exupéry, nhưng tốt cho hành khách.

Cơ trưởng Thư Uyển: 'Hãy thức dậy và đi học bay, nếu thích' - Ảnh 4.

Thư Uyển ký sách cho độc giả

* Điều gì thôi thúc anh viết lại những trải nghiệm này?

- Vì một lý do vị kỷ mà tôi thổ lộ ở cuối sách. Gia đình của tôi và cũng như của hầu hết các phi công khác, không bao giờ có dịp được vào buồng lái để xem chúng tôi làm việc. Cho nên tôi thuật lại.

Tôi nghĩ cuốn sách của mình hợp với hai đối tượng: người nhà phi công và độc giả phổ thông. Người nhà đọc sẽ hiểu hơn về nghề phi công, hiểu để thương. Độc giả phổ thông khi đọc, tôi hy vọng họ sẽ sống được, dù trong giây lát, một cuộc sống mới và khác, cuộc sống của các phi công. 

Mà biết đâu khi đọc cuốn sách về nghề bay do phi công viết, độc giả của tôi sẽ bắt đầu viết về công việc của họ. Nếu cuốn sách tạo được cảm hứng như vậy, tôi sẽ rất vui. Tôi luôn mong đọc được những câu chuyện, những trải nghiệm, những suy tư về nghề nghiệp của những người khác.

* Cuốn sách khép lại, nhưng những chuyến bay của anh thì vẫn tiếp tục. Vậy thì độc giả có thể chờ đợi được nghe tiếp những câu chuyện tiếp theo "từ buồng lái", trong tương lai?

- Dĩ nhiên, tôi còn bay thì còn chuyện để thuật lại. Chuyện bay thời "bình thường mới". Chuyện bay thời hậu Covid-19. Chuyện bay xuyên lục địa, nếu tôi được chuyển bay những phi cơ lớn hơn. Chuyện bay huấn luyện các phi công mới, nếu tôi được nâng cấp thành giáo viên. Chuyện bay ở một công ty mới, một đất nước mới, nếu tôi thay đổi công việc. Hoặc tiếp tục chuyện bay trên ghế cơ trưởng của hãng hàng không quốc gia.  

* Từ tâm thế một cơ trưởng, anh có lời khuyên nào dành cho các em nh cũng đang mơ về giấc mơ phi công không?

- Hãy thức dậy và đi học bay, nếu thích. Chắc chỉ vậy thôi.

* Cảm ơn anh. 

"Mà biết đâu khi đọc cuốn sách về nghề bay do phi công viết, độc giả của tôi sẽ bắt đầu viết về công việc của họ. Nếu cuốn sách tạo được cảm hứng như vậy, tôi sẽ rất vui" - Thư Uyển.

An Kha (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm