10/11/2011 07:16 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH Cuối tuần) - Ít tên tuổi trong làng thời trang được trường thọ như Gabrielle Chanel, được biết hơn với tên Coco Chanel, người đã thay đổi cả hình ảnh bề ngoài của phái yếu. Mốt đến rồi đi, nhưng nước hoa Chanel số 5 thì gần như đạt danh hiệu bất tử, bất kể người ta ưa hay ghét nó - vì nó không có mùi hoa, mà tỏa hương thơm của chính phụ nữ dùng nó. Cho đến nay ít chi tiết về đời tư của bà được tiết lộ, càng ít ai biết Coco Chanel liên quan đến vận mệnh thế giới ra sao.
Quyền lực Chanel
Coco Chanel thời trẻ
Để mặc được đồ của Chanel, phụ nữ ngày ấy phải mang theo một lòng dũng cảm vô biên, vì Paris của những năm 1930 chỉ biết đến áo dài len hoặc đăng-ten trùm mắt cá chân và khăn lông vũ quấn cổ. Đột nhiên xuất hiện một trào lưu mới với đại diện phái yếu để tóc đàn ông, mặc áo dài hở vai và đầu gối, hút thuốc, lái xe và biết nhảy điệu Charleston khiêu khích. Từ đứa trẻ mồ côi, Coco trở thành một đại gia, sở hữu từ tiệm làm mũ đến xưởng may kiêm cửa hiệu ở đường Cambon đắt nhất Paris. Trong khi các quý bà rủng rỉnh tiền sưu tầm áo dài Chanel thì Coco sưu tầm... người tình. Từ Quận công Dimitry Pavlovich, cháu của Sa hoàng, cho đến Công tước Duke Of Westminster là người giàu nhất nước Anh ngày đó, dĩ nhiên không ngoại trừ các nghệ sĩ tên tuổi như Jean Cocteau hay Pablo Picasso. Năm 1936, cô gái nghèo khổ ngày nào đạt đỉnh điểm của thành công, hãng Chanel có tới 4 nghìn nhân viên.
Đệ nhị thế chiến gạch ngang tàn bạo mọi tính toán. Coco tung ra bộ thời trang cuối cùng với ba màu cờ Pháp rồi đóng cửa hiệu, bỏ Paris, sơ tán về miền biên giới sát Tây Ban Nha chưa bị phát xít Đức chiếm đóng.
Cuộc sống tỉnh lẻ không giữ chân được con người ngang ngạnh. Mùa Thu 1940 Chanel quay về Paris đang trong tay Đức. Nhưng khách sạn xa xỉ Ritz bên quảng trường Place Vendôme, nơi bà có một căn hộ nhỏ với cửa sổ nhìn sang cửa hiệu của mình ở phố Cambon, đã bị quân Đức trưng thu. Chanel đập cửa đòi, và quả thật bà được nhận lại nơi ở cũ. Nghe nói viên sĩ quan chỉ huy ban lệnh: “Nếu đó là người phát minh ra Chanel số 5 thì được”.
Một đề nghị điên khùng
Kể từ hôm đó trở đi, ngôi nhà sang trọng đầy chặt quân phục xám xịt được chứng kiến một sự kiện bê bối theo nghĩa kép: mối tình giữa nhà tạo mốt nổi tiếng thế giới với viên sĩ quan của đội quân xâm lược kém mình 13 tuổi, và nỗ lực của Chanel thông qua các tướng lĩnh Đức và đại diện của triều đình Anh nhằm kiến tạo một hòa ước riêng giữa Anh và Đức giữa lúc chiến sự đang lên cao trào.
Chuyện tình giữa Coco Chanel và Nam tước Hans Guenther von Dincklage người Đức sau này không được ai ghi lại, và Chanel cũng kín miệng về trang sử không lấy gì làm oai hùng ấy (sau khi giải phóng Paris, người ta tống tù Chanel một thời gian vì tội cộng tác với kẻ thù).
Von Dincklage là con trai một gia đình giàu có vùng Hannover với chi ngoại là quý tộc Anh. Bề ngoài ông là sĩ quan báo chí của sứ quán Đức, song thường rất rỗi rãi và được đồn là rất đào hoa. Thực ra Von Dincklage sang Paris từ năm 1933 với nhiệm vụ đặc biệt của Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels như tiểu sử của Chanel sau này tiết lộ, ít nhất thì không ai không nghi ông ta là sĩ quan tình báo. Cặp đôi lãng mạn này ít khi ló mặt ra ngoài, chỉ trụ lại khách sạn trong một bầu không khí rất xa mùi súng đạn: nàng hát, còn chàng đệm dương cầm.
Coco Chanel và người tình Hans Guenther von Dincklage (nguồn: Dailymail.co.uk)
Mùa Hạ 1943, Von Dincklage giới thiệu với Coco một bạn quân ngũ được giao phụ trách ngành dệt may của Pháp. Viên đại úy Theodor Momm là người Bỉ, xuất thân từ một nhà có năm đời làm nghề vải vóc. Cuộc gặp gỡ này mang tính định mệnh: đại úy Momm trở thành mắt xích ngẫu nhiên của một sự kiện sau này đi vào sử sách Thế chiến II. Và thiếu chút nữa thì sự kiện ấy đã thay đổi cơ bản cục diện thế giới. Coco đề nghị Momm tổ chức cho mình cuộc gặp với Thủ tướng Anh đương nhiệm là Winston Churchill để thuyết phục ông mật đàm với phía Đức về một cuộc ngừng chiến tay đôi.
Họ định tiến hành ra sao? Coco định qua Momm để tiếp cận Đại sứ Anh ở Madrid là Samuel Hoare để nhờ ông này bắt mối với Churchill. Momm ngập ngừng rồi cũng về Berlin để bàn vụ này với Bộ Ngoại giao Đức, song mọi nỗ lực đều vấp phải bức tường thép là Quốc vụ khanh Gustav Steengracht von Moyland. Momm quay sang thuyết phục đại diện của tướng SS Himmler ở Paris là Walter Schellenberg, mới 33 tuổi và sẵn sàng lắng nghe những “sáng kiến ngoài luồng“. Bản thân Schellenberg đã tham gia đội giải cứu một sĩ quan cao cấp ở Bồ Đào Nha và sau này ngụy tạo một vụ phản gián để Hitler lấy cớ tiến vào chiếm đóng Hà Lan. Giờ đây, khi chiến sự có chiều tăm tối cho phía Đức, Schellenberg được Himmler bật đèn xanh để hỗ trợ ý tưởng khá điên khùng từ Paris mang mật danh “Chiến dịch mũ thời trang“.
Coco nằng nặc đòi đưa một nữ cộng tác viên đi cùng sang Madrid để gặp Hoare. Vera Bate có họ với triều đình Anh và cũng quen riêng Churchill. Phiền thay, Bate là vợ của một chiến sĩ chống phát xít người Tây Ban Nha đang hoạt động bí mật. Bate kiên quyết từ chối và sau đó ít lâu bị sa vào tay Gestapo - “Chiến dịch mũ thời trang” chưa diễn ra đã có nguy cơ thất bại.
Kết thúc buồn
Momm tìm cách giải thoát Bate khỏi gọng kìm mật vụ Đức, đưa sang Paris, và hai người phụ nữ qua Tây Ban Nha. Ở Madrid, cuộc gặp gỡ diễn ra giữa Coco Chanel và Đại sứ Hoare - ít nhất là theo lời Coco Chanel kể lại. Bate còn ẩn mặt, chỉ có ý định xuất đầu lộ diện khi Hoare nghi ngờ Chanel. Rủi cho họ là đúng lúc đó báo chí đưa tin dữ: trên đường về nhà từ một cuộc hội kiến với Roosevelt và Stalin ở Tehran, Thủ tướng Anh bị nhiễm cúm virus và có nguy cơ không qua khỏi. Sau một tuần đợi chờ vô ích, Coco và Vera phải trở về Paris.
Ở đây Coco phạm lỗi lầm lớn nhất trong đời: tháng 12/1943 bà qua Berlin gặp Schellenberg để báo cáo về điệp vụ bất thành, nhưng cũng chủ yếu để cảm ơn lòng tin của phía Đức trao cho mình. Quả là một cảnh tượng khó tin, đến Hollywood cũng không nghĩ ra kịch bản nào khiên cưỡng hơn: giữa hang hùm của mật vụ Đức, một thiên sứ hòa bình 60 tuổi ngồi đối diện với sĩ quan tình báo vận quân phục đen dữ dằn để tán chuyện chiến sự thế giới! Một hành vi thừa thãi và vô bổ cho cả hai phía. Nhưng sau chiến tranh, chính quyền Pháp dựa vào cớ đó để ban lệnh bắt Coco Chanel vì tội phản quốc.
Cho đến khi chết già tại phòng mình trong khách sạn Ritz, Coco Chanel không bao giờ nhắc lại vụ này. Tuy nhiên bóng đen ấy ám ảnh suốt phần đời còn lại của bà, mặc cho vô số thiết kế thời trang thành công đi vào hàng kinh điển. Nơi an nghỉ của bà cũng không phải quê hương Pháp yêu dấu: Coco Chanel được mai táng tại Lausanne (Thụy Sĩ), nơi bà sống lưu vong mấy năm hậu chiến bên cạnh người tình ngày xưa Hans Guenther von Dincklage.
Lê Quang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất