24/08/2021 20:00 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Các cơ sở giáo dục mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến mà duy trì hoạt động kết nối với gia đình trẻ em và trẻ em.
Trước diễn biến dịch COVID-19 còn nhiều phức tạp, học sinh chưa thể đến trường, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, các cơ sở giáo dục mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến mà duy trì hoạt động kết nối với gia đình trẻ em và trẻ em; đồng thời hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, tổ chức cho trẻ vui chơi tại nhà. Đây là chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non tổ chức chiều 24/8, theo hình thức trực tuyến.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục mầm non cần có nhiều hình thức để hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ những nội dung trong thời gian trẻ nghỉ học ở nhà gồm: Các hoạt động an toàn, chăm sóc, nuôi dưỡng, kỹ năng tự phục vụ, vệ sinh phòng, chống dịch, hoạt động thể chất...
Đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, các cơ sở giáo dục mầm non cần lựa chọn những nội dung cần thiết, hướng dẫn cha mẹ giáo dục trẻ ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình nhằm chuẩn bị cho trẻ em tâm thế, kỹ năng sẵn sàng vào lớp 1.
Năm học 2021-2022: Hà Nội xây dựng phương án dạy học linh hoạt
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 cấp Trung học Phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức theo hình thức trực tuyến sáng 24/8, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn ngành hiện nay là thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa bảo đảm an toàn trường học, duy trì dạy và học tốt. Sở đề nghị các nhà trường xây dựng phương án tổ chức dạy học linh hoạt; tăng cường trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác phòng, chống dịch, trong đó mỗi học sinh cũng cần là một chiến sĩ.
Theo ông Trần Thế Cương, các nhà trường cần quan tâm tập huấn giáo viên để đội ngũ này vận hành nhuần nhuyễn việc giảng dạy trực tuyến; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; quan tâm đẩy mạnh chất lượng giáo dục mũi nhọn; tiếp tục thí điểm chương trình đào tạo song bằng ở một số trường; tích cực chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới...
Về mục tiêu có 100% số trường Trung học Phổ thông đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, đây là một nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, toàn ngành cần xác định đây là điều kiện rất cần thiết để tạo ra “sản phẩm” đạt chuẩn. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu thành phố về một số nội dung liên quan; các nhà trường cần tập trung nâng cao chất lượng theo các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Theo Báo cáo tại Hội nghị, toàn thành phố có 226 trường trung học phổ thông với hơn 255.000 học sinh, hơn 14.500 giáo viên. Mục tiêu trọng tâm năm học 2021-2022 của các trường Trung học Phổ thông toàn thành phố là phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn trường học và nâng cao chất lượng dạy học, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh.
Nguyễn Cúc (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất