22/05/2014 19:44 GMT+7
(lienminhbng.org) - Mùa giải trước, trận chung kết là nơi lên ngôi của bóng đá Đức, với triết lý sở hữu bóng, pressing toàn sân và tấn công tiêu diệt. Mùa này, ngược lại, Real Madrid và Atletico Madrid sẽ hội ngộ trong một trận đấu đa sắc về chiến thuật nhất châu Âu.
Sự thắng thế của bóng đá phản công?
Câu hỏi này bắt đầu được đặt ra sau khi Inter Milan đánh bại Barcelona ở bán kết Champions League 2010 với thời lượng kiểm soát bóng chỉ là... 16 %, rồi đánh bại Bayern ở chung kết với chỉ 30 % thời lượng cầm bóng. Đội bóng của Jose Mourinho thậm chí còn giành thắng lợi tương đối dễ dàng: Họ cho phép đối phương cầm bóng, nhưng bóp nghẹt không gian chơi bóng và tâm lý đối thủ, rồi trừng phạt đối thủ bằng phản công.
Chelsea dưới thời Roberto Di Matteo có lẽ may mắn hơn nhiều so với Inter của Mourinho, nhưng chức vô địch Champions League 2012, sau khi đánh bại cả Barca và Bayern, chứng minh rằng cầm bóng không có nghĩa là nắm trong tay vận mệnh.
Mùa này, Real Madrid đã đè bẹp Bayern của Pep Guardiola 4-0 ở bán kết dù chỉ cầm bóng 31 % thời lượng.Trận “chung kết” Liga với Barca, Atletico đã hòa 1-1 ngay tại Camp Nou và lên ngôi vô địch, dù chỉ kiểm soát bóng hơn 35 %. Và cũng nên nhớ là đội bóng của Simeone đã loại Barca ở bán kết Champions League với thời lượng giữ bóng là 29 %.
Không thể “một màu”
Nhưng thật ra thì không phải. Hiện tại, không có một lý thuyết gia phòng ngự phản công nào giỏi hơn Jose Mourinho, nhưng Chelsea của ông đã trắng tay mùa này. Thành công giờ không thể chỉ được tạo ra bằng phòng ngự phản công.
Ở Premier League mùa này, Chelsea của Mourinho đã thắng 8, hòa 3 và chỉ thua một trong 12 lần đối đầu với những đội trong Top 7, kiếm 27 điểm, trung bình 2,25 điểm/ trận. Trong 26 lần đối đầu với các đội ngoài Top 7, họ chỉ giành được 55 điểm, trung bình 2,11 điểm.
Vấn đề của Mourinho là ông không thể tấn công tiêu diệt các đối thủ nhỏ. HLV người Bồ Đào Nha là một bậc thầy khắc chế đối thủ và luôn thoải mái với cách chơi kiểu cửa dưới, nhưng ông không phải là một chuyên gia tạo ra một thế trận tấn công áp đặt.
Những đội thất bại thường là những đội chỉ tuân thủ lối chơi sở trường của mình. Bayern Munich có thể “đàn áp” Bundesliga vì lực lượng vượt trội của họ, nhưng lối chơi cầm bóng bỗng trở nên quẩn quanh khi đụng phải những CLB “già dơ” hơn hẳn ở châu Âu. Barcelona không thể triển khai lối chơi phòng ngự khi cần thiết, vì những triết lý truyền thống trói buộc họ, và đó là điều khiến họ trở nên thất thế.
Bài học ở đây là nếu bạn chỉ biết phòng ngự phản công như Chelsea hay tấn công như Bayern hoặc Barca, bạn khó mà thành công.
Hai tay hai súng
Atletico Madrid không chỉ vô địch Liga và đi đến chung kết Champions League bằng bóng đá phản công, dù đa số các trận, HLV Simeone thích lối chơi ấy, để bảo toàn sức lực và ứng phó với các đội bóng cửa trên.
Họ đã đánh bại Chelsea 3-1 ở lượt về bán kết Champions League, ngay tại Stamford Bridge, bằng thứ bóng đá tấn công dồn ép đích thực. Simeone đặc biệt nhạy cảm với sự chuyển đổi chiến thuật trong 90 phút: Atletico Madrid sẽ chơi tấn công và phòng ngự phản công tùy thời điểm, và điều đáng nói là họ vận hành hai lối chơi ấy tốt như nhau. Khi tấn công, họ sắc sảo, tốc độ và cũng không kém phần kỹ thuật. Khi phòng ngự, họ láu cá, gan lì, sẵn sàng cắt vụn trận đấu bằng những pha phạm lỗi, cũng như đổ bê tông ở 30 mét cuối cùng.
Đối thủ của họ ở chung kết, Real Madrid, cũng tỏ ra cực kỳ ấn tượng với hai loại súng dắt ở bên hông. Carlo Ancelotti đã rút khẩu “phòng ngự phản công” để bắn tan nát Bayern ở lượt về bán kết Champions League, dù đã cất nó đi để phô diễn thứ bóng đá tấn công tiêu diệt ở lượt đi tứ kết, đè bẹp Dortmund 3-0.
Real Madrid vốn đã là một đội phản công bậc thầy dưới thời Jose Mourinho, và dưới sự dẫn dắt của Ancelotti, họ được trang bị thêm khả năng pressing rất ấn tượng ở giữa sân, đồng thời vị trí tiền vệ kiến tạo lùi sâu của Xabi Alonso được khai thác hiệu quả tối đa, tương tự như cách Ancelotti sử dụng Andrea Pirlo ở AC Milan trước đây.
Tốc độ khi tấn công và phản công của Atletico kém ấn tượng hơn Real Madrid, nhưng giống như hầu hết các HLV người Argentina bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của Marcelo Bielsa, Simeone cũng biết cách chơi pressing, dù cách chơi pressing kiểu Nam Mỹ dựa nhiều vào kỷ luật vị trí và dồn đối phương vào các khoảng trống “chết” hơn là vây bắt và cướp bóng lại nhanh nhất có thể theo kiểu châu Âu.
Biến hóa như “tắc kè”
Pep Guardiola cũng là một bậc thầy của lối chơi pressing, nhưng điểm khác biệt là các đội bóng của ông chỉ pressing khi tấn công và luôn áp sát, buộc các đối thủ luôn đề phòng. Ancelotti và Simeone thì khác: Ngay cả khi đang phòng ngự, thì họ cũng đồng thời chơi pressing! Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng cả Atletico và Real mùa này đều biết dồn đối phương vào những khoảng trống tạo ra ít cơ hội nhất, và cũng là khoảng trống nhiều tiềm năng tổ chức phản công nhất, ngay cả khi họ đang phòng ngự. Đó là sự chủ động tuyệt đối.
Biệt tài của Ancelotti là nhìn ra được tiềm năng tấn công ngay ở những khu vực phòng ngự, và đó là lý do khiến ông đưa vị trí tiền vệ kiến tạo lùi sâu của Pirlo lên tầm một phát kiến lớn về chiến thuật, dù người nghĩ ra ý tưởng này là Edoardo Reja của Brescia. Simeone thì bắt buộc được các ngôi sao tấn công ở Atletico Madrid phải tham gia phòng ngự tích cực, và sự biến hóa được tạo ra nhờ ai cũng giữ ý thức rằng hai vai trò của họ trong đội là không khác nhau quá nhiều.
Thế nên, trận chung kết Champions League mùa này sẽ là một cuộc đấu trí rất đáng xem, vì cả hai đội đại diện cho một xu hướng chiến thuật mới của bóng đá hiện đại: Không phải tấn công hay phòng ngự phản công là chìa khóa thành công, mà cách chuyển đổi giữa hai thái cực ấy mới định đoạt tất cả. Tấn công mãi sẽ bị giải mã. Phòng ngự mãi cũng sẽ phải tan vỡ. Chỉ có biết khi nào tấn công, khi nào phòng ngự phản công, mới thực sự là bí quyết chiến thắng.
Phạm An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất