Bảo tàng Picasso mở rộng gấp 3 lần

26/10/2014 07:24 GMT+7 | Di sản

(lienminhbng.org) - Hôm 25/10, vào đúng ngày sinh thứ 133 của danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso, Bảo tàng Picasso ở Paris cuối cùng đã được mở cửa lại sau 3 năm trì hoãn, tranh cãi và nợ tới 22 triệu euro (27,8 triệu USD) do kinh phí bị đội lên so với dự tính ban đầu.

Ngày mở cửa bảo tàng có sự chứng kiến của Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ngày này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho bảo tàng.

Chấm dứt thời kỳ hỗn loạn

Đáng lẽ ra, dự án này đã được hoàn tất từ năm 2011, nhưng từ đó đến nay nó đã bị trì hoãn 2 lần. Tuy nhiên, sự kiện mở cửa lại bảo tàng sẽ chấm dứt thời kỳ đầy hỗn loạn trong khung cảnh văn hóa của thành phố Paris.

Hồi tháng 5, bà Anne Baldassari, người 9 năm làm Giám đốc bảo tàng, đã bị Bộ trưởng Văn hóa Pháp Aurelie Filippetti sa thải sau khi cãi vã ầm ĩ với đội ngũ cán bộ của mình và bị cáo buộc có cách quản lý độc đoán.

Việc bà Baldassari bị cách chức đã khiến con trai danh họa là Claude Picasso (66 tuổi) cũng lao vào cuộc khẩu chiến, bởi ông là người ủng hộ bà Baldassari. Claude chỉ trích Chính phủ Pháp không coi trọng các tác phẩm của cha mình và làm đình trệ kế hoạch mở cửa lại bảo tàng.


Bên ngoài Bảo tàng Picasso ở Paris

“Nước Pháp đang chế giễu cha tôi. Bà Baldassari  là người có thẩm quyền khoa học, chịu trách nhiệm phát triển bảo tàng trong nhiều năm. Vậy nên, tôi sẽ chỉ coi người thay thế vào vị trí của bà là một "kẻ mạo danh” – ông Claude nói với tờ Le Figaro hồi tháng 5.

Tuy nhiên, bà Baldassari sẽ không vắng bóng trong ngày mở cửa lại bảo tàng và vài tuần trước, bà đã trở lại đảm nhiệm vai trò giám tuyển cho cuộc triển lãm nhân sự kiện này.

Trong các cuộc phỏng vấn của báo giới Pháp, bà nói rằng công chúng sẽ thấy các tác phẩm của Picasso được bài trí “không kiểu cách. Mọi người nên hiểu Picasso. Đây không phải là nơi của sự tưởng tượng”.

Tháng 6, ông Laurent Le Bon được bổ nhiệm thay thế bà Baldassari và giữ vai trò giám đốc bảo tàng. Ông này từng là Giám đốc Trung tâm Pompidou-Metz từ năm 2010. Bộ trưởng Văn hóa Filippetti tuyên bố, giám đốc mới có “đầy đủ phẩm chất cần thiết để mở bữa tiệc khai trương Bảo tàng Picasso mà công chúng đã mong đợi từ lâu”.

Song chỉ một thời gian ngắn sau đó, vào tháng 8, bà Aurelie Filippetti đã bất ngờ xin từ chức và rút khỏi Chính phủ.



Một góc bên trong bảo tàng sau khi được tu bổ

Không gian trưng bày tăng gấp 3 lần

Sinh thời, Picasso từng kiêu hãnh nói: “Hãy cho tôi một bảo tàng và tôi sẽ làm đầy bảo tàng đó”.

Năm 1985, 12 năm sau khi Picasso qua đời, Bảo tàng Picasso đã được hình thành từ một dinh thự có niên đại từ thế kỷ 17 ở quận La Marais, Paris, với “gia tài” khoảng 200.000 tác phẩm của danh họa, tuy nhiên bảo tàng mới chỉ trưng bày được 5.000 bức tranh, tác phẩm điêu khắc, tranh in cũng như tư liệu cá nhân của Picasso trong số đó.   

Gần 3 thập kỷ sau, bảo tàng đã được mở cửa lại sau khi hoàn tất dự án tu bổ và mở rộng tốn kém 52 triệu euro (66 triệu USD), nhờ vậy không gian trưng bày trong bảo tàng tăng lên gấp 3 lần, rộng 3.800m2.

“Dự án tu bổ này thể hiện tính linh hoạt cao. Khách tham quan có thể đi lại xung quanh dễ dàng hơn trước, thư thái ngắm tranh với tinh thần của Picasso. Kiến trúc sư Jean-Francois Bodin đã tìm cách hiện đại hóa và mở rộng phòng trưng bày, trong khi vẫn bảo tồn đặc trưng của nó” - ông Le Bon nói.

Với dự án mở rộng này, các văn phòng trong tòa nhà đã biến thành các khu vực triển lãm, các chuồng ngựa gỗ được cải tạo thành phòng tiếp đón lớn. Các không gian triển lãm nhỏ được làm nổi bật với sàn nhà màu xám, đá trần và tường trắng.

Trong tương lai, nhiều khả năng mỗi năm bảo tàng sẽ tổ chức 1 triển lãm. Phối hợp với Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York, Bảo tàng Picasso sẽ triển lãm đầu tiên vào giữa năm 2015 và chủ đề sẽ là các tác phẩm điêu khắc của danh họa.

VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm