18/10/2015 07:30 GMT+7 | Phim
(lienminhbng.org) - Trong cuộc đời Steve Jobs, nguồn cảm hứng lớn nhất của ông chính là Bob Dylan. Cả hai đều là huyền thoại trong lĩnh vực của mình, người này công nghệ, người kia âm nhạc. Job ám ảnh với Dylan vì “dám nghĩ khác” - thứ mà sau này ông lấy làm thông điệp cho thương hiệu Apple.
“Trong số những người ông thần tượng, những kẻ nổi loạn, ông gọi họ như vậy, những người dám nghĩ khác, tôi nghĩ Dylan là người mà Job tâm đắc nhất” - Danny Boyle, đạo diễn của bộ phim Steve Jobs, nói với Newsweek.
Được khơi gợi cảm hứng từ Bob Dylan
Mối liên kết giữa Jobs và Dylan là một dạng tri âm tri kỷ. Hoặc Jobs là một “fan cuồng” của Dylan. Trong những ngày đầu ở Apple, ông sưu tầm những bản thu hiếm của Dylan từ những năm 60, với có độ dài lên đến khoảng 100 giờ.
Theo cuốn tiểu sử của Walter Isaacson (nguyên tác của bộ phim này), Jobs và người bạn Steve Wozniak đều là người hâm mộ cuồng nhiệt của Dylan.
Wozniak kể: “Chúng tôi mua những bản in ca từ của Dylan và thức thật khuya để diễn dịch chúng. Những từ ngữ của Dylan đánh đúng vào dây cung của tư duy sáng tạo”.
Trong bài diễn thuyết giới thiệu máy tính Macintosh vào năm 1984, Jobs cũng trích dẫn từ một bài hát của Dylan. Đó là bài hát The Times They Are a-Changin': “Đó là các câu: “Đến đây nào hỡi những nhà văn và nhà phê bình. Các nhà tiên tri với cây bút trong tay. Hãy mở to đôi mắt. Cơ hội sẽ không đến lần nữa đâu. Khi bánh xe vẫn còn quay. Và không biết tên ai sẽ được xướng lên. Cho kẻ thất bại sẽ chiến thắng vào ngày sau. Cho một thời đại sắp thay đổi”.
Đó chính là dự cảm của Jobs đối với sản phẩm công nghệ mới của ông. Ông tin rằng nó sẽ làm nên cuộc cách mạng khiến người ta không thể quên. Người ta thường nói, Jobs đặc biệt trong giới công nghệ bởi ông rất yêu nghệ thuật, dù không trực tiếp sáng tác nghệ thuật nhưng có óc đồng cảm tuyệt vời với những người nghệ sĩ.
Vì ảnh hưởng nổi bật của nó trong cuộc đời Jobs, bài hát The Times They Are a-Changin' đã được đưa vào bộ phim.
10 năm sau đó sự kiện đáng nhớ về Macintosh, cuối cùng, ông cũng được gặp thần tượng vào năm 2004. “Hai người ngồi trên sân nhà của Dylan và trò chuyện suốt 2 tiếng” – theo cuốn tiểu sử.
Jobs bối rối, háo hức và sợ vỡ mộng (như bất cứ người hâm mộ nào trên thế giới khi đứng trước thần tượng) nhưng rồi mãn nguyện vì người hùng Dylan của ông “giống như mọi thứ tôi hình dung. Ông rất thành thực và cởi mở”. Tóm lại, Dylan đối với Jobs không chỉ là một niềm yêu thích, mà là một nỗi ám ảnh, một sự tôn thờ.
Với Jobs, Dylan là một nhà thơ và nhà soạn nhạc “đáng ngưỡng mộ nhất trong thời đại chúng ta”.
Mối lương duyên kỳ lạ
Đối với thế hệ ngày nay, Jobs có khi còn nổi tiếng hơn Dylan. Apple như một đế chế, thu phục những tín đồ thực sự với tình yêu và lòng thành kính. Lật lại thời gian để hiểu ngọn nguồn của sự vĩ đại đó cũng thật thú vị. Bộ phim Steve Jobs cho khán giả một góc nhìn từ phía đó.
Ngoài đời, Jobs còn từng hẹn hò với Joan Baez (người hơn ông 14 tuổi), nữ ca sĩ nổi tiếng cùng thời với Dylan và từng là người tình của Dylan. Mối lương duyên này thật kỳ lạ, cũng có thể do Jobs chủ động, vì ông muốn biết thế nào là người phụ nữ từng chiếm được trái tim của thần tượng mình.
Dù bộ phim gây tranh cãi về việc “chơi đùa với sự thật” (theo lời nữ diễn viên Kate Winslet) khi đưa vào nhiều chi tiết không có thật trong cuộc đời Jobs, nhưng riêng về nỗi ám ảnh Dylan, đạo diễn Boyle có lý.
Mặc dù vậy, Steve Jobs với tài năng của đạo diễn Danny Boyle (Triệu phú khu ổ chuột) và nam diễn viên Michael Fassbender vẫn chỉ được giới phê bình đánh giá ở mức trung bình khá. Phim chỉ được chiếu ở số rạp hạn chế tại Mỹ, trong thời gian tới mới được mở rộng hơn. Điều này cho thấy rất khó để làm một phim hay về Steve Jobs bởi cuộc đời ông quá đa chiều.
Trailer phim Steve Jobs:
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất