Nạn nhân thảm họa sập nhà Bangladesh: "Tôi đã chờ tử thần tới đón đi"

02/05/2013 07:40 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Merina Khatun, 21 tuổi là một trong số các công nhân dệt may còn sống sót sau vụ sập tòa nhà Rana Plaza cao 8 tầng tại thủ đô Dhaka của Bangladesh vào thứ Tư tuần trước. Từ trên giường bệnh, cô đã kể lại cho hãng tin BBC về thảm cảnh trong 4 ngày bị kẹt lại dưới đống đổ nát.

Với Merina Khatun, việc sống sót sau thảm họa sập nhà là một phép màu thực sự.

4 ngày chờ chết

"Tôi đang ở trên tầng 3, khi tòa nhà sụt xuống. Đột nhiên, phần mái nhà đổ sập. Tôi cố chạy về phía cầu thang, nhưng phần mái rơi xuống quá nhanh. Tôi đã ngồi thụp xuống sàn, dưới một chiếc máy hạng nặng và nhờ thế mà sống sót" - Khatun khẽ khàng kể lại - "Chị tôi cũng làm việc trong cùng tòa nhà và đã được giải cứu không lâu sau vụ tai nạn. Nhưng tôi không thể thoát ra ngoài và cạnh tôi có một cô gái khác thiệt mạng khi tòa nhà đổ sập. Tôi đã sống trong đống đổ nát cùng xác chết của cô ấy và vài người sống sót khác".

Khatun có mang một chai nước nhỏ bên mình, nhưng nó sớm cạn kiệt. Cô nói rằng một số người đã bắt đầu uống nước tiểu của mình để sống sót, nhưng cô không thể làm thế.


Các lao động sống sót sau thảm họa sập nhà ở Bangladesh

"Một trong các đồng nghiệp của tôi, cũng bị mắc kẹt trong đống đổ nát, đã bị loạn trí và có lúc cô ấy đã bắt đầu cắn tôi. Cô ấy nói rằng: 'Hãy đưa tôi tới chỗ con trai'" - cô kể - "Mỗi khoảnh khắc ở trong đống đổ nát ấy, tôi đều chờ đợi tử thần tới đón đi. Bởi ở dưới đó hoàn toàn không có hy vọng và tình thế hết sức kinh hãi. Tôi đã ở giữa hy vọng và sự tuyệt vọng, giữa sự sống và cái chết. Đôi khi hít thở cũng là điều hết sức khó khăn".

Cô nói rằng có mang một chiếc điện thoại di động bên mình, nhưng nó báo không có sóng. Trong 3 ngày đầu, cô còn bình tĩnh và chỉ nằm yên chờ đợi. Nhưng tới ngày thứ tư, cô đã bất tỉnh. Lực lượng cứu hộ sau đó đã tìm thấy Khatun còn sống sót vào thứ Bảy tuần trước.

"Sau khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện và tôi đã yêu cầu được gặp cha mẹ mình. Tôi nghĩ rằng đấng Allah Toàn năng đã trao trả cuộc sống cho tôi, khi tôi thấy cha mẹ bên giường bệnh. Tôi bị các vết thương ở đầu và hông. Nhưng các bác sĩ nói rằng chúng sẽ sớm bình phục" - cô kể.

Vụ tai nạn kinh hoàng nhất

Khi được hỏi tại sao vẫn vào tòa nhà để làm việc dù biết rằng nó không an toàn, Khatun nói rằng các viên quản đốc đã đe dọa công nhân và tuyên bố những người không đi làm sẽ không được trả lương.

"Rất nhiều công nhân không muốn đi vào trong tòa nhà và chúng tôi đã tranh cãi với các quản đốc về tình trạng của tòa nhà" - cô kể. Cô cùng đồng nghiệp được chủ tòa nhà nói rằng nó đã được các kỹ sư kiểm tra và sau khi xem xét, người ta không thấy có gì đáng báo động liên quan tới tòa nhà.

Câu chuyện của những người sống sót như Khatun đã khiến dư luận Bangladesh phẫn nộ, khi số người chết trong vụ sập nhà kinh hoàng đã vượt qua con số 400 người, trở thành một trong những vụ tai nạn nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Cảnh sát xác nhận rằng có 399 thi hài được tìm thấy trong đống đổ nát và 3 người chết tại bệnh viện.

Hôm 1/5, một quan chức quân đội cho BBC biết rằng vẫn còn khoảng 149 người đang mất tích nếu dựa theo một danh sách do những người thân của các nạn nhân tổng hợp ra. Các ước tính ban đầu nói rằng con số người mất tích còn cao hơn. Tuy nhiên chính quyền đánh giá đó là con số ảo, do sự trùng lắp thông tin. 



Nhiều người Bangladesh đã xuống đường biểu tình nhân ngày 1/5, đòi cải thiện điều kiện lao động trong ngành dệt may

Hàng ngàn người đã tuần hành tại Dhaka trong ngày này, yêu cầu thi hành án tử hình với các chủ tòa nhà Rana Plaza. Con số người biểu tình được ước tính khoảng 20.000 người. Nhiều người đã mang theo các biểu ngữ mang thông điệp rõ ràng: "Treo cổ những kẻ gây chết người. Treo cổ các chủ nhà máy". Một người khác nói to qua loa phóng thanh: Anh tôi đã chết. Chị tôi đã chết. Máu của họ không phải thứ vô giá trị.

Kamrul Anam, thành viên Liên đoàn các lao động dệt may Bangladesh, nói rằng vụ sập nhà giống như hành động giết người. "Chúng tôi muốn trừng phạt nặng nhất những kẻ chịu trách nhiệm gây ra thảm kịch này" - Anam nói.

"Không trở lại ngành dệt may"

Báo chí Bangladesh cho biết nhiều vết nứt đã xuất hiện ở Rana Plaza, chỉ một ngày trước khi vụ sập nhà diễn ra. Tuy nhiên các lao động vẫn được lệnh phải tiếp tục đi làm. Sau vụ sập nhà, nhiều nhà máy đã bị đóng cửa và công nhân dệt may thi nhau xuống đường biểu tình, đòi thi hành công lý và cải thiện điều kiện lao động.

Chủ tòa nhà là Mohammed Sohel Rana hiện đã bị bắt giữ. Tổng cộng có 8 người, gồm các chủ tòa nhà và các kỹ sư, đã bị bắt. Họ cũng bị khởi tố với tội danh tắc trách gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhằm ổn định tình hình, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã kêu gọi người lao động trở lại làm việc. "Tôi muốn kêu gọi các công nhân giữ bình tĩnh, giữ cho các nhà máy tiếp tục hoạt động, nếu không các bạn sẽ mất việc".

Được biết Bangladesh là một trong những nước có ngành công nghiệp dệt may lớn nhất thế giới. Lĩnh vực này chiếm gần 80% tổng lượng xuất khẩu thường niên của đất nước. Ngành dệt may cũng cung cấp việc làm cho khoảng 4 triệu người lao động.

Tuy nhiên nó đang vấp phải nhiều sự chỉ trích do tình trạng lương thấp và lao động ít được hưởng quyền lợi, trong khi các điều kiện làm việc lại rất nguy hiểm.

Với Khatun, cô và chị gái là những người kiếm tiền chủ đạo trong gia đình. Thật may mắn khi cả hai chị em đều giữ được mạng sống sau thảm họa. Khi được hỏi bản thân có kế hoạch gì cho tương lai, Merina đã kiên quyết tuyên bố: "Không làm trong ngành dệt may nữa. Tôi sẽ trở về làng mình (cách Dhaka khoảng 300km). Tôi đã biết cách khâu vá. Tôi sẽ mua một chiếc máy khâu và thử làm ra các sản phẩm của chính mình".

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm